/ 19
58

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa

SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 1

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 23/05/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu

 

Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, chư vị cư sĩ tôn kính, chúc mọi người buổi chiều tốt lành! Mời để tay xuống.

Hôm nay là buổi học đầu tiên trong kỳ an cư kiết hạ tại chùa Giác Nguyên, chúng tôi sẽ cùng mọi người học tập bộ “Sa-di thập giới oai nghi lục yếu” do đại sư Ngẫu Ích biên soạn. Đây là một khóa trình mà người xuất gia nhất định phải tu học, người tại gia cũng có thể học tập theo.

Bất luận là xuất gia hay tại gia, học Phật thì nhất định phải lấy việc liễu sanh tử, thành Phật đạo làm mục tiêu tu hành của chúng ta. Nguyên nhân căn bản của sanh tử luân hồi chính là những kiến tư phiền não tham, sân, si v.v.. Mục đích của giới luật chính là đối trị kiến tư phiền não của chúng ta, cho nên tu hành thì nhất định phải bắt đầu từ trì giới trước. Cư sĩ tại gia trì giữ chính là năm giới. Năm giới là nhân của trời người, nhưng muốn ngay trong đời này có thể liễu thoát sanh tử thì cư sĩ trì giữ năm giới vẫn chưa đủ, bát quan trai giới mới là nhân thật sự để ngay đời này giải thoát khỏi luân hồi. Bởi vì trong bát quan trai giới có đoạn dâm, đây là nguyên nhân trực tiếp để đoạn trừ gốc rễ của sanh tử. Người xưa nói rằng: “Ái không nặng không sanh Ta-bà, niệm không nhất không sanh Tịnh độ”. Muốn vãng sanh Tịnh độ thì phải thật sự phát tâm xuất ly, đoạn trừ gốc rễ ái dục sanh tử. Người xuất gia ít nhất phải trì giữ 10 giới sa-di.

Nội dung của 10 giới sa-di trên căn bản là giống với nội dung trong bát quan trai giới của cư sĩ, chỉ nhiều hơn một điều là “không cầm giữ tiền bạc vật báu”. Người tại gia thì không cần phải giữ điều giới không cầm giữ tiền bạc này, người xuất gia thì phải giữ giới này, còn có đoạn dâm trong năm giới, và không ăn phi thời, tức là trì ngọ, v.v.. Lại còn không ca múa, biểu diễn nghệ thuật và không đi nghe xem, không đeo tràng hoa thơm, và thoa ướp dầu thơm lên thân, không nằm ngồi trên giường cao rộng, những giới điều này, bát quan trai giới hoàn toàn giống với giới sa-di. Cho nên “Sa-di thập giới oai nghi lục yếu”, người xuất gia, tại gia đều có thể học tập, hơn nữa đều nên học tập, làm thành một tiêu chuẩn rất quan trọng trong việc trì giới của chúng ta.

Nếu xuất gia rồi mà ngay đến giới sa-di chúng ta cũng không làm được, vậy thì thật sự là hổ thẹn với chiếc áo cà-sa mà mình mặc, thế nhưng hiện nay Phật pháp suy tàn, người thành tựu vô cùng ít ỏi, nguyên nhân chủ yếu chính là do giới luật đã suy vi và bị lơi lỏng. Chúng xuất gia không cần nói đến 250 giới của tỳ-kheo mà ngay đến 10 giới của sa-di, người có thể trì giữ được cũng không nhiều. Kỳ thực đạo tràng ở đây của chúng ta yêu cầu không cao, chỉ yêu cầu mọi người giữ tốt giới sa-di. Đây là cái gốc thứ tư mà lão hòa thượng đã nhấn mạnh, cư sĩ cũng có thể học tập. Có không ít cư sĩ cũng phát nguyện cả đời trì bát quan trai giới, đây chính là người xuất gia tại gia. Điều này vô cùng khó được.

Thật sự thực hành được 4 cái gốc thì mới không cô phụ ân Phật-đà, ân sư trưởng, ân cha mẹ, ân chúng sanh. Trong “Phạm Võng Bồ-tát giới bổn” có điều giới thứ 43 là “khinh cấu tội” nói rằng: “Nếu người, do tín tâm mà xuất gia, thọ chánh giới của Phật, lại cố ý khởi tâm hủy phạm Thánh giới, thì không được thọ lãnh đồ cúng dường của tất cả đàn-việt, cũng không được đi trên đất của quốc vương, không được uống nước của quốc vương, có năm nghìn Đại Quỷ luôn đứng chắn trước mặt người đó mà nói rằng: tên đại tặc. Khi đi vào trong phòng nhà thành ấp gò mả, các Quỷ thường theo quét sạch dấu chân của người ấy. Tất cả người đời đều mắng người ấy là kẻ giặc trong Phật pháp. Hết thảy chúng sanh mắt đều không muốn nhìn đến người ấy. Người phạm giới, chẳng khác nào loài súc sanh, một khúc gỗ”. Những lời giáo huấn này, chúng ta nghe rồi thật sự cảm thấy rất kinh hoàng khiếp sợ. Nếu chúng ta không cố gắng trì giữ giới luật thì tội nghiệp này rất nặng, cho nên xuất gia là sự nghiệp của một bậc đại trượng phu, muốn làm một tấm gương tốt cho trời người thì phải cố gắng trì giới, bao gồm tất cả các oai nghi chúng ta đều phải thọ trì, như vậy thì thật sự có thể được gọi là đại trượng phu, đại anh hùng, có thể thọ lãnh sự cúng dường của trời, người.

/ 19