/ 19
26

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa

 

SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 17

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 13/7/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu

 

Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tôn kính, chúc mọi người buổi chiều tốt lành! Chúng ta tiếp tục xem điều thứ năm là “không uống rượu” của giới sa-di.

Buổi học trước giảng đến khoa thứ năm là “tiêu cảnh tưởng”. Hôm nay bắt đầu giảng khoa thứ sáu là “minh khai duyên”, nói rõ điều giới này trong trường hợp nào thì có thể khai duyên. Trong luật có mấy trường hợp như sau:

Thứ nhất, “khi ăn không biết có rượu nên ăn nhầm”, tức là trong đồ ăn thức uống có rượu nhưng chúng ta không biết, uống rồi cũng không cảm nhận thấy thì đây thuộc về uống nhầm, vậy thì không phạm. Ví dụ khi nấu đồ ăn bỏ một chút rượu để làm gia vị, ăn vào cũng không nhận ra, như vậy thì không phạm.

Khai duyên thứ hai, “hoặc dùng rượu để nấu đồ, đã mất đi tánh rượu, người uống không bị say”. Dùng rượu để nấu đồ, rượu vừa nấu thì cồn liền bị bốc hơi mất, mất đi tánh rượu, cho nên uống vào cũng không bị say, điều này cũng không phạm. Ví dụ nếu khi chúng ta làm men, hoặc làm thực phẩm gì đó lên men, ví dụ lên men quá đà sinh ra cồn, vậy thì chỉ cần đem nó đi nấu qua là tánh rượu sẽ không còn nữa, cũng sẽ không phạm giới này.

Thứ ba, “khi bị bệnh, các thuốc khác đều trị không khỏi, phải dùng rượu để làm thuốc”. Khi bị bệnh, ngoài dùng rượu làm thuốc dẫn ra các phương pháp khác đều trị không khỏi bệnh của bạn, vậy thì lúc này có thể cho phép dùng rượu. Nhưng căn cứ theo Sa-di Thập Giới Oai Nghi Lục Yếu nói thì cũng cần phải bạch với thầy hoặc bạn rồi mới được dùng, báo cáo với đại chúng một chút.

Thứ tư là “dùng rượu để bôi vết thương”, tức là dùng bên ngoài, bôi lên vết thương, rượu giống như cồn, đều có thể khử trùng.

Thứ năm là “tâm cuồng loạn”, mỗi một điều giới đều có khai duyên này. Giả sử tâm bị điên cuồng, cuồng loạn mà tạo ra hành vi phạm giới thì cũng không tính là phạm giới.

Được rồi chúng ta xem khoa thứ bảy, khoa thứ bảy nói “uống rượu có mười lỗi”.

Căn cứ theo giải thích của luật Tứ Phần trong Tam Đại Bộ của luật sư Linh Chi, có một bộ là “Hành Sự Sao Tư Trì Ký” trích dẫn luật Tứ Phần có nói rằng: “Nếu đã thờ ta làm thầy thì thậm chí là dùng đầu ngọn cỏ nhúng một giọt rượu để đưa vào miệng cũng không được, cho nên nói rượu có mười loại tội lỗi”. Đây là Phật tự nói ra, nếu đệ tử đã coi ta là thầy, bất luận là tại gia hay xuất gia. Người tại gia đã thọ tam quy ngũ giới mới có thể gọi là đệ tử Phật, trong ngũ giới có không uống rượu, xuất gia thì càng cần phải cấm rượu. Nếu đệ tử Phật uống rượu, nói cách khác, không có tư cách là đệ tử Phật, đây là một người phá giới, cho nên nói “thậm chí”, thậm chí tức là điều nhỏ bé nhất cũng không được phạm, “đầu ngọn cỏ cũng không được”, như cây cỏ, cây cỏ rất nhỏ, “nội tửu trung” nghĩa là nhúng một giọt rượu, trên đầu ngọn cỏ còn sót lại một chút xíu phân tử rượu trên đầu ngọn cỏ, bạn cũng vì tham mùi rượu đó nên bỏ ngọn cỏ ấy vào miệng để nếm vị rượu ấy, đây gọi là “dùng đầu ngọn cỏ nhúng một giọt rượu để đưa vào miệng ”, như vậy là đã phạm giới rồi.

Cho nên, Phật nói cho chúng ta uống rượu có mười loại lỗi lầm, mười loại nào vậy? “Một, dung mạo xấu xí; hai, khí lực yếu ớt; ba, thị lực mờ tối; bốn, lộ ra tướng sân giận; năm, phá hoại gia nghiệp; sáu, dễ mắc bệnh; bảy, dễ gây ra kiện tụng đấu tranh; tám, không có danh tiếng; chín, ít trí tuệ; mười, mạng chung đọa vào ba đường ác”. Ở đây Phật nói đến mười loại tội ác.

Thứ nhất là dung mạo xấu xí. Đây là nói đến sắc mặt, uống rượu thì toàn mặt đều đỏ ửng lên, vừa nhìn liền biết đây là một con ma men, sắc mặt rất khó coi, rất xấu.

Thứ hai chính là khí lực yếu ớt, sau khi uống rượu, thậm chí ngay đến bước đi cũng không có khí lực, lảo đảo xiêu vẹo. Đây đều là thân thể không cách gì chống đỡ được, không có oai nghi.

/ 19