4701/02/2024, 21:58 02/02/2024, 07:56
23 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 23

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 01/02/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 23 

Người học Phật tùy duyên làm các việc lợi ích chúng sanh trên thế gian mà không cưỡng cầu, dính mắc, nhất định trong tâm chỉ một câu A Di Đà Phật. Nếu có cơ duyên chín muồi để giới thiệu pháp môn Tịnh Độ đến với chúng sanh thì đó là sự nghiệp lớn có ý nghĩa, được 10 phương hết thảy chư Phật tán thán.

Hòa Thượng dạy: “Ở trên Kiết Hung Kinh, Phật nói rằng: Một người đệ tử Phật làm tất cả những việc thế gian để lợi ích chúng sanh nhưng không được dùng sự mong cầu của chính mình. Thế gian sự nhưng không được thế gian ý”.

Ý Hòa Thượng chỉ dạy chúng ta làm tất cả mọi việc tùy duyên, tận tâm tận lực mà không có tâm cưỡng cầu vì đây là điểm chúng ta rất dễ mắc phải. Dính vào “thế gian sự” rồi cưỡng cầu “thế gian sự” vậy thì sẽ thành “thế gian ý”.

Hòa Thượng nói: “Công việc làm lợi ích chúng sanh, thúc đẩy hoằng dương Phật pháp và chuẩn mực Thánh Hiền là việc cần phải làm thế nhưng không nên “có tâm” (tức là làm mà tâm dính mắc, vướng bận). “Có tâm” là thế gian ý.

“Làm tất cả mọi việc nhưng trong tâm chỉ có một câu A Di Đà Phật. Ngoài câu A Di Đà Phật ra chúng ta đã dính vào thế gian ý. Làm bất cứ việc gì đều là làm mà như không làm, không làm mà như làm. Vậy thì tuyệt đối không có chướng ngại.” Hòa Thượng khẳng định chúng ta làm tất cả mọi việc tốt thậm chí làm thành tấm gương cho mọi người học tập mà không thấy mình làm, giữ được tâm bình đẳng, tâm từ bi.

Chúng ta thử quán sát sẽ thấy chúng ta có chướng ngại vì chúng ta thường dùng tâm cưỡng cầu. Đó là khởi “thế gian ý”. Việc này là thừa vì chúng ta học giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền thì cứ y giáo phụng hành là có kết quả mỹ mãn. Có những việc chúng ta làm quá thành công khiến mình tưởng đó là do năng lực cá nhân mà quên đi sự thật là thành công đó do nỗ lực làm tốt giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền.

Những năm qua chúng ta tổ chức rất nhiều sự kiện thành công bởi vì chúng ta vô tư vô cầu, tận tâm tận lực hy sinh phụng hiến. Nếu có thất bại là do chúng ta không còn “Chí Công Vô Tư”. Cho nên một khi chúng ta có sự phân biệt, chấp trước là đã có “thế gian ý” thì sẽ có chướng ngại, còn nếu y theo giáo huấn của Phật Bồ Tát Thánh Hiền thì nhất định không có sai sót.

Hòa Thượng nói: “Nếu như có cơ duyên thì chúng ta nên tận tâm tận lực giới thiệu Phật pháp, chuẩn mực Thánh Hiền cho người ta nghe đặc biệt hơn nữa nếu có cơ duyên thì chúng ta giới thiệu pháp môn Tịnh Độ.

Ý Hòa Thượng nói chữ “cơ duyên” có nghĩa là “cơ duyên” phải chín muồi chứ không phải mang tượng Phật hay mang câu A Di Đà Phật mà dán khắp nơi. Dọc cùng một con đường, chỗ này dán chữ A Di Đà Phật, đi tiếp lên thì gặp hình tượng Chúa, đi tiếp nữa thì gặp tượng Quan Âm Bồ Tát, tiếp tục đi lên thì là hình Đức Mẹ. Đây là ý niệm cạnh tranh rồi.

Việc làm này không cần thiết, tất cả là do “cơ duyên” của chúng sanh. Chúng sanh đáng tiếp nhận giáo huấn của Chúa thì chí công vô tư mà giới thiệu cho họ đến với Chúa. Nếu họ chân thật muốn tiếp nhận giáo huấn của Phật trong khi mình có đủ năng lực kiến giải để giới thiệu thì mình đem kiến giải đó, năng lực đó giảng giải cho họ nghe. Nếu thấy mình chưa đủ sức thì nên giới thiệu đến người khác.

Chữ “cơ duyên”, mình phải hiểu cho tường tận. Không phải nói chỉ có Phật mới độ. Nghĩ vậy là sai rồi. Chúng sanh mong cầu tiếp nhận giáo huấn của Phật Bồ Tát hay của một vị giáo chủ nào đó mà mình biết là chánh đạo thì chúng ta giới thiệu cho họ còn nếu không biết thì nói là mình không biết, mong họ tự đi tìm người có chuyên môn. Chứ chúng ta không nên cưỡng cầu tự cho mình biết rồi nói lung tung làm cho người ta không biết đúng hay sai.

Hòa Thượng nói: “Nếu như không có cơ duyên để làm những việc lợi ích cho chúng sanh thì chính mình chăm chỉ tu hành. Chính mình chăm chỉ hoàn thiện bản thân. Mặt khác, nếu chúng ta có cơ duyên mà không tận tâm tận lực giúp đỡ chúng sanh thì chúng ta không có tâm từ bi, tâm Bồ Đề không thể phát khởi. Người “Độc thiện kỳ thân” – riêng mình được tốt thì người đó có tâm nhỏ hẹp.