/ 100
147

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 14/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 85

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

“Thân tâm tịnh khiết, tương ưng với thiện”

Thân tâm không đuổi theo sáu trần thì sẽ thanh tịnh, chiếu rạng nguồn tâm. Ở đây Phật khuyên răn chúng ta, “thiện” trong từ “với thiện” chính là tâm thanh tịnh, chính là tâm bình đẳng, chính là tâm giác. Thanh tịnh, bình đẳng, giác trên tựa đề kinh là tiêu chuẩn của đại thiện trong kinh này, thân tâm phải tương ưng với điều này.

“Chớ thuận theo dục vọng, không phạm các ác”

Vạn phần không được thuận theo tâm tham của chính mình, thuận theo dục vọng, ưa thích của bản thân. Dục vọng là tập khí phiền não, không được thuận theo tập khí phiền não. “Không phạm các ác”, câu này chỉ cho thân nghiệp, nhất định phải trì giới, nhất định phải thủ pháp, không được phạm bất kỳ điều ác nào.

“Ngôn từ, vẻ mặt nên hòa nhã”

Câu này chỉ cho khẩu nghiệp, lời nói của chúng ta đối với tất cả mọi người đều phải có sắc mặt vui vẻ hòa nhã, giống như “lễ kính chư Phật” của Bồ-tát Phổ Hiền vậy.

“Thân hạnh phải chuyên”

Câu này đã hiển lộ toàn thể chân tâm của Phật, thật sự là hết lần này đến lần khác Phật khuyên răn chúng ta: bí quyết thành công của sự tu hành chứng quả chính là thân hạnh phải chuyên nhất.

“Cử chỉ, ngó nhìn an định, từ tốn”

Hai câu này nói về tác phong thái độ trong cuộc sống của đệ tử Phật. Trong kinh Phật gọi là “oai nghi”, pháp thế gian gọi là “phong độ”. Bất luận là đi, đứng, ngồi, nằm thì thái độ tác phong biểu hiện ra phải an tường, phải thong thả, không được vội vàng, không được hấp tấp. “Cử chỉ” là hành động, “ngó nhìn” là xem nhìn, tất cả việc này đều phải an định, từ tốn, rất an định, ôn hòa thư thái. Những động tác nhảy múa hiện nay đều tương phản với sự an định, từ tốn. Thời xưa Ngô Quý Tử quan sát âm nhạc, ông nghe âm nhạc thì có thể biết được là âm nhạc của nước nào, âm nhạc như thế nào thì tiền đồ sau này của nước đó sẽ ra sao. Ca vũ hiện nay nói với chúng ta rằng: thế giới sẽ có rất nhiều họa loạn, sự họa loạn này mỗi ngày một nghiêm trọng, đến khi chạm đến mức cùng cực thì nó bắt đầu chuyển trở lại, mỗi ngày một giảm bớt, hiện nay vẫn còn đang lên dốc.

“An định, từ tốn”, Hoàng Niệm lão kể một câu chuyện như sau: Gia Cát Vũ Hầu dạy con của ông phải đạm bạc, ninh tĩnh, không được thuận theo dục vọng. Dục vọng lớn nhất là dục vọng nam nữ, phải xem nhạt, không được truy đuổi. Đạm bạc để minh chí, có chí khí thì có thể đạm bạc. “Ninh” chính là an, là thanh tĩnh, ninh tĩnh thì mới có thể an định, mới có thể tiến xa, mới có hành động lớn lao.

“Làm việc hấp tấp sẽ hư hỏng hối hận về sau”

“Hấp tấp” là luống cuống lật đật, về mặt hành trì không thể vững chãi. Tâm không an định, làm việc không có kế hoạch, đến khi xảy ra chuyện thì luống cuống, tóm lại khó tránh khỏi thất bại và hối hận.

“Làm việc không thận trọng sẽ uổng mất công phu của mình”

“Thận trọng” nghĩa là cẩn thận kỹ lưỡng, chân thật. Nếu hành vi không thận trọng, không như lý, không như pháp thì công phu tu trì của chúng ta sẽ tiêu mất. Tu đạo ngàn ngày, mất đạo trong phút chốc. Cho nên phải khéo giữ gìn ý niệm của mình, nếu chẳng chân thật tu hành, tâm không chân thành, sự hành trì và lời nói không chân thành thì công phu đã dùng thảy đều là giả, đều chẳng phải chân thật, đó là mê hoặc điên đảo, tu mù luyện quáng.

Trước đó tôi từng giảng đến câu “Các ông hành thiện như thế nào thì là bậc nhất?” Chúng ta đã có đáp án rồi. Thế nào là bậc nhất? Phải nên tự đoan chánh thân, phải nên tự đoan chánh tâm. Thiện bậc nhất chính là pháp môn niệm Phật của Bồ-tát Đại Thế Chí “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, sáu căn đều nhiếp trọn vào một tiếng Phật hiệu, sáu căn đều đoan chánh, tai mắt miệng mũi đều tự đoan chánh. Tâm là Phật, sáu căn đều là Phật, tai mắt miệng mũi tự nhiên đoan chánh, tự nhiên thân tâm tịnh khiết, tương ưng với thiện. Thiện chính là: “tâm này là Phật, tâm này làm Phật”.

Trọng điểm của kinh văn phẩm thứ 36, phẩm kinh văn này có 6 trọng điểm.

Trọng điểm thứ nhất: Đối với tựa đề “Bao lượt khuyên lơn”, bạn có cảm ngộ gì? Xin gợi ý: Ví dụ lĩnh ngộ rằng chư Phật Bồ-tát từ bi cùng cực, buốt lòng rát miệng giáo hóa chúng sanh, nhiều đời nhiều kiếp cứu độ chúng sanh không mệt không chán. Ví dụ, lĩnh hội được rằng: Duy chỉ có A-di-đà Phật là người thân của chúng ta, vả lại là người thân duy nhất có thể nương tựa. Lĩnh hội được rằng: chúng sanh mạt pháp cang cường khó giáo hóa, lĩnh hội được các điều khác v.v.

/ 100