69Thứ Tư, 23/08/2023, 17:47
138 · Nói Rõ Phương Pháp Niệm Phật - 3

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 23/08/2023

****************************

PHÁP SƯ TỊNH KHÔNG GIA NGÔN LỤC

Phần 3 Chương 3

NÓI RÕ PHƯƠNG PHÁP NIỆM PHẬT

 (BÀI BỐN)

Ở thế gian, những người có kỹ thuật tốt thì họ sẽ làm mọi việc một cách tinh xảo, trong Phật pháp, chúng ta muốn tu học thành công thì chúng ta cũng phải có phương pháp tốt. Tôi biết một số người thường đi đến nhiều quốc gia khác nhau để tìm phương pháp tu tập mới, sau hơn mười năm, họ vẫn tiếp tục đi tìm phương pháp mới. Chúng ta thường nghĩ rằng chúng ta còn nhiều thời gian, khi Quỷ vô thường đến, nếu chúng ta vẫn chưa có công phu thì chúng ta sẽ đi về đâu? Người thế gian cũng nói: “Công chưa thành, danh chưa toại thì người đã không còn”. Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta phải chọn một phương pháp đúng để chúng ta có đủ thời gian để hành trì.

Ngày trước, có một người đến đây tu học cùng tôi một thời gian sau đó họ lại đi bôn ba khắp nơi. Một hôm, người đó hỏi tôi, họ đã quy y năm lần, hiện tại có một vị ở nước ngoài rất nổi tiếng đến Việt Nam vậy họ muốn quy y thêm một lần nữa có được không. Tôi nói, họ đã quy y năm lần rồi thì quy y thêm một lần nữa cũng không sao. Họ đứng ở ngã năm hay ngã sáu đường cũng không khác nhau vì chắc chắn là họ cũng sẽ không đi đến đâu! Nếu họ đang đứng ở ngã ba thì tôi còn có thể đưa ra lời khuyên. Khi chúng ta còn trẻ chúng ta phải chọn một phương pháp phù hợp, chúng ta càng tìm hiểu nhiều phương pháp thì chúng ta sẽ càng loạn động.

Khi tôi còn nhỏ, mọi người hướng dẫn bà tôi niệm Phật nên bà tôi niệm theo, buổi tối, khi bà lạy chín phương trời, mười phương đất thì tôi cũng bắt chước làm theo. Tôi được tiếp nhận phương pháp niệm Phật từ nhỏ, lớn lên, khi được Hòa Thượng dạy phương pháp niệm Phật, tôi tin và làm theo lời Ngài. Tôi không nghe qua hay không làm thử bất cứ một phương pháp nào khác. Mọi người giới thiệu phương pháp nào đó nhiệm màu, thù thắng, vi diệu thì tôi cũng không quan tâm. Phương pháp đó có thể thù thắng, vi diệu với họ nhưng với chúng ta thì chưa chắc. Điều này giống như chúng ta có thể làm nghề này giỏi nhưng chúng ta chưa chắc làm được một nghề khác.

Phật dạy: “Y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa”. “Liễu nghĩa” là pháp tương ưng với căn tánh của chúng ta, chúng ta có thể hành trì. Pháp quá cao, không tương thích với căn tánh của chúng ta thì đó không phải là pháp liễu nghĩa. Chúng ta phải lựa chọn pháp cho đúng, nếu không chúng ta sẽ lãng phí thời gian của sinh mạng, lãng phí cả cuộc đời, Hòa Thượng Hải Hiền dùng thời gian 90 năm cuộc đời để niệm Phật, Ngài muốn nhắc chúng ta: “Chúng ta không có thời gian dài để hành trì thì chúng ta sẽ không có kết quả!”. Với căn tánh của chúng sanh thời hiện đại, nếu chúng ta chỉ hành trì trong một vài năm thì chúng ta không thể có thành tựu thậm chí có người hành trì vài chục năm cũng chưa có kết quả.

Một số người thường đến niệm Phật để giúp người khác vãng sanh, họ làm như vậy để sau này, mọi người sẽ niệm Phật giúp họ vãng sanh. Chúng ta hoàn toàn uỷ thác vào việc này thì chúng ta đã sai 100%. Hoà Thượng Hải Hiền nói: “Người ta niệm cho mình không có chắc!”. Câu nói này rất có đạo lý! Chúng ta thật niệm, tâm hạnh của chúng ta tương ưng với Phật A Di Đà, sau đó người khác giúp chúng ta trợ niệm thì chúng ta mới có thể có thành tựu. Hàng ngày, tâm hạnh chúng ta không tương ưng với Phật A Di Đà thì dù người khác đến trợ niệm cho chúng ta cũng chỉ giống như “vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm mắt”.

Hòa Thượng nói: “Đại sư Ngẫu Ích nói, Chúng ta có thể vãng sanh hay không quyết định bởi chúng ta có tín, nguyện, hạnh không”. Đây là điều kiện thứ nhất để chúng ta có thể vãng sanh. Phẩm vị vãng sanh của chúng ta cao hay thấp quyết định bởi công phu của chúng ta sâu hay cạn. “Công phu” chính là tâm thanh tịnh, bình đẳng, từ bi. Chúng ta tường tận chân tướng sự thật này thì chúng ta mới biết cách công phu. “Thanh tịnh, bình đẳng” là tự lợi. “Từ bi” là lợi tha. Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn Đại Thừa, không phải là pháp môn tiểu thừa. Chúng ta chỉ ôm chấp tâm thái “tự lợi” thì chúng ta không thể vãng sanh”. “Tín” là tin, chúng ta phải tin một cách sâu dày, chắc chắn. “Nguyện” là chúng ta chỉ nguyện vãng sanh không nguyện những việc khác. Công phu không phải là chúng ta ngồi “nghêu ngao” niệm Phật một ngày 8 tiếng, chúng ta niệm Phật nhiều nhưng tâm chúng ta không thanh tịnh, bình đẳng, từ bi thì chúng ta không thể có công phu.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook