16Chủ Nhật, 05/05/2024, 19:07
117 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 117

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ Nhật, ngày 05/05/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 117

Hòa Thượng dạy rằng con người trong thế giới này đều đang hứng chịu tình hình thời tiết càng ngày càng khắc nghiệt, thiên tai bão lũ khác thường. Hòa Thượng khẳng định rằng hoàn cảnh khác thường như vậy là do lòng người khác thường.

Chúng ta học Phật pháp và chuẩn mực Thánh Hiền nên thấy rõ rằng người xưa sống và làm theo chuẩn mực còn con người ngày nay thì sống một cách tùy tiện. Người ngày nay đã phế bỏ luân thường đạo lý tức là họ đang làm ngược lại chuẩn mực làm con thì phải hiếu, làm học trò thì phải kính trọng Thầy Cô, cấp dưới nghe lời cấp trên. Đây chính là điểm khác thường.

Chúng ta có thể quán chiếu thì thấy ngay Cha Mẹ chúng ta đối đãi với chúng ta giống như chúng ta đối đãi với con mình nhưng chúng ta lại đối đãi với Cha Mẹ đôi khi không bằng đối đãi với con. Đây chính là trạng thái “tự tư tự lợi”, là “cảm tình dụng sự”. Rất ít người nhận ra sự khác thường này mà đa phần con người ngày nay đều mắc phải.

Hòa Thượng chỉ dạy con người đang ở trong tai nạn mà muốn thoát khỏi tai nạn thì phải tu biệt nghiệp, tích cực tích công bồi đức. Đạo lý này rất rõ ràng! Không thể nói không tin thì không có. Chỉ vì không tin mà khi hoàn cảnh diễn ra chúng ta sẽ rất thê thảm. Nếu chúng ta tin thì khi sự việc xảy ra chúng ta đã có sự chuẩn bị để đối đãi, để chủ động hơn.

Hòa Thượng nhắc nhở: “Chúng ta là những người tu hành thì nhất định phải cầu phước báu cho tất cả chúng sanh.” Nghĩa là chúng ta làm mọi việc để chúng sanh được lợi ích.

Hệ Thống Giáo Dục Khai Minh Đức hôm qua đã đến trường SOS chia sẻ. Kết thúc buổi nói chuyện là những lời tri ân tha thiết và nguyện vọng cao cả của các con khiến ai cũng bất ngờ và xúc động. Các em đã phát khởi chí nguyện mạnh mẽ mà những trẻ được Cha Mẹ bảo bọc trong nhung lụa chưa chắc đã có.

Chúng tôi khuyên các con không nên mặc cảm rằng mình bị bỏ rơi, các con có mặt trên cuộc đời này là đã may mắn lắm bởi ngoài kia có những đứa trẻ bị phá bỏ từ trong bào thai. Nhiều trẻ vùng cao sống rất khó khăn, giao thông đi lại không thuận lợi, đi từ nhà đến trường thì bùn sình đã bám hết lên người. Chỉ trong một giờ chia sẻ, đã có em chuyển đổi từ tâm oán hận thành tâm tri ân. Đứa bé đó nói rằng trước đây con hận Cha hận Mẹ nhưng hôm nay, con hiểu được, con cảm ơn Cha Mẹ đã cho con đến thế gian này cho dù con không biết Cha Mẹ là ai và ở đâu?

Cũng trong ngày, Hệ thống đã có buổi nói chuyện với hơn 200 em sinh viên ở Nha Trang. Chúng tôi khuyên các em phải làm tròn sứ mệnh người học trò thì mới có thể gánh vác được sứ mệnh làm Thầy Cô giáo.

Việc làm của Hệ Thống chính là đang cầu phước báu cho chúng sanh. Đó là tận tâm tận lực đem chuẩn mực của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền và của người xưa để rao giảng khắp nơi. Đó là tưới tẩm cho các em học sinh, sinh viên và mọi người đạo lý chuẩn mực, phương pháp đúng đắn để ai ai cũng biết rõ vai trò bổn phận của mình cần phải làm là gì rồi hướng theo đó mà phấn đấu. Chính việc làm như thế mới giúp chúng sinh tự sinh ra phước báu cho chính mình.

Có người tưởng rằng cầu phước báu cho chúng sanh là cầu khấn, vái lạy trước Phật. Họ không làm gì cả mà chỉ ngồi đó cầu nguyện mong đời sống có thể tai qua nạn khỏi. Họ không biết rằng những việc đó sẽ đạt được chỉ cần chúng ta sống đúng chuẩn mực đạo lý làm người. Thánh Hiền do dạy mà ra, cho nên thông qua giáo dục các em mới có thể biết chuẩn mực đạo lý mà làm theo.

Khi làm việc, muốn lợi ích chúng sanh, chúng ta phải dùng mọi phương tiện khéo léo dẫn dắt họ đến với chuẩn mực của Phật, Bồ Tát, Thánh Hiền. Đó chính là vì chúng sanh cầu phước. Ngồi đó với tâm vọng tưởng, loạn động rồi lạy Phật, niệm Phật, tụng Kinh mà cầu phước cho chúng sanh thì cũng tốt nhưng phước ở đâu mà có. Nếu thật sự có tâm thanh tịnh thì việc làm đó của chúng ta mới có được công đức phước báu hồi hướng cho chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Đoàn thể của Phật giáo là đoàn thể phước báu. Cho nên trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện có nguyện đầu tiên là: Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Đoàn thể có phước báu là một chúng hòa hợp tu hành đúng giáo pháp và giới luật, tận tâm tận lực tiếp độ chúng sanh.