33Thứ Hai, 01/04/2024, 20:06
81 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 81

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 30/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 81

Chúng ta tu hành học Phật thì việc “tuỳ duyên” là điều hết sức quan trọng. Hòa Thượng nói: “Trong xã hội hiện đại, chúng ta không thể đem một hình thái khô cứng đến thế gian”. Chúng ta phải uyển chuyển để có thể vừa giữ tâm thanh tịnh vừa làm việc lợi ích. Chúng ta khô cứng trong một hình thái thì chúng ta gặp chướng ngại trong tu hành và chúng ta cũng không thể làm được việc lợi ích chúng sanh.

Hòa Thượng từng nói, đạo tràng của Ngài không có tượng Phật, ở chánh điện có máy chiếu, khi Ngài giảng “Kinh Hoa Nghiêm” thì mọi người chiếu hình Đức Tỳ Lưu Giá Na Phật, Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài giảng “Kinh Vô Lượng Thọ” thì mọi người chiếu hình ảnh Phật A Di Đà, các tôn giáo bạn đến giảng thì mọi người chiếu hình ảnh Chúa Giêsu. Từ nhiều năm trước Hòa Thượng đã thay đổi hình thái để hòa nhập, Ngài tuỳ duyên nhưng không dính theo duyên, không phan duyên, cưỡng cầu.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta đi đến đâu, chúng ta cũng mang theo một bộ quy định là mọi việc phải như thế nào đó vậy thì chúng ta sẽ gặp chướng ngại”. Chúng ta phải biết hiện đại hoá, bổn thổ hoá. Chúng ta điều quan trọng nhất là chúng ta giữ được tâm thanh tịnh nhưng vẫn làm được nhiều việc lợi ích chúng sanh. Chúng ta dính mắc vào tên gọi, hình thái thì chúng ta sẽ gặp chướng ngại trùng trùng.

Trước đây, khi chúng ta thuê lại trường mầm non Trần Đại Nghĩa, ban đầu chúng ta có ý định đổi tên, đổi logo nhưng sau đó chúng ta nhận thấy không cần thiết, điều quan trọng là chúng ta có thể áp dụng chuẩn mực người xưa để dạy các con trên cơ sở chương trình của Bộ giáo dục. Khi Chúng ta mua lại trường mầm non Kidsmile, chúng ta vẫn giữ nguyên tên gọi, các phụ huynh dần cảm nhận được lợi ích của việc áp dụng văn hoá cúi chào, văn hoá tri ân, báo ân. Nếu chúng ta khô cứng trong hình thái, tên gọi thì chúng ta sẽ gặp chướng ngại. Nhiều người dính mắc vào danh tướng, tướng của danh trong khi, ngay đến thân tướng của chúng ta cũng không phải là thật!

Nếu chúng ta thường nhận được tạo điều kiện thuận lợi, sủng ái thì khi chúng ta không nhận được nữa, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu. Người xưa nói: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Tất cả những thứ có hình tướng đều là hư vọng. Tên gọi cũng là hình tướng. Phần lớn chúng ta chấp trước vào cái phụ mà không chấp trước cái chính. Tâm cảnh của Bồ Tát là “tùy duyên mà không theo duyên”. Tâm cảnh của Phật là “bất biến tùy duyên”, “bất biến” là như như bất động, ứng hoá được trong mọi hoàn cảnh để tiếp độ chúng sanh. Phàm phu chúng ta luôn bị hoàn cảnh lôi kéo. Chúng ta bị duyên lôi kéo thì đây chính là chúng ta phan duyên. Trước đây, tôi là cư sĩ tại gia nhưng tôi luôn mặc những bộ đồ nâu xộc xệch, hiện nay, chúng ta đến hoàn cảnh nào thì chúng ta mặc phù hợp theo hoàn cảnh đó.

Hòa Thượng nói: “Người chân thật tu hành muốn nắm chắc được phần vãng sanh thì chính mình phải tự tu, phải có công phu. Trong “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục”, “Vãng sanh truyện” và gần đây chúng ta được nghe, thấy rất nhiều người tự tại vãng sanh, họ đều là những người một mình chuyên tu”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu tập một mình thì tâm cảnh giác của chúng ta rất cao, chỉ cần có hai người thì liền có người có ý kiến, do vậy chúng ta sẽ thường nói rất nhiều, tâm chúng ta sẽ bị xen tạp. Chúng ta cùng nhau học tập nhưng khi chúng ta công phu, rèn luyện thì chúng ta nên ở một mình”. Chúng ta tu một mình thì chúng ta sẽ có nhiều thời gian để dụng công, có nhiều người ở với nhau thì chúng ta thường sẽ nói những lời thừa. Chúng ta cũng cần thời gian một mình để thâm giải một cách sâu sắc đối với chuyên môn của chúng ta.

Hòa Thượng nói: “Người chân chánh tu hành thì tâm địa của họ thanh tịnh, không có vọng tưởng, họ thường cảm thấy không đủ thời gian nên họ luôn nỗ lực, tinh tấn”. Người chân thật tu hành thì họ dùng thời gian để kiểm soát tập khí, vọng tưởng của chính mình nên họ không còn thời gian nói chuyện thừa, nói lỗi người khác. Chúng ta đều phạm phải việc nói lỗi người, nếu tôi nói chuyện với một vài người thì tôi có thể sẽ mắc lỗi này. Nếu tôi có tài khoản Facebook thì việc này có rất ít tác dụng nhưng sẽ mang lại rất nhiều việc thừa. Nhiều người mất nhiều thời gian để quay phim, chụp ảnh cho Facebook “ăn”. Năm vừa qua có 13 tháng nhưng tôi không nhận ra, tôi cảm thấy thời gian không đủ để làm việc lợi ích chúng sanh. Những người biết dụng tâm trong đời sống, trong làm việc thì họ sẽ cảm thấy không có đủ thời gian. Người biết dụng tâm thì họ sẽ tinh tường trong việc xử lý công việc. Người không hiết sử dụng thời gian thì cả ngày sẽ không làm xong việc gì.