/ 19
27

 

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa

 

SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 8

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 14/06/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu

 

Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo,chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tại hiện trường tôn kính. Chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Mời mở kinh sách, xem điều thứ hai trong mười giới là “không trộm cướp”.

“Hai, không trộm cướp. Phàm là vật có chủ thì không được dùng tâm trộm cố ý lấy đi. Nếu tự mình lấy, bảo người khác lấy, phương tiện lấy, dùng chú để lấy, gửi nhờ mà lấy, mê hoặc để lấy, lừa gạt lấy, thiếu nợ không trả, trốn thuế, mạo danh để qua hải quan v.v., khiến người mất của thì đều gọi là trộm cướp. Đồ vật lấy được trị giá 5 tiền, tức là 8 phân bạc thì phạm trọng tội, mất giới sa-di, không thể sám hối. Từ 4 tiền trở xuống thì phạm tội bậc trung; 2 tiền, 1 tiền thì phạm tội bậc hạ, cho phép sám hối để diệt trừ tội phạm giới, nhưng tánh tội không diệt, còn phải trả lãi. Nếu không trả nợ đó thì đời sau sẽ chuyển nặng thêm, theo lý thì cuối cùng cũng không thể trốn được. Nếu trộm mà không lấy được thì phạm tội phương tiện, phải khẩn thiết sám hối mới tránh khỏi đọa lạc.”

Hôm nay, điều tôi chuẩn bị giảng chính là giới không trộm cướp. Cũng chia ra làm bảy khoa để nói rõ giống như giới không sát sanh ở phía trước. Khoa thứ nhất là tổng thuyết đề nghĩa, thứ hai là tùy văn thích nghĩa, thứ ba là cụ duyên thành phạm, thứ tư là phạm đạo xử đoạn, thứ năm là tiêu cảnh tưởng, thứ sáu là minh khai duyên, thứ bảy là dị thục quả báo. Trước tiên chúng ta xem khoa thứ nhất là tổng thuyết đề nghĩa. Phía sau cũng chia làm ba khoa nhỏ. Thứ nhất là giải thích sơ lược tên đề, thứ hai là ý nghĩa chế giới, thứ ba là hai nghiệp tánh già, từ ba khoa nhỏ này mà nói rõ. Giải thích sơ lược tên đề chính là nói không trộm cướp. Trộm cướp là cảnh giới phạm tội. Trộm là ăn cắp, cướp là đoạt lấy. Trộm tức là lén lút vụng trộm, sợ chủ nhân phát hiện, như vậy mà ăn trộm đồ của người ta. Cướp là phàm hễ xâm phạm đến tài sản của đối phương một cách không hợp lý thì đều thuộc về cướp. Chữ “không” là hành môn có thể đối trị, nghĩa là Phật chế định sa-di không được trộm, cướp tài vật của người khác, bản thân còn phải bố thí nhiều cho người khác, vậy thì sao có thể vô lý xâm phạm đến tài sản của người khác cho được? Cho nên, giới thứ hai này gọi là không trộm cướp.

Tiếp theo nói đến ý nghĩa chế giới. Trong “Nam Sơn Tam Đại Bộ”, phần Giới Bổn Sớ nói về ý nghĩa của giới trộm cướp như sau: “Tài vật là cái gốc của thân mạng, nếu không có nó thì chẳng thể cứu lấy thân, nên tâm lý của mọi người đều rất quý trọng, tâm mến tiếc, chấp trước rất sâu nặng. Mà theo lý thì người xuất gia phải xả bỏ những thứ mình trân quý để cứu giúp chúng sanh. Nay trái lại còn đi chiếm đoạt làm của riêng. Đó là tự hủy hoại mình và não hại người, là tội lỗi rất nghiêm trọng trong tất cả các tội lỗi. Do đó ý nghĩa mà đức Phật chế giới này là như vậy”. Đây là nói tất cả tiền tài vật chất giúp đỡ thân thể, là cái gốc để duy trì thân thể, tánh mạng của chúng ta. “Không có nó thì chẳng thể cứu lấy thân”, giả sử không có những tài vật này thì không thể cứu giúp được thân hình, tánh mạng của chúng ta. Do đó tâm lý, tâm tình của người thông thường phần lớn đều là yêu quý giữ gìn, xem trọng tài vật. Cho nên “tâm mến tiếc, chấp trước rất sâu nặng”, tâm ái luyến, chấp trước vô cùng sâu nặng. Song người xuất gia sa-di, tỳ-kheo, Sa-di tuy vừa mới cạo tóc thọ giới sa-di nhưng cũng là đại trượng phu, “theo lý thì phải xả bỏ những thứ mình trân quý để cứu giúp chúng sanh”, theo lý mà nói thì nên đem những thứ mà mình trân quý ra để cứu giúp chúng sanh, không chút tham luyến. Hiện nay, trái lại đi xâm tổn cướp đoạt tài vật của người khác để làm của riêng, như vậy là hại mình và não hại người, “hủy hoại mình và não hại người”, chính mình phá hoại mất thiện tâm của chính mình, tức là phá hoại thiện căn của chính mình, tổn hại người khác. Đây là điều cực kỳ nghiêm trọng trong tất cả các lỗi lầm, họa hại, cho nên đại thánh Phật-đà đã chế định cho sa-di điều giới luật này, giới tỳ-kheo cũng như vậy. Đây là ý nghĩa của việc chế giới.

/ 19