45Chủ Nhật, 04/02/2024, 21:59
26 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 26

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 04/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 26

Phật pháp phải quay trở về với giáo dục thì mới phát huy rực rỡ, có thể làm lợi ích chúng sanh. Nếu Phật pháp là tôn giáo thì sẽ có giới tuyến với các tôn giáo khác. Còn giáo dục thì không có biên giới. Hòa Thượng nói: “Phật pháp nhất định phải quay về với giáo dục mới có thể sáng tạo tiền đồ xán lạn.

Nếu coi “Phật giáo” là tôn giáo thì đây là cách hiểu sai lầm. Phạm vi của tôn giáo là thiên đạo, tiên đạo, quỷ thần đạo. Giữa các tôn giáo đều có giới tuyến rõ ràng, không thể mở rộng hơn. Tôn giáo này không thể dung nạp với tôn giáo kia. Vì không hiểu rõ nên từ lâu nhiều người học Phật lại ngộ nhận về Phật pháp.

Trong chữ “Phật giáo”, Hòa Thượng chỉ dạy rằng “Phật” là Phật Đà, chỉ cho con người hoàn thiện về tư cách hành vi sự nghiệp làm mô phạm cho trời và người. “Giáo” là giáo dục, dạy bảo người ta có thể trở thành một vị Phật, trở thành tấm gương cho mọi người. “Phật giáo” là giáo dục con người hoàn thiện đến điểm cao nhất.

Chúng tôi vỡ òa khi hiểu rõ hai từ này nên không còn ỷ lại nương nhờ trong khi trước đó chúng tôi xem “Phật giáo” cũng như một tôn giáo, hướng nhiều đến cầu cúng van xin, ỷ nại nương nhờ, là cách làm của quỷ thần đạo, tiên đạo hoặc thiên đạo, không phải cách làm của nhà Phật.

Hòa Thượng nói: “Tôn giáo luôn có một giới tuyến, sinh ra đối lập. Chỉ có giáo dục Phật Đà là bao gồm hết 10 phương pháp giới, có tính bao dung rộng lớn, có thể mang đến cho chúng sanh lợi ích chân thật.

Lời dạy của Hòa Thượng cho chúng ta một nhận thức đúng đắn về giáo dục chính là chân thật mang đến lợi ích cho chúng sanh. Nếu bên ngoài miệng nói là làm giáo dục nhưng bên trong là tâm mưu lợi thì chính là tự gạt mình, gạt người. Giữa sự chân thật và lừa gạt có một ranh giới không xa, chỉ là một niệm. Một niệm tư lợi khởi lên thì mọi thứ đều vì mình mà lo nghĩ.

Đừng chủ quan cho rằng mọi việc làm của mình đều đang lợi ích chúng sanh. Trên hình thức thì đúng như vậy nhưng cần phải xét trên tâm chúng ta có đang phục vụ cho cái “tham” của mình không? Chính vì lẽ đó mà người học Phật số lượng thì đông nhưng về chất lượng đạt được sự hiểu biết đúng đắn hay có được thành tựu thì quá ít.

Thời kỳ của Ngài Lý Bỉnh Nam cách chúng ta cả 100 năm. Ngài có tới 300.000 học trò mà chỉ có hơn 30 người có thành tựu. Như vậy là cứ 10.000 người mới có một người thành tựu. Vậy thì sự thành tựu quả thật sẽ khó hơn vào thời đại 4.0 của chúng ta khi lòng người biến đổi khôn lường và sức mê hoặc của “năm dục sáu trần” quá lớn. Do vậy, Hòa Thượng lúc nào cũng nhắc chúng ta xa rời “danh vọng lợi dưỡng” và nhớ kỹ “năm dục sáu trần” là căn gốc đưa chúng ta đến địa ngục.

Một người chân thật tu hành, một lòng một dạ vì Phật pháp vì chúng sanh. Mọi thứ trong cuộc đời này của mình đều để cho Phật, Bồ Tát an bài mà không cần phải bận tâm,” Hòa Thượng nói.

Lời sách tấn này có làm mọi người sanh khởi lòng tin không? “Một lòng một dạ vì Phật pháp vì chúng sanh nghĩa là tận tâm tận lực dũng mãnh một cách tinh tấn chứ không phải thả nổi như lọ lục bình trôi hay tấm bèo nổi. Như vậy không có được sự an bài của Phật Bồ Tát. Chúng ta nên nhớ rằng: “Phật Bồ Tát thành nhân chi mỹ, bất thành nhân chi ác” – khi chúng ta hoàn toàn buông xả tất cả “danh vọng lợi dưỡng”, tư lợi cho chính mình thì lúc đó Phật Bồ Tát sẽ an bài.

Nhìn vào cuộc đời của Hòa Thượng, rõ ràng Phật Bồ Tát đã an bài. Nếu chúng ta muốn được an bài như Ngài vậy thì chúng ta phải tận tâm tận lực làm như Hòa Thượng, hoàn toàn đạt đến vị tha, vô ngã tuyệt đối 100% quên đi chính mình, tất cả khởi tâm động niệm đều vì chúng sanh lo nghĩ.

Hòa Thượng nói: “Một việc lớn nhất trong cuộc đời này của chúng ta chính là phải làm ra những việc chân thật có lợi ích cho chúng sanh.” Chúng ta đã nghe điều này nhiều lần nhưng chúng ta phải nắm được điểm mấu chốt trong lời dạy này là “hoàn toàn vì lợi ích chúng sanh” chứ không phải vừa có lợi ích cho chúng sanh và vừa có lợi ích cho mình. Có người nghe vậy thì đặt câu hỏi rằng: “Vậy thì mình chẳng có gì sao?” Phật Bồ Tát sẽ an bài thì không cần phải nghĩ đến điều đó.