25Thứ Bảy, 27/04/2024, 15:52
109 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 109

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 27/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ

BÀI 109

Bài học hôm qua, Hòa Thượng nói, người tu pháp môn Mật Tông phải trì tâm giới. Các pháp môn trong nhà Phật thường lấy giới luật của pháp môn Mật tông để hướng theo. Tất cả các Tông phái đều phải giữ giới từ nơi tâm, chúng ta kiểm soát tâm thì chúng ta rất khó tạo tác hành động sai. “Tâm giới” là chúng ta kiểm soát từng hành động nhỏ của tâm thì đó là tâm giới.

Hằng ngày, khi tôi lạy Phật, nếu tôi lạy nhanh thì đầu của tôi có thể chưa chạm đất, những lần như vậy, tôi nhất định dập đầu lại, để đầu chạm đất rồi tôi mới đứng lên. Mỗi lần tôi lạy một nhịp là 50 lạy, tôi sợ lạy chưa đủ nên tôi lạy 55 lần. Tôi muốn mình làm mọi việc một cách viên mãn. Đây chính là tâm giới. Chúng ta làm việc chưa ngay ngắn, chưa chuẩn thì chúng ta phải làm lại. Thí dụ, chúng ta đang vội nhưng đôi dép chúng ta để chưa ngay ngắn thì chúng ta quay lại sửa. Chúng ta đặt một cốc rau mà chúng ta thấy nó nghiêng thì chúng ta sửa lại. Chúng ta làm những việc nhỏ này chính là chúng ta đang sửa tâm, sửa hành vi của mình.

Chúng ta phải có sự kiểm soát đối với từng hành động nhỏ. Chúng ta kiểm soát mọi sự, mọi việc từ nơi tâm thì chúng ta sẽ không để dẫn đến hành động sai. Chúng ta trải qua 10 năm, 20 năm thì chúng ta sẽ có thể hội sâu sắc về điều này. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ”, Phật nhiều lần nhắc đến phước báu vô lượng, năng lực vô lượng, tuổi thọ vô lượng trong đó tuổi thọ vô lượng là vô cùng cần thiết. Chúng ta không có tuổi thọ để tu tập thì chúng ta sẽ bỏ lỡ một kiếp, chúng ta chưa có thành tựu thì chúng ta đã mất. Hòa Thượng Hải Hiền, Bà Hứa Triết, Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, Hòa Thượng Tịnh Không đều có tuổi thọ nên các Ngài có thời gian để tu tập. Nếu chúng ta mất sớm thì chúng ta không có thời gian tu hành, con đường sinh tử sẽ mênh mang.

Hòa Thượng luôn nhắc chúng ta điều tâm, điều thân. Thân này giống như chiếc bè giúp chúng ta qua sông, nếu chúng ta không xem trọng chiếc bè thì chúng ta sẽ không thể qua sông. Chúng ta phải nhờ thân để chúng ta làm Phật sự, phục vụ, giúp ích chúng sanh. Thân chúng ta khô gày, yếu ớt, bệnh hoạn thì chúng ta sẽ không thể làm gì được. Nhiều người cho rằng họ mất càng sớm càng tốt, họ ruồng bỏ thân đây là họ đã ngu muội. Nếu chúng ta không cần thân này thì chúng ta hãy dùng thân hy sinh phụng hiến, làm những việc khó nhọc nhất để lợi ích chúng sanh, lợi ích Phật pháp. Chúng ta làm được như vậy thì chúng ta đã tạo một chút phước lành để hồi hướng cho oan gia trái chủ nhiều đời, nhiều kiếp.

Bà Hứa Triết nói, bà sống ở thế gian là để lo cho người khác, ngày ngày bà chăm sóc người bệnh, nhiều người bệnh nhỏ tuổi hơn bà. Chúng ta làm việc bằng tay còn tâm chúng ta niệm Phật. Có những người lười biếng nhưng họ không nhận ra, họ tưởng rằng họ rất tinh tấn. Chúng ta quán sát chúng ta “tinh tấn” hay chúng ta “tinh tướng”? Nếu chúng ta tinh tấn thì chúng ta sẽ không có chướng ngại. Chúng ta nhìn thấy tất cả những việc mọi người chưa làm thì chúng ta làm. Ví dụ, chúng ta nhìn thấy bát đũa chưa rửa, sân chưa ai quét thì chúng ta làm. Có những người chỉ muốn tinh tấn niệm Phật mà không muốn làm những việc khác.

Chúng ta “tự tư tự lợi”, chúng ta sợ thân chúng ta đau mệt, nên chúng ta không dám dấn thân. Nếu chúng ta ngồi chờ người khác dấn thân thì ai sẽ là người dấn thân? Thánh Hiền thế gian, xuất thế gian, những tấm gương đức hạnh đã chính mình tự động, tự phát dấn thân. Chúng ta dám dấn thân, dám hy sinh phụng hiến thì năng lực trong tự tánh của chúng ta mới có thể hiển lộ. Nếu chúng ta không dám dấn thân thì năng lực của tự tánh không bao giờ có thể hiển lộ.

Hòa Thượng nói: “Tự độ giúp độ tha, độ tha giúp tự độ”. Chúng ta giúp chúng sanh là chúng ta giúp chính mình. Chúng ta giúp người giác ngộ chính là chúng ta giúp chính mình nâng cao sự giác ngộ. Chúng ta nâng cao sự giác ngộ của mình thì chúng ta sẽ giúp được nhiều người hơn. Hai việc này tương bổ tương thành.

Hòa Thượng nói: “Phật là Lão sư, Bồ Tát là học trò nên mỗi một vị Phật bên cạnh đều có rất nhiều vị Bồ Tát vây quanh, hơn nữa còn có rất nhiều vị cổ Phật đến giúp Phật giáo hóa chúng sanh. Một vị Phật ra đời ngàn Phật ủng hộ”. Phật cũng phải tương bổ, tương thành với nhau. Phật Phật giúp nhau thì Phật sự mới có thể viên mãn. Một vị Phật không thể tự mình độ chúng sanh. Điều này giống như, một diễn viên xuất sắc cũng cần có người khác diễn cùng, một ca sĩ muốn hát hay hơn thì phải có những người múa phụ đạo, một dàn nhạc phải có nhiều người cùng hòa tấu thì mới tạo thành một tác phẩm xuất sắc. Chúng ta không thể tự biên tự diễn. Chúng ta tu học Phật pháp Đại Thừa, chúng ta phải mở tâm vô cùng rộng lớn, người khác đang làm thì chúng ta phải đến nỗ lực cùng làm để thành tựu chúng sanh. Nếu chúng ta giúp người khác thành tựu bá đồ thì chúng ta đã sai.