44Thứ Hai, 19/02/2024, 21:08
41 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 41

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 19/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 41

Phật pháp muốn cửu trụ thì người hoằng pháp phải khai mở duyên phận với chúng sanh, lấy chúng sanh địa phương làm đối tượng chính để giáo hóa, luôn mở rộng tâm lượng mong cho không chỉ tông môn mình theo học mà cả thảy Phật pháp và các “danh môn chánh phái” đều hưng thịnh. Như vậy mới có thể bao chùm sự cứu độ đến chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp ở bất cứ nơi nào, khu vực quốc gia nào thì luôn lấy việc giúp ích chúng sanh ngay tại thời điểm và nơi chốn đó làm đối tượng chính để giáo hóa. Nếu chúng ta làm được đến điểm này thì công tác hoằng pháp của chúng ta mới thành công còn nếu không làm được điểm này thì chúng ta triệt để thất bại.

Hệ thống Khai Minh Đức có các khu đào tạo tại Hòa Phú, Đà Nẵng và Sơn Tây, Hà Nội. Nơi đây, chúng ta trao yêu thương, tận tâm tận lực giúp đỡ bà con địa phương. Con cháu của họ được chúng ta dạy hoàn toàn miễn phí. Chúng ta thường xuyên thăm hỏi vào các dịp lễ tết và biếu tặng tới họ rau, đậu phụ sạch nên được hoan nghênh thậm chí có người coi chúng ta hơn người thân.

Chúng ta không mặc đồ nâu, tay cầm xâu chuỗi để đến với họ cũng chưa từng nói với họ một câu “A Di Đà Phật” thế mà khi gặp chúng ta, họ đều chào bằng câu “A Di Đà Phật”. Chúng ta không đánh mất bản chất của mình khi không nói chúng ta là người ăn chay, là người học Phật. Ngược lại, trong âm thầm, khi người dân tiếp cận chúng ta, họ hiểu rất sâu sắc và có gia đình khi tổ chức sự kiện cũng học tập chúng ta đãi tiệc chay.

Đó chính là làm đúng theo lời Hòa Thượng dạy lấy chúng sanh ở địa phương làm đối tượng chính để giúp ích. Không có chuyện đạo tràng ở đây mà mình đi độ chúng sanh ở phương trời khác, bỏ qua chúng sanh ngay kế cận đạo tràng lại còn cho rằng xung quanh toàn là yêu ma quỷ quái đến phá mình.

Chúng tôi ở khu nhà trên Đà Lạt vẫn thường phóng sanh nên được các cụ già xung quanh rất quý, có lần các cụ bày tỏ sự vui mừng và nói lời cảm ơn chúng tôi vì thấy từng đàn chim sẻ sà xuống, điều mà ở nơi đây không có. Cho nên chỉ cần thật làm thì trong vô hình chúng ta đã độ được chúng sanh. Chúng ta phóng sanh mà đâu cần phải nói những người sát sanh đi ra chỗ khác đâu. Chúng sanh ở ngay địa phương là chúng sanh đương cơ, vậy mà chúng ta không giúp ích được chúng sanh đương cơ là chúng ta thất bại rồi.

Hòa Thượng nói: “Phật pháp đến nơi đâu thì phải được cắm gốc. Nếu muốn rộng kết pháp duyên với chúng sanh thì phải cắm được gốc. Việc này là vô cùng quan trọng. Duyên phận phải do chính mình đi khai sáng”.

Không chỉ có Phật pháp mà còn có chuẩn mực Thánh Hiền đến nơi đâu cũng phải được cắm gốc. Trước khi chúng ta mở các trường mầm non, chúng ta đã tổ chức các lễ tri ân Cha Mẹ trên toàn quốc để người ta cảm nhận được rằng muốn có những đứa con ngoan hiền thì phải giáo dục từ nhỏ. Các Cha Mẹ được cảm nhận hạnh phúc khi các con mình nói lời tri ân và người con cảm thấy vô cùng tuyệt vời vì được lễ lạy Cha Mẹ mình. Đây chính là cắm gốc. Không cắm gốc thì việc làm của chúng ta không vững vàng giống như cây trong bình, hoa trong lọ chỉ được vài ngày, không bền vững.

Tuy nhiên, nhiều người nói hãy tùy duyên và ngồi chờ duyên đến. Phải biết rằng khi duyên đến thì “Lực bất tòng tâm” tâm có thừa mà sức không đủ. Hòa Thượng đã chỉ dạy chúng ta: “Duyên phận phải dựa vào chính mình để khai sáng”. Câu nói này khiến chúng tôi cảm xúc rất sâu sắc.

Để kết duyên phận, có lẽ chúng tôi đã đến hầu hết các tỉnh thành miền Bắc, nhiều nơi đã tới hơn cả 100 lần. Không phải ngẫu nhiên chúng ta mở được vườn rau ở Sóc Trăng, tổ chức các lớp học tại đây và thời gian tới 16/giêng tại Tổ Đình Phước Hậu-Vĩnh Long. Tất cả đều từ nỗ lực khai mở duyên phận từ trước đó rất lâu. Đó là nỗ lực gác qua một bên sự sợ hãi khó khổ chỉ với mong nguyện chúng sanh có cơ hội tiếp nhận chuẩn mực Thánh Hiền, Bồ Tát, Phật. Từ khu nhà ở của chúng tôi đến Tổ Đình Phước Hậu gần 500km, phải đi hết một ngày. Theo thế gian thì chuyến đi xa xôi vất vả nhưng bản thân chúng tôi còn lái được xe thì không thấy có gì đáng phải e ngại.

Khi chúng sanh có lợi ích là chúng ta đã kết duyên với họ. Ngược lại, nếu chúng ta an hưởng sự thanh bình của mình mà không nghĩ đến chúng sanh khổ, vậy chúng sanh có oán trách chúng ta không? Chúng ta vẫn thấy người thế gian khi khổ quá còn kêu đến cả ông trời. Chúng ta đừng tưởng rằng trong tay mình có giáo lý của Phật và chuẩn mực của Thánh Hiền mà mình không tinh tấn dũng mãnh một cách đặc biệt để thúc đẩy những điều tốt đẹp đến với chúng sanh, không kết pháp duyên với chúng sanh, thì mình không kết ác duyên với họ.