22Thứ Ba, 30/04/2024, 22:18
112 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 112

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 30/04/2024.

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 112

Thời xưa, việc người người được đến trường đi học không phải là phổ biến nhưng trong từng gia đình, mỗi thành viên được giáo dục rất kỹ về luân thường. “Luân” là mối quan hệ giữa người với người và “Thường” là ngũ thường “Nhân Lễ Nghĩa Trí Tín”. Biết rõ “Luân” tức là biết rõ mình đến thế gian để gánh vác trách nhiệm làm con, làm Cha Mẹ, làm Thầy Cô, làm nhân viên, làm lãnh đạo hay làm một người bạn.

Phân tích về ngũ thường, Hòa Thượng nói: “Nhân là nhân từ, nghĩa là cái gì mình không muốn thì đừng làm cho người. Trong cuộc sống không những vì mình mà lo nghĩ mà còn phải lo nghĩ cho người nhiều hơn”. Người có thể lo cho người nhiều hơn lo cho mình thì đó là người có lòng nhân từ, nét đẹp khó có gì sánh bằng.

Thánh Hiền thế gian cho rằng phải nghĩ cho người nhiều hơn nghĩ cho mình còn Thánh Hiền xuất thế gian thì hoàn toàn chỉ nghĩ cho người vì họ hiểu rằng “ta và người là một thể” nên lo cho người chính là lo cho mình.

Trẻ nhỏ tâm hồn rất trong sáng luôn “vì người khác lo nghĩ”, chúng được mua quà thì chúng nhắc mẹ: “Mẹ ơi, còn chị nữa!” Đây là tâm thuần thiện thuần tịnh hình thành từ kiếp trước, có dạy cũng chưa chắc dạy tốt bằng. Tuy nhiên, khi lớn lên, tập khí “tự tư tự lợi” khiến chúng không còn nghĩ đến ai.

Cho nên Hòa Thượng dạy chúng ta phải “vì người mà lo nghĩ”. Không nên thấy lợi thì lao vào, thấy khó thì né tránh, quẳng việc sang cho người khác bởi đó là hành động quá thấp hèn. Quân tử là người thấp nhất trong Thánh Hiền thế gian, tiếp đến là Hiền Nhân và Thánh Nhân, Quân tử là thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân.

Ngài phân tích tiếp: “Chữ Nghĩa là nghĩa vụ, là phụng hiến, không mong cầu báo đáp”. Ví dụ như Cha Mẹ nuôi con, Cha Mẹ không mong cầu con báo đáp mà chỉ mong con tốt hơn Cha Mẹ. Đây chính là hy sinh phụng hiến chí công vô tư. Phật Bồ Tát đến thế gian này cũng đều là như vậy.

Ngài nói: “Ở thế gian người xưa gọi là quân nhân thần trung – quân có lòng nhân từ, yêu thương lo cho bầy tôi thì bầy tôi sẽ hết mình mà trung thành. Đây là bổn phận, là nghĩa vụ.” Đó là chuẩn mực của Thánh Hiền thế gian còn theo Phật pháp Đại thừa thì cao hơn nữa, chính là làm mọi việc mà không thấy việc gì đã làm, không vướng bận trong tâm.

Hòa Thượng nhấn mạnh: “Chữ Lễ là lễ tiết. Lễ là phải có tiết độ. Không được vượt quá cũng không được bất cập.” Nếu thiếu lễ hoặc quá lễ đều không phải là lễ. Trước đây có anh chàng gặp chúng tôi là lạy, đây là hành động ngạo mạn chứ không phải là cung kính.

Lễ cũng được biểu hiện khi chúng ta đến một nơi nào đó thì tìm hiểu và thuận hòa theo phong tục, cách đối nhân xử thế của nơi đó chứ không đối nhân xử thế theo cách riêng của mình. Người xưa gọi là “Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”.

Hòa Thượng tiếp lời: “Trí là lý trí. Không nên dùng cảm tình, rung động mà làm”. Khi đối người tiếp vật, đối nhân xử thế thì đầu óc phải bình lặng thì lý trí mới được đề khởi. Còn nếu không bình lặng, chúng ta sẽ bị tham vọng, dục vọng sai khiến nên thường làm sai. Lý trí dựa trên chuẩn mực của Phật Bồ Tát Thánh Hiền.

Một người bị cảm tình rung động kích thích mà làm việc (cảm tình dụng sự) sẽ dẫn đến sai lầm. Nhà Phật dạy “Y trí bất y thức”. Hòa Thượng cũng nhắc đến “Ý khí dụng sự” tức là dùng tính khí nóng vội, bồng bột, hấp tấp mà làm việc thì cũng chắc chắn sẽ có sai lầm. Cho nên làm việc phải dùng lý trí, đầu óc bình lặng, theo chuẩn mực của Phật Bồ Tát Thánh Hiền để làm.

Cuối cùng là “Tín”. Hòa Thượng giải thích “chúng ta phải giữ tín dụng”. Người xưa có câu “Nhân vô tín bất lập-Người không có chữ tín thì không có chỗ đứng tức là không làm được việc gì”, một lần thất tín thì cả đời mình đã để mất niềm tin.

Bác Hoàng Chí Bảo từng kể câu chuyện về Bác Hồ đã giữ lời hứa với một đứa trẻ ở vùng Tây Bắc khi cháu từng nói với Bác rằng cháu thích một chiếc vòng bạc. Bác đã hứa và làm đúng như lời hứa ấy mặc dù đó là thời kỳ chiến tranh rất khó khăn. Chữ tín của một người bình thường đã rất quan trọng, của một nhà lãnh đạo cấp cao còn quan trọng hơn.