45Thứ Ba, 12/03/2024, 09:42
62 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 62

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 11/03/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 62

Người học Phật luôn nỗ lực giữ tâm thanh tịnh, không khởi tâm động niệm, phân biệt, chấp trước dù trong thuận hay nghịch cảnh. Giữ được tâm thanh tịnh thì tịnh niệm nối nhau, công phu tu hành lúc đó sẽ có lực, trí tuệ khai mở nên hiểu được nghĩa chân thật lời Phật dạy. Phương pháp đối trị tốt nhất đối với khởi tâm động niệm của mình là tâm có một chủ thể hoặc ở nơi tịnh niệm tu hành thì giữ chặt một câu “A Di Đà Phật”.

Hòa Thượng nói: “Những cảnh thuận hay cảnh nghịch chúng ta đều không khởi tâm, không động niệm, cũng không có phân biệt, không có chấp trước thì đây là tâm thanh tịnh và cũng là có sức định .

Để chúng ta có thể không khởi tâm không động niệm thì ở bài hôm trước Hòa Thượng dạy chúng ta phát tâm phải “chân, thuần, chánh, tinh” tức là tinh chuyên, chỉ thuần là giáo dục Phật Đà, giáo dục Thánh Hiền, không vì bất cứ thứ gì, không vì “danh vọng lợi dưỡng”, không hư danh ảo vọng, không vì “ta” và cái “của ta” mà làm.

Ngược lại, không “chân, thuần, chánh, tinh” thì chúng ta sẽ khởi tâm động niệm. Trong thuận cảnh sẽ khởi ưa thích, trong nghịch cảnh sẽ khởi ghét bỏ, vẫn là cảm tình dụng sự. Một khi đã khởi tâm động niệm thì sẽ phân biệt chấp trước nên phiền não sẽ ùa về phá nát tâm thanh tịnh của chính mình. Nếu dùng tâm này mà niệm Phật thì trong Kinh từng nói có 100 điều người niệm Phật bị đọa địa ngục.

Nhiều người tu học Phật pháp đã không được nghe lời dạy này. Nếu họ được giáo dục đến nơi đến chốn, chắc chắn họ cũng phát tâm “chân, thuần, chánh, tinh” một cách mạnh mẽ. Vì không được dạy, nên thấy người tham thì họ cũng tham vì sợ bị lỗ. Có người nói với chúng tôi rằng: “Con tặng quà cho mấy người của Thầy khó gần chết!” Tặng quà còn không được chứ đừng nói đến tặng tiền. Chúng tôi nghe nói như vậy nên thấy rất cảm xúc.

Chúng tôi cũng từng nghe Hòa Thượng dạy rằng nhận ân huệ là bán tự do hay đã ngậm kẹo thì làm sao mở miệng, “há miệng mắc quai”. Một chút “danh vọng lợi dưỡng” có thể làm cho mình nhụt chí, nhất là chí thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, chí để thành Phật. Thấp hơn là chí làm Thánh nhân quân tử cũng mất luôn. Người quân tử là thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân vào. Kẻ tiểu nhân: Thấy lợi thì chui vào, thấy khó thì trốn mất. Vậy mình hãy quán sát xem mình là quân tử hay tiểu nhân. Thế Giới Tây Phương Cực Lạc không có người tiểu nhân. Thế gian này, con người còn không chấp nhận kẻ tiểu nhân huống hồ ở Thế Giới Tây Phương Cực Lạc.

Cho nên Hòa Thượng nói: “Tu hành học Phật có thể thường giữ được cảnh giới của tâm thanh tịnh thì đây mới là chân tâm. Chân tâm thì không hề dao động.” Chúng ta thường nghe nói chân tâm bổn tánh của chúng ta là thuần tịnh thuần thiện. Giữ được tâm thanh tịnh thì đó là “chân tâm”. Người có thể dùng “chân tâm” để niệm Phật, để đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác thì thế gian này người người, thiên nhân kính trọng và quỷ thần khiếp sợ tránh xa họ.

Hòa Thượng nói: “Các bạn tu hành mà Ma còn dỡn mặt thì bạn tu cái gì”. Một người trì giới thanh tịnh có 20 vị thần hộ giới bên cạnh nên yêu ma quỷ quái nào dám đến. Ngày ngày yêu ma quỷ quái đến nhiễu loạn, thậm chí đi xem bói mà thầy bói nói trúng phóc thì theo Hòa Thượng đáng lẽ phải khóc một trận vì mình tu hành kiểu gì mà không thay đổi chút nào. Nhà Phật nói rất rõ ràng: “Cảnh tùy tâm chuyển - Y báo tùy theo chánh báo chuyển”. Y báo là hoàn cảnh xung quanh mình và chánh báo là tâm mình. Tâm mình đã chuyển thì hoàn cảnh hoàn toàn chuyển.

Việc này không chỉ riêng ai, bản thân chúng tôi chưa toàn tâm toàn lực chuyển đổi như lời Phật dạy nên trong cuộc sống vẫn chướng ngại trùng trùng. Tuy nhiên, nhờ sự chướng ngại này mà chúng tôi đề cao cảnh giác, quán chiếu lại từng khởi tâm động niệm, hành động tạo tác, đối nhân xử thế tiếp vật hằng ngày của mình xem có bị chi phối bởi “danh vọng lợi dưỡng” “tự tư tự lợi”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, hay có vì “tham sân si” không?

Hòa Thượng nói: “Khi giữ được tâm thanh tịnh, không khởi tâm không động niệm, không phân biệt, không chấp trước thì chân thật làm đến được tịnh niệm nối nhau. Khi đó, công phu tu hành tự nhiên sẽ có lực, việc tụng Kinh nghiên giáo đều sẽ khai trí tuệ. Chúng ta sẽ hiểu được nghĩa chân thật mà Như Lai đã nói”.