31Thứ Hai, 08/04/2024, 18:41
90 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 90

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 08/04/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 90

Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta muốn tự tại trước nghịch cảnh phải nên mài giũa tâm cho sáng bóng. Nếu không khi oan gia trái chủ gây phiền phức, đôi bên sẽ tạo nghiệp khiến oan oan tương báo. Ngài dạy rằng không nên đổ thừa cho hoàn cảnh vì mọi cảnh duyên đều lưu xuất từ nơi tự tánh. Học vấn đức hạnh của thế gian và xuất thế gian cũng hiển lộ từ tâm thanh tịnh. Ngài chỉ dạy chúng ta phải đặt khẩu nghiệp lên hàng đầu để giữ gìn.

Hòa Thượng nói: “Chân thật tu hành thì phải mang tâm này mài giũa cho vừa sáng vừa bóng. Nhờ đó, quả tâm mới mở được rộng lớn, tự tại. Nếu không thì khi chúng ta gặp nghịch cảnh, oan gia trái chủ gây phiền phức thì đôi bên đều sẽ sai lầm, cũng đều sẽ tạo nghiệp, vậy thì đời sau kiếp sau sẽ oan oan tương báo không bao giờ kết thúc.

Nếu ai đó hại mình, giết mình mà mình mang tâm thù hận thì tâm thù hận đó khiến chúng ta chờ cơ hội trả thù. Tâm thù hận đó cứ luẩn quẩn, cứ oan oan tương báo không lúc nào ngừng dứt. Cho nên Hòa Thượng dạy phải mang tâm mình mài giũa cho bóng, sáng, cho tròn đầy thì quả tâm mới mở được rộng lớn và tự tại. Khi đó, không còn một hoàn cảnh nào có thể chướng ngại chúng ta. Mọi sự mọi việc chúng ta đều quán sát bằng trí tuệ, đều biết rõ và có lựa chọn đúng rằng có nên làm hay không.

Năng lực, trí tuệ, phước báu, tướng hảo của Phật có đầy đủ ở trong ta, chỉ cần chúng ta tâm dùng chân thành, thanh tịnh, từ bi là khai mở được những điều này. Vì chúng ta không biết như thế nên chúng ta không tin vào năng lực của chính mình. Cho nên, hãy dốc hết sức, ngày ngày tinh tấn dũng mãnh một cách đặc biệt.

Có người gặp chúng tôi lần đầu, thấy chúng tôi lao động thì rất ngạc nhiên còn bản thân chúng tôi thấy việc đó là bình thường, không có gì là lao nhọc. Mấy ngày nay chúng tôi ở một mình vẫn là lao động tự phục vụ, vẫn là đang giảng pháp cho hai cái máy camera nghe. Nếu tâm chúng ta được mài giũa sáng bóng thì sẽ không còn chểnh mảng, nhếch nhác, lười biếng. Trong quá trình mài giũa tâm, chúng ta sẽ luôn ở trạng thái kiểm soát cao độ những tập khí trên. Còn nếu chúng ta cứ để mình có tâm phân biệt, vọng tưởng, chấp trước thì đương nhiên sẽ đầy đủ những tập khí này.

Hòa Thượng nói: “Sanh phiền não là do trong nội tâm của chính mình có bệnh, có xung đột. Nào có biết được, tận hư không khắp pháp giới, tất cả các cảnh duyên, đều từ nơi tự tánh của mình lưu xuất ra. Vì vậy, hoàn cảnh bên ngoài không có liên quan nên chúng ta không nên đổ thừa cho hoàn cảnh.” Nếu hiểu như Hòa Thượng chỉ dạy thì làm gì trong tâm còn xung đột vì đều do tự tánh mình xuất phát ra. Nếu trong tâm có xung đột là do trong tâm có bệnh.

Chúng ta vẫn thường kêu ca việc này, việc kia làm không được, tập khí này tập khí kia khó bỏ. Vậy chúng ta hãy xét xem Hòa Thượng làm được, Tổ sư đại đức nhiều đời làm được, Thích Ca Mâu Ni Phật làm được thì mình cũng làm được. Quan trọng nhất vẫn là công phu khắc chế bản thân.

Hòa Thượng nói: “Học vấn đức hạnh của thế gian và xuất thế gian đều từ nơi tâm thanh tịnh của mình mà hiển lộ. Nhà nho gọi là thanh tâm quả dục hay đạm bạc minh trí, nhà Phật gọi là minh tâm kiến tánh hay chính là tịnh niệm liên tục. Đây mới là hạnh phúc chân thật, thọ dụng chân thật mà chúng ta hướng đến.

Những gì hiển lộ từ tâm thanh tịnh thì chắc thật. Vậy nên, chúng ta hãy chọn việc khắc chế bản thân, tinh tấn nỗ lực một cách đặc biệt để đạt được tâm thanh tịnh. Nếu chúng ta không muốn khắc chế bản thân, không muốn nỗ lực mà lựa chọn trạng thái chểnh mảng nhếch nhác thì đó chính là thói quen. Chúng ta hãy cứ nỗ lực từng ngày từng chút một thì dần dần chúng ta sẽ trở thành một người tinh tấn dũng mãnh mà chính mình không biết.

Mình nương nhờ, ỷ lại một ai đó là sai rồi. Hòa Thượng từng nói: “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc, không tu không đắc, chẳng ai nhờ được, chẳng ai giúp ai được”. Ngài A Nan là thị giả, ngày ngày hầu cận bên Phật mà còn bị Ma Đăng Già bắt mất. Lúc này Ngài A Nan mới hướng đến Phật chứ bản thân không tự giải thoát được. Phật thuyết thần chú Lăng Nghiêm và bảo một vị đệ tử đến nhắc lại thần chú cho Ngài A Nan, lúc ấy Ngài A Nan mới định được tâm và thoát khỏi Ma Đăng Già. Còn nếu dùng thần thông đưa thân Ngài A Nan về mà tâm Ngài không định lại, vẫn ở bên Ma Đăng Già thì vẫn hỏng chuyện.