42Thứ Năm, 18/01/2024, 20:41
9 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 9

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 18/01/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 9

Bài hôm qua, Hoà Thượng nhắc nhở chúng ta: “Bồ Tát trừ tâm không trừ cảnh, phàm phu trừ cảnh không trừ tâm”. Gốc là tâm chúng ta, chúng ta muốn chuyển cảnh, không muốn chuyển tâm thì đây là chúng ta đang tu từ ngọn chứ không tu từ gốc. Trong cuộc sống, chúng ta gặp rất nhiều cảnh khác nhau, phàm phu chúng ta luôn muốn chọn lựa cảnh tốt. Tâm chúng ta không còn chướng ngại thì không cảnh nào có thể chướng ngại chúng ta. Chúng ta buồn vui, thương ghét, giận hờn đều do tâm, chướng ngại lớn nhất chính là từ tâm của chúng ta. Chúng ta đối trị được tâm thì cảnh sẽ không thể ảnh hưởng đến tâm.

Hòa Thượng nói: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu do tâm người”. Chúng ta thấy một việc khó là do tâm chúng ta ngại khó, nếu tâm chúng ta không thấy việc đó là khó thì việc đó sẽ trở nên dễ dàng hơn. Chúng ta luôn trừ cảnh, đối trị cảnh nên chúng ta mãi là phàm phu. Từ vô lượng kiếp đến nay chúng ta đã là phàm phu, chúng ta muốn làm Bồ Tát thì chúng ta phải chuyển đổi tâm của mình. Chúng ta dũng mãnh, tinh tấn một cách đặc biệt thì hoàn cảnh sẽ thay đổi. Chúng ta tu hành là để chúng ta chuyển được cảnh, nếu chúng ta vẫn để cảnh chuyển thì chúng ta sẽ tiếp tục đọa lạc.

Chúng ta rất may mắn vì chúng ta biết Phật pháp, biết đến pháp môn niệm Phật và chuẩn mực Thánh Hiền nhờ vậy chúng ta biết ngày ngày nỗ lực, tích cực làm những việc lợi ích chúng sanh. Chúng ta tích cực làm lợi ích chúng sanh là chúng ta đang tích công bồi đức. Nhiều người không biết cách làm như thế nào để lợi ích cho chúng sanh.

Có một người sống ở tỉnh Gia Lai, ông đã niệm Phật 20 năm nhưng ông không biết cách để làm việc lợi ích chúng sanh, từ ngày chúng ta xây dựng dây chuyền sản xuất đậu ở Gia Lai, người đó đã tích cực làm đậu để tặng. Trong lúc chúng ta còn trẻ thì chúng ta phải tích cực làm lợi ích chúng sanh, đây là chúng ta tích cực tích công đức. Hòa Thượng từng nói: “Khi hơi ấm còn trong tay, linh hồn còn ở trong thân tứ đại thì chúng ta hãy mau mau làm việc lợi ích chúng sanh”.

Mạng người là vô thường, nếu chúng ta không làm một cách cấp bách thì khi vô thường đến chúng ta sẽ không còn cơ hội để làm. Tôi biết có hai vợ chồng bị bệnh khổ, họ nghèo đến mức không có cơm ăn, một người đã vừa mất. Họ có số phận nghiệt ngã vì họ không biết tạo phước, không biết chia sẻ với mọi người. Chúng ta phải chuyển tâm ích kỷ thành tâm hy sinh phụng hiến. Có người có cơ hội làm việc tốt nhưng họ vẫn lười biếng, nhếch nhác, chỉ làm ở trên hình thức.

Khi tôi đến đâu, tôi cũng làm hết sức mình, tôi thường làm trước mọi việc để mọi người có lợi ích. Ở khu đào tạo, trước khi các con đến học, tôi đã gói bánh tét để các con có bánh ăn và mang về biếu Cha Mẹ. Người xưa dạy chúng ta: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”. Người quân tử ở thế gian cũng đã làm được điều này nhưng nhiều người học Phật lại không làm được! Chúng ta học Phật là chúng ta học đạo giải thoát, đạo an vui nhưng chúng ta thường không thấy mình được giải thoát, được an vui.

Sắp đến ngày mất của Sư Ông nên hôm qua, tôi gửi một chút tiền cho Hòa Thượng trụ trì Tổ Đình Phước Hậu để cúng dường, tôi nhờ Hòa Thượng làm bánh xèo để cúng Sư ông, Hòa Thượng rất ngạc nhiên vì tôi vẫn nhớ Sư ông thích ăn bánh xèo. Hoà Thượng Thiện Hoa là chú ruột của Hòa Thượng trụ trì chùa Phước Hậu hiện nay, ngày trước, mỗi lần Sư Ông về chùa, mọi người đều làm bánh xèo mời Sư Ông. Chúng ta không biết nghĩ đến người khác thì chúng ta chưa biết tri ân, báo ân, chưa biết “uống nước nhớ nguồn”. Tôi cũng nhắc mọi người ở Sóc Trăng, hôm đó cố gắng mang ba thùng rau sạch đến để cúng Sư Ông và mời mọi người ăn bánh xèo. Tôi có trăm công ngàn việc nhưng tôi vẫn không quên những việc cần làm.

Sắp tới, ở Tổ đình Phước Hậu sẽ mở lớp trải nghiệm sống cho các con, đối diện chùa là một trường tiểu học nên lớp trải nghiệm sống có thể có khoảng 200 đến 300 học sinh. Trước Tết, tôi sẽ về đó một lần nữa, từ Đà Lạt đến Sóc Trăng hơn 600km, chúng ta phải xây dựng nền tảng vững chắc để lớp học có thể vận thành một cách thuận lợi.

Bài học hôm qua Hoà Thượng nhắc, chúng ta là người học Phật, chúng ta trừ tâm không trừ cảnh. Khi chúng ta trừ được tâm thì tất cả cảnh đều sẽ là thuận cảnh. Người xưa đã nói: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu ở tâm ta”. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải phát khởi được tâm vì chúng sanh, chúng ta phát khởi được tâm vì chúng sanh thì chúng ta sẽ vượt qua mọi phiền não, chướng ngại.