33Thứ Bảy, 06/04/2024, 09:53

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 06/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 88

Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói: “: “Bậc thiện tri thức luôn hy vọng người sau tốt hơn mình. Cha Mẹ thời xưa hy vọng con cái tốt, Lão sư luôn hy vọng học trò của mình tốt hơn để đời sau làm được những việc lợi ích chúng sanh lớn hơn, mong thế hệ sau không có những khuyết điểm như mình. Cách giáo dục này có sự truyền thừa nhiều ngàn năm nhưng ngày nay đã dần bị mai một”. Đây là tâm đại từ đại bi của những vị Thầy, tình thương này còn hơn tình thương của Cha Mẹ, Cha Mẹ nuôi dưỡng chúng ta, Lão sư giúp chúng ta vượt thoát sinh tử.

Hòa Thượng nói: “Nếu là người chân thật tu hành không thấy lỗi thế gian. Chúng ta thấy lỗi lầm của người khác thì chính chúng ta sẽ phiền não. Mỗi người đều có mặt thô xấu và quang minh. A-La-Hán còn có tập khí huống hồ là phàm phu!”. Trong nhà Phật, quả vị thứ nhất là sơ quả tu đà hoàn, người chứng sơ quả Tu-đà-hoàn đã là người vô ngã không còn cái ta. A-La-Hán là quả vị thứ tư, người chứng được quả A-La-Hán là đã chứng được Lậu tận thông, không còn sinh tử vậy mà họ vẫn còn tập khí. Tập khí là thói quen đã theo chúng ta từ nhiều đời, nhiều kiếp. Thí dụ, khi chúng ta bị ngứa chúng ta tự động đưa tay ra gãi. Người xưa kể câu chuyện, miệng của một vị A-La-Hán tự nhiên cử động như đang nhai cỏ. Khi mọi người hỏi Phật về trường hợp này, Ngài nói, vị A-La-Hán này trong đời quá khứ đã từng đọa làm súc sanh, tập khí khi đó hiện giờ vẫn còn. Có vị A-La-Hán khi nghe thấy thiên nhạc thì trong vô thức, vị đó đứng dậy nhảy múa.

Hòa Thượng nói: “Cho dù họ có chín phần thô xấu thì chúng ta cũng phải xả bỏ, chỉ xem thấy một mặt sáng lạn như vậy thì chúng ta mới có thể sinh khởi được tín tâm. Cho nên Bồ Tát Phổ Hiền dạy chúng ta: “Lễ kính chư Phật”. Người không có tâm cung kính thì không thể thành tựu đạo nghiệp”. Có người nói, họ không thích Hòa Thượng Tịnh Không vì Ngài luôn mặc đồ rất đẹp. Đây là sự chấp trước, không có trí tuệ của phàm phu. Hòa Thượng đến quốc gia nào thì người ở quốc gia đó tặng pháp y của nơi đó cho Ngài. Họ không nhìn thấy những điểm tốt của Ngài là từ khi Hòa Thượng 36 tuổi, Ngài đã tam bất quản: “Không quản tiền, không quản việc, không quản người”. Hoà Thượng đến thế gian và ra đi như một lữ khách. Người mà nói rằng họ không thích Hòa Thượng đã mất, họ đã để một cuộc đời qua đi một cách uổng phí.

Người xưa nói: “Con người không phải là Thánh Hiền không thể không có lỗi. Có lỗi mà biết sửa lỗi thì còn gì tốt hơn”. Khi tôi mới tiếp nhận pháp Hòa Thượng, tôi cũng khởi lên ý niệm rằng, phải quán sát xem lời nói, hành động của Hòa Thượng có bất nhất không. Đây là tập khí từ nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta. Tôi phải thương lượng với tập khí này của mình, tôi chỉ cho phép chúng tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định, Khi Hòa Thượng già thì niềm tin củ tôi với Ngài càng nâng cao. Khi Hòa Thượng vãng sinh, mọi người khóc nhưng tôi hoan hỷ vì cuộc đời Hòa Thượng đã làm ra một biểu pháp cho mọi người, niềm tin của tôi là hoàn toàn chính xác.

Việc nhìn lỗi của người là tập khí xấu ác nhất của chúng sanh chúng ta. Chúng ta luôn muốn tìm điểm xấu của người để chỉ trích. Cho dù chúng ta không nói ra nhưng chúng ta vẫn muốn tìm điểm xấu của người để biện minh cho việc chúng ta làm chưa tốt. Trước đây tôi thường nói với chính mình, khi tôi qua đời thì tư thế của tôi cũng phải đẹp một chút, nếu tôi qua đời trong tư thế như một con ếch thì nhiều người mất niềm tin vào pháp môn Tịnh Độ. Tổ Ấn Quang lấy cái chết để nhắc nhở mình, Ngài dán chữ “Tử” ở trên bàn thờ.

Chúng ta thường nhìn lỗi của Lão sư, Thánh Hiền thậm chí chúng ta nhìn lỗi của Phật. Có người nói, Phật không cho người nào đó xuất gia thì đó là Phật không từ bi. Tập khí xấu nhất của chúng sanh là nhìn lỗi người, sai lầm lớn nhất của chúng ta là nhìn lỗi của các bậc Thầy. Tôi rất hạnh phúc vì tôi được theo học với Hòa Thượng, tôi tận tâm tận lực làm theo Ngài, cho đến khi vãng sanh, cuộc đời của Ngài không có tỳ vết. Chúng ta còn nhìn thấy Thầy của mình có lỗi thì chúng ta sẽ không toàn tâm, toàn lực học tập, cống hiến. Người không có tâm cung kính thì đạo nghiệp không thể có thành tựu.