34Thứ Hai, 25/03/2024, 19:02
76 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 76

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 25/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 76

Hòa Thượng dạy nếu chúng ta không đọc Kinh, không niệm Phật, không y theo giáo huấn của Kinh điển để tu sửa tâm mình thì không thể tiêu trừ được nghiệp chướng. Ngài nói rằng khi đó, nếu chúng ta có làm gì đi chăng nữa thì chỉ là nhận được chút phước báu hữu lậu mà thôi. Tất cả những nghiệp chướng, tập khí đều hiện rõ ở khuôn mặt chúng ta.

Người mê mờ thì không nhìn ra điều này nhưng người có trí tuệ thì sẽ thấy rất rõ ràng. Một số tà ma ngoại đạo cùng đồ chúng rất tích cực làm thiện ví dụ như mở nhiều quán chay nhưng chỉ để tô đắp danh vọng, vị thế chứ không xuất phát từ tâm Đại Từ Bi và càng không phải khuyến khích chúng sanh phát tâm Đại Từ Bi. Chỗ này rất vi tế.

Trong khi đó, người thế gian lại rất thích bỏ tiền ra làm thiện mà không cần phải bỏ tập khí phiền não, không cần rèn luyện thức khuya dậy sớm hay ăn chay niệm Phật. Họ thích làm việc thiện để có phước, tuy nhiên, Phật pháp chân chánh thì không như vậy mà luôn chú trọng loại bỏ những tập khí xấu ác của mỗi cá nhân như “ảo danh ảo vọng, tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, “tham sân si mạn”. Người chân thật tu hành làm tất cả mọi việc tốt đẹp trên cõi đời này cũng để tiêu trừ tập khí của mình như bố thí để diệt trừ tâm tham.

Người thế gian không phân biệt được điểm này nên cũng bố thí nhưng tăng trưởng “danh vọng lợi dưỡng” và lòng tham. Ma đạo không khuyến khích họ bỏ đi tập khí phiền não nên nhiều người thế gian rất thích. Thậm chí chúng Ma cấp thấp còn triển khai một số thần thông nhỏ như khuyến khích ăn chay, rồi ai đó ăn mặn là liền có người tới nhắc nhở ngay nên khiến người ta tin phục sát đất. Họ không nhận ra rằng ăn chay chỉ là trợ lực tu hành. Miệng ăn chay thì tâm cũng phải chay.

Cho nên, Hòa Thượng dạy tu hành là phải nghe Kinh nghe pháp, niệm Phật và nếu không đem giáo huấn trên Kinh áp dụng mà tu sửa tâm hạnh của mình thì vẫn không thể nào tiêu trừ được nghiệp chướng. Nếu làm việc thiện mà không loại trừ tập khí phiền não thì chỉ là tạo một chút phước hữu lậu, rồi vẫn đi vào tam ác đạo. Súc sanh, ngã quỷ đều có hưởng phước.

Hòa Thượng nói: “Phải phát khởi được tâm Bồ Đề. Tâm Bồ Đề chính là tâm triệt để giác ngộ, có thể buông bỏ được thân tâm thế giới, tin sâu vào Tịnh Độ, nhất tâm nhất ý niệm một câu A Di Đà Phật cầu sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc không hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn. Lập định thệ nguyện đời này nhất định phải vãng sanh Tịnh Độ, thấy được Phật A Di Đà. Người có được chí nguyện kiên định như vậy chính là phát tâm vô thượng Bồ Đề”. Tâm Bồ Đề là tâm phục vụ chúng sanh, tâm vượt thoát sinh tử, không có sự tham luyến ở thế gian. Làm các việc lợi ích chúng sanh mà thấy mình làm đang làm hoặc làm quá nhiều thì đã dính mắc rồi. Đó không phải tâm Bồ Đề.

Nhiều người hiểu sai về Tâm Bồ Đề. Họ cho rằng tâm Bồ Đề là tin Tịnh Độ, một lòng một dạ niệm Phật cầu sanh, buông bỏ mọi thứ và không làm gì cả. Cho nên nhiều nơi đã tạo ra sự chướng ngại trùng trùng, thậm chí trong gia đình nổi lên phong khí oán hận giữa Cha Mẹ, Vợ Chồng, con cái.

Một câu chuyện đau lòng xảy ra cách đây mấy mươi năm, thời điểm đó Tịnh Độ đang phát triển mạnh mẽ, người người phát tâm niệm Phật. Có một người phụ nữ hơn 50 tuổi sống trong một gia đình êm ấm, sau khi bà giác ngộ Phật pháp thì tối ngày tu tập nhưng lại khiến người chồng buồn phiền, cảm thấy như người thừa trong nhà nên ông nổi giận đốt Kinh sách, đập chuông mõ. Cẳng thẳng cao trào đến mức họ li dị. Thời gian sau, ông lấy một cô gái trẻ là người gom đồng nát làm vợ. Hai người con trai có địa vị trong xã hội thấy vậy cũng không về với Cha. Nghe tin này, bà vợ đang trên đường đi tham dự khóa tu trong miền Nam liền tức giận, nhồi máu lên mà chết.

Chúng ta là cư sĩ tại gia thì phải biết hài hòa. Tổ Ấn Quang dạy: “Đốn luân tận phận. Nhàn tà tồn thành. Nhất tâm niệm Phật. Cầu sanh Tịnh Độ”. “Đốn luân tận phận” là dốc hết trách nhiệm trong vai trò trách nhiệm của mình. Là một người công chức, công nhân hay nhân viên; là một người chồng, người vợ, người con; là người công dân một quốc gia thì phải làm tròn vai trò bổn phận của mình.