2119/04/2024, 18:34 20/04/2024, 12:39
101 · Tịnh Không Pháp Ngữ - 101

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 19/04/2024

****************************

TỊNH KHÔNG PHÁP NGỮ 

BÀI 101

Hằng ngày, chúng ta được nghe Hòa Thượng giảng cũng giống như hằng ngày chúng ta được tắm rửa, tẩy trừ cấu uế từ trong nội tâm. Hòa Thượng nói: “Trật tự thứ lớp của người trong hàng ngũ đệ tử Phật, đầu tiên sẽ căn cứ vào đức hạnh, kế đó tính đến số năm tu hành, sau cùng mới tính đến tuổi tác ở thế gian”. Nhà Phật rất chú trọng đến đức hạnh. Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, có Ngài Thiện Tài Đồng Tử, trong “Kinh Pháp Hoa” có Long Nữ đều là những người chứng quả vị Phật khi tuổi còn rất trẻ. Trong Tăng đoàn, các thành viên tuy không mang thứ bậc nhưng khi ứng phó đạo tràng, đến nơi ứng cứu hay hội họp, mỗi người đều căn cứ vào vị trí của người đứng đầu mà ngồi vào đúng vị trí của mình.

Hòa Thượng đã nhiều lần nhắc đến câu chuyện về Ngài Thiện Đạo Đại Sư và Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ. Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ là Quốc sư. Một hôm nhà vua nói với Quốc sư là muốn cúng dường thiên vạn Tăng, cúng dường cho 1000 vị Tăng. Triều đình đã tổ chức lễ trai Tăng rất long trọng. Hôm đó, rất nhiều các vị Tăng và Hòa Thượng đến tham dự. Trong nhà Phật không có huy hiệu để thể hiện các cấp bậc nhưng các vị Tăng đều âm thầm biết và nhường ghế cho vị cao tu hơn. Khi tất cả mọi người đều đã ngồi vào ghế nhưng ghế chủ tọa chưa có người ngồi, ngay đến Quốc sư cũng chỉ ngồi ở ghế kế bên thì có một vị Tăng ăn mặc rất lếch thếch đi đến rồi ngồi ở vị trí đó. Nhà Vua nhìn Quốc sư Vĩnh Minh thì thấy Quốc sư không phản ứng gì hết. Sau khi thiên vạn Tăng ra về, Đức Vua hỏi Quốc sư: “Hôm nay ta cúng dường có Thánh Tăng đến không?”. Ngài Vĩnh Minh tần ngần một lúc thì trả lời: “Thưa Ngài, hôm nay có cổ Phật đến ạ!”.

Ở thế gian, trong đoàn thể, người có đức hạnh cũng thường được mọi người suy tôn, kính trọng. Người có đức hạnh thì luôn ẩn tu, lánh xa danh lợi, Hòa Thượng từng nói, chúng ta muốn tìm thiện hữu tri thức thì phải tìm đến những nơi thâm sơn cùng cốc. Trong lịch sử Việt Nam, vua Quang Trung Nguyễn Huệ cũng từng phải lên núi để cầu La Sơn Phu Tử cùng bàn kế chống giặc.

Hôm qua, khi chúng ta học “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, Hòa Thượng nói: “Người ngày nay chỉ lo việc sinh tử mà không lo việc loại trừ tập khí”. Chúng ta lo loại trừ tập khí mới là chúng ta chân thật lo việc sinh tử. Nhiều người chỉ niệm Phật vì nghĩ rằng niệm Phật sẽ giúp họ vãng sanh. Chúng ta vẫn còn nguyên tập khí, phiền não thì chúng ta dùng tâm gì để niệm Phật? Một số người chỉ mượn lời Hòa Thượng nói nhưng không đề xướng Hòa Thượng, họ niệm Phật nhiều năm nhưng vẫn còn “danh vọng lợi dưỡng”, “tự tư tự lợi”. Chúng ta vẫn còn tập khí, phiền não, tâm chúng ta không thanh tịnh mà chúng ta làm Phật sự thì Phật sự cũng trở thành Ma sự. Chúng ta niệm Phật bằng tâm ô nhiễm thì chúng ta không thể tương ưng được với Phật.

Từ rất lâu, tôi không kêu gọi tổ chức các khóa niệm Phật hay dạy người cách niệm Phật. Nếu có người hỏi riêng tôi thì tôi chỉ nói cách tu của tôi, tôi không dạy người cách tu hành. Lần đầu tiên tôi chia sẻ với đại chúng là ở một ngôi chùa ở Vĩnh Long, tôi chia sẻ về đề tài có tên là: “Nhìn lại chính mình”. Tôi nói về cách chính mình đối trị tập khí, phiền não. Người ngày nay mong muốn vãng sanh nhưng tập khí, phiền não của họ vẫn còn y nguyên.

Một lần tôi đi chia sẻ ở một đạo tràng, người giới thiệu nói, tôi là cư sĩ, tôi đến chia sẻ cách tu tập của tôi để mọi người quán sát lại cách tu của họ. Mọi người nhìn tôi từ đầu đến chân bằng ánh mắt dò xét. Một lần khác, tôi đến chia sẻ ở huyện Đông Anh, mọi người cũng nhìn tôi bằng con mắt dò xét, sau khi giảng xong, tôi hỏi mọi người: “Các Bồ Tát ở đây có ai đi chợ mua đồ, một đồng ba trái mà chọn lấy ba trái nhỏ không?”. Không một người nào giơ tay. Sau đó tôi lại hỏi: “Có ai lấy hai trái nhỏ một trái lớn không?”. Cũng không có ai giơ tay. Mọi người chỉ lo việc sinh tử mà không lo loại trừ tập khí nên họ vẫn còn đầy đủ tập khí “tham, sân, si, mạn”. Chúng ta dùng tâm đó niệm Phật hay làm Phật sự thì Phật sự cũng trở thành Ma sự.

Hầu hết chúng ta vẫn còn tâm danh lợi nhưng chúng ẩn tàng một cách rất vi tế, chúng ta không dễ nhận ra. Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn biết chúng ta còn tâm danh lợi hay không rất dễ, người khác khen chúng ta mà chúng ta vẫn cảm thấy vui, người khác chê chúng ta vẫn cảm thấy buồn vậy thì chúng ta vẫn đang làm vì ảo danh, ảo vọng”. Chúng ta gặp thuận cảnh thì chúng ta vui, gặp nghịch cảnh thì chúng ta buồn vậy thì chúng ta vẫn “cảm tình dụng sự”, vì cảm tình mà làm việc.