34Thứ Sáu, 29/03/2024, 05:18
79 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 79

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 28/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 79

Hòa Thượng nói: “Người tu học cũng giống như người rèn luyện thư pháp, một chữ có thể viết đi viết lại hàng trăm lần. Trước tiên, chúng ta phải học cách cầm bút, tiếp theo là học cách tạo nét, rèn luyện sức định của bàn tay, lâu ngày thì chúng ta mới có thể viết được chữ đẹp. Đối với việc tu hành cũng vậy, chúng ta muốn có thành tựu thì chúng ta phải “một môn thâm nhập trường kỳ huân tu”. Trong “Kinh Kim Cang” nói: “Nhất thiết pháp đắc thành ư nhẫn”. Tất cả pháp muốn thành tựu đều ở chữ nhẫn. Trong việc tu hành hay trong việc giữ gìn sức khỏe, chúng ta muốn có kết quả tốt thì chúng ta đều phải rèn luyện.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta một môn thâm nhập, chuyên tu, chuyên học với một tông phái thì chúng ta mới có thể có thành tựu. Sau khi chúng ta có thành tựu thì tự nhiên chúng ta có thể quán thông tất cả”. Chúng ta học thông một môn thì chúng ta có thể dễ dàng thông tất cả các môn khác. Nhà Phật nói: “Nhất thông thì nhất thiết thông”. Một thông thì tất cả đều có thể thông. Người thế gian cũng nói: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”.

Hòa Thượng nói: “Ở trong lĩnh vực nào chúng ta cũng phải là chuyên gia”. Nếu chúng ta không thể trở thành chuyên gia thì chúng ta không thể dẫn dắt người khác. Ngày nay, nhiều người học Phật chỉ để cầu xin được che chở, ban phước mà không chính mình đoạn trừ tập khí, phiền não.

Hòa Thượng nói: “Trong Tịnh Độ, Tổ Sư Đại Đức dạy chúng ta chỉ chuyên nhất một bộ Kinh. Có người nói: “Chỉ y theo một bộ “Kinh Vô Lượng Thọ”, chấp trước một cách kiên cố như vậy thì có thể thành tựu không?”. Thời kỳ Mạt Pháp chỉ có chấp trước một bộ Kinh, nhất tâm chuyên tu thì có thể thành tựu. Cũng giống như giảng đường này có rất nhiều cửa có thể đi ra đi vào, chúng ta chỉ cần chọn một cửa thì chúng ta có thể đi vào, khi chúng ta đã bước vào trong giảng đường thì các cửa đều như nhau”.

Hòa Thượng nói: “Y giáo tu hành là công đức, là công phu. Người xưa nói: “Biết mà không thể làm là người Thầy của cả nước. Biết mà có thể làm được là bảo vật của quốc gia”. Cho nên đối với người thông đạt Kinh giáo mà không thể chân thật “y giáo phụng hành”, chúng ta cũng nên tán thán. Bởi vì họ có thể chỉ dẫn người khác đi trên con đường chánh lộ. Mặc dù họ không làm đến được nhưng học trò của họ nỗ lực, cần mẫn phấn đấu, y giáo phụng hành cũng có thể làm đến được”. Người xưa nói: “Con hơn Cha là nhà có phước”. Học trò hơn Thầy thì người học trò cũng làm cho Thầy rạng rỡ, nở mặt. Người xưa nói: “Thanh xuất ư lam”. Mầu xanh của bầu trời còn có màu xanh hơn.

Trong suốt cuộc đời hành đạo, Hòa Thượng luôn nhắc đến những người Thầy của mình là Giáo sư Phương Đông Mỹ, Chương Gia Đại Sư, Lão sư Lý Bỉnh Nam, Hòa Thượng chính là biểu pháp của việc “y giáo phụng hành”. Cha Mẹ đều mong muốn con trở thành người tốt, tuy nhiên trong xã hội ngày nay, có những người Cha Mẹ, người Thầy Cô bắt con mình làm việc sai do vậy chúng ta “y giáo phụng hành” phải dựa trên trí tuệ, thực hành hiếu kính trên cơ sở chuẩn mực Thánh Hiền, giáo huấn của Phật Bồ Tát. Nếu không thực hành hiếu, kính trên cơ sở chuẩn mực Thánh Hiền, giáo huấn của Phật Bồ Tát thì chúng ta có thể sẽ là người “ngu hiếu”, “ngu kính”. Tôi biết một số người học trò phải luôn cung phụng, chăm sóc cho Thầy.

Có một nhóm người quy y với một vị Thầy, khi nhóm người này đọa lạc, họ tìm vị Thầy đó, mong vị Thầy đó tu hành để họ được nương nhờ. Đây là họ chấp trước, họ cho rằng người đó là Thầy của họ. Điều này giống như chúng ta đến nhà người, chúng ta ngủ trên giường chủ nhà thì buổi tối, có thể có chúng sanh quanh đó đuổi chúng ta xuống. Ngày xưa, khi em tôi đến chơi, em tôi không thể nằm ngủ trên giường của tôi được. Ngày trước, khi tôi nằm trên giường của hai Thầy trụ trì trẻ, là học trò của tôi thì cả đêm tôi không ngủ được, khi tôi xuống đất nằm thì tôi ngủ được ngay. Đây là vì những người quanh đó chấp trước, đó là chiếc giường đó của hai vị Thầy trụ trì.

Hòa Thượng nói: “Trong cuộc đời này, chúng ta cần phải có những tấm gương”. Trong cách sống, cách làm việc chúng ta noi gương 350 tấm gương đức hạnh, trong tu hành, chúng ta có những tấm gương như Hòa Thượng Tịnh Không, Hòa Thượng Hải Hiền. Đây là cách chúng ta bảo hộ chính mình. Ngày nay, rất nhiều nơi tổ chức khóa tu mùa hè, có nơi yêu cầu tu sinh mua đồ phong thủy, sau đó họ lừa gạt tiền của tu sinh. Khi con người không còn biết đến nhân quả thì họ sẽ rất đáng sợ, chúng ta phải cẩn trọng. Chúng ta phải “y giáo phụng hành” trên cơ sở phù hợp với phong tục, tập quán, luật pháp quốc gia.