32Thứ Tư, 17/04/2024, 19:14

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 17/04/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 99

Hòa Thượng dạy chúng ta phải phát tâm hy sinh phụng hiến, bắt đầu từ “tự hành hóa tha”. “Tự hành” là phải sửa hết tập khí xấu ác của mình, đem lời dạy của Thánh Hiền triệt để áp dụng từ nơi chính mình. Sau khi mình “tự hành” thì đem “tự hành” đó để “hóa tha” giúp người khác tu hành.

Ngài nói: “Người xưa từng nói xuất gia tu hành là một chuyện vô cùng trọng đại, vô cùng đáng vui, khó ai có thể làm được. Khi tu hành mà chân thật thấu triệt được chân tướng của vũ trụ nhân sanh rồi phát tâm hy sinh phụng hiến, tự hành hóa tha (tự mình tu hành và giúp người tu hành) thì cho dù có địa vị quyền cao chức trọng như là tể tướng hay nguyên soái cũng không sánh bằng. Thế nhưng, nếu như không làm đến được hy sinh và phụng hiến một cách triệt để thì người xưa cũng nói trước cửa địa ngục, phần nhiều là người tu hành.

Chúng ta ngày nay nhận được sự thuận tiện và sự hỗ trợ từ rất nhiều người. Zoom lớp học của chúng ta không tự nhiên mà có. Việc vận hành zoom lớp học cần có một êkíp, rồi đến tháng là đóng tiền. Chỉ riêng việc này đã cho thấy xung quanh chúng ta có biết bao người đang thành toàn giúp đỡ chúng ta. Cuộc đời chúng ta chịu ân đức của Cha Mẹ, Thầy Cô, Quốc Gia. Hãy quán chiếu xem, Cha Mẹ đã làm gì để mình được như ngày hôm nay? Thầy Cô đã dụng công thế nào để mình có kiến thức? Các nhà lãnh đạo quốc gia ngày ngày vận dụng trí tuệ ra sao để nhân dân chúng ta được sống một cuộc đời an định và phồn vinh?

Nếu chúng ta không thành tựu, không làm được gì thì chúng ta không thể kham nổi những ân đức đó. Nếu chúng ta không báo đáp được những ân đức hay là chúng ta không hoàn thành trách nhiệm, vai trò, bổn phận của mình cũng đủ làm chúng ta phải mang lông đội sừng trả nợ. Vì thế cho nên, trên Kinh Phật nhắc chúng ta “Trên đền bốn ơn nặng. Dưới cứu khổ ba đường”. Bốn ơn gồm ơn Cha Mẹ, ơn Quốc Gia, ơn Thầy Cô (Phật chính là Thầy và tiếp nối vô vàn Thầy Cô mai sau) và ơn Chúng sanh.

Tổ sư Ấn Quang từng dạy chúng ta: “Đốn luân tận phận”- dốc hết trách nhiệm trong vai trò bổn phận của mình và “Nhàn tà tồn thành” – lúc rảnh rỗi phải giữ tâm đừng để vọng động rồi mới đến “Nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh Độ”. Những lời dạy này của Tổ Ấn Quang chúng ta phải nhớ để cả đời tu hành cho tốt.

Cho nên, Hòa Thượng nói: “Lời nói của người xưa chính là lời răn dạy chúng ta đấy. Nhất định phải chăm chỉ tu hành, phải chân thật có thành tựu nếu không trong tương lai phải thọ quả báo.

Vậy chúng ta phải xét xem vai trò bổn phận của mình, mình đã làm tốt chưa hay suốt ngày chìm trong tập khí “ảo danh ảo vọng, tự tư tự lợi” mà không biết, vẫn cứ nghĩ mình đang hy sinh phụng hiến? Ngày ngày chúng ta bị cuốn chặt bởi 16 tập khí phiền não như con tằm bị cuốn chặt trong kén. Tập khí lười biếng, “tự tư tự lợi” luôn muốn chiếm thế thượng phong, ví dụ như khi đang lễ Phật thì tâm đòi hỏi chúng ta chuyển sang niệm Phật dù chưa đủ số lễ. Đây chính là tâm “tự tư tự lợi”.

Hòa Thượng nhắc chúng ta: “Đối với oai nghi chuẩn mực của Phật phải nỗ lực học tập và mang chuẩn mực đó phát dương quang đại mới không hổ thẹn thân phận là đệ tử của Phật.” Oai nghi của Phật là “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi”.

Hòa Thượng nói: “Người thế gian cười nhạo người học Phật là mê tín. Họ không biết rằng chính họ mới là người mê tín. Có một số người cường điệu việc nghiên cứu dinh dưỡng, tiến bộ y học để đảm bảo sức khỏe và trường thọ. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng những người có đời sống thanh khổ, cơm thô, trà đạm lại có đời sống rất khỏe và trường thọ”. Người chú trọng dinh dưỡng, tẩm bổ nhiều thì cả thân bệnh hoạn còn người cơm thô, trà đạm thì đời sống an nhàn tự tại, có sức khỏe, có tuổi thọ.

Ngài tiếp lời: “Do đây có thể biết những việc thế gian mong cầu, truy tìm không phải là đạo dưỡng sinh. Đáp án sau cùng và triệt để nhất mà Phật pháp đã dạy chúng ta là tu thiện, tích phước. Khỏe mạnh sống lâu là phước báu mà muốn có phước báu phải dựa vào đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức. Có công đức của sự tu trì mới có thể đạt đến được.