/ 100
111

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 06/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 70

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Biện tài tổng trì, tự tại vô ngại, thiện giải thế gian vô biên phương tiện. Sở ngôn thành đế, thâm nhập nghĩa vị. Độ chư hữu tình, diễn thuyết chánh pháp, vô tướng vô vi, vô phược vô thoát, vô chư phân biệt, viễn ly điên đảo.

Biện tài tổng trì, tự tại vô ngại, khéo hiểu rõ vô biên phương tiện của thế gian. Nói lời thành khẩn, chân thật, thâm nhập nghĩa vị. Độ các hữu tình, diễn nói chánh pháp, vô tướng vô vi, không trói buộc cũng chẳng giải thoát, không có các sự phân biệt, viễn ly điên đảo.

“Biện tài tổng trì, tự tại vô ngại”

Trí tuệ biểu hiện nơi ngôn từ thì chính là “biện tài”. Tâm thanh tịnh biểu hiện trong đời sống thì chính là “tổng trì”. Tổng trì chính là tổng cương lĩnh. Hết thảy pháp thế xuất thế gian đều có thể hoàn toàn nắm bắt, thật sự sáng tỏ chân tướng của vũ trụ nhân sanh, trong đời sống được đại tự tại. “Tự tại vô ngại” chính là hạnh phúc, an vui mà người thế gian nói, an lạc vô cùng. Các Bồ-tát trên hội Hoa Nghiêm đều là lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, đời sống như vậy mới mỹ mãn. Người thế gian chúng ta nói mỹ mãn, nói chân thiện mỹ tuệ là hữu danh vô thực. Đời sống mỹ mãn chỉ trong Phật pháp mới có, chỉ có pháp môn Tịnh tông là thù thắng nhất, trong cuộc sống có thể biểu hiện ra đời sống mỹ mãn nhất.

Đoạn kinh văn này “nêu rõ thánh hạnh lợi tha, công đức viên mãn của Đại sĩ cõi Cực Lạc”, chính là nói đến công đức trí tuệ biện tài của Bồ-tát thế giới Cực Lạc. Đã khai trí tuệ, nên biện tài vô ngại. Biện tài là nói trí tuệ biện tài thuyết pháp. Câu “biện tài tổng trì” trong bản dịch thời Tống, bản dịch thời Ngụy là “có các biện tài”, cho nên có hai cách giải thích “biện tài tổng trì”. Một cách giải thích là: tổng trì chính là đầy đủ tất cả, tất cả đều có thì gọi là tổng trì. Cách giải thích khác là: tổng trì là đà-la-ni, tổng trì tất cả. Chính là nói những Bồ-tát này đều đã đắc biện tài đà-la-ni, đà-la-ni vĩnh viễn sẽ không thoái thất.

Tự tại vô ngại là nói biện tài này là hết thảy vô ngại, chính là “tứ vô ngại biện” mà kinh Niết-bàn nói, cũng gọi là “tứ vô ngại trí”. Đó là:

“Pháp vô ngại trí”, thông đạt tên gọi của các pháp, phân biệt không trở ngại, đối với tất cả pháp đều không có chướng ngại, không có nơi nào sinh ra chống đối hoặc chẳng thể nói ra được.

“Nghĩa vô ngại trí” biết trọn lý của tất cả pháp, thông đạt vô ngại.

“Từ vô ngại trí” có thể hiểu thông các loại ngôn ngữ, có thể tùy ý diễn nói. Một ý nghĩa khác là chỉ cho ngôn thuyết, có một số chỗ chẳng thể biểu đạt bằng ngôn thuyết, nhưng người có được “từ vô ngại” thì có thể dùng đủ mọi tỉ dụ để nói rõ.

“Nhạo thuyết vô ngại trí”, vĩnh viễn sẽ không nói “tôi mệt mỏi rồi, tôi không còn hứng [để] nói nữa đâu”. Còn có một nghĩa là biện luận nói rõ nghĩa của các pháp viên dung không trở ngại. Hoặc là thuận theo sự mong cầu mà vui vẻ dùng phương tiện thiện xảo để nói.

Tứ vô ngại biện cũng gọi là tứ vô ngại trí, cũng gọi là tứ vô ngại giải. Nói biện, nói trí, nói giải đều là cùng một nghĩa, đó là biện tài trí tuệ thuyết pháp cho Bồ-tát. Nếu là thuyết pháp thì gọi là “tứ vô ngại biện tài”.

Kinh Thắng Thiên Vương nói với chúng ta có chín loại biện tài.

Thứ nhất là “biện tài vô trước”. “Trước” trong từ “chấp trước”, biện tài vô trước là không chấp trước. Có người hỏi, không chấp trước mà có biện tài được ư? Có. Vì sao vậy? Không chấp trước là tự tánh, chấp trước là A-lại-da thức. Không chấp trước chẳng những có biện tài, mà còn có biện tài vô tận, chỉ cần bạn không chấp trước thì biện tài sẽ hiện tiền. Cho nên chúng ta học Phật phải thật sự học, thật sự học chính là học buông xả. Pháp thế gian đều dạy chúng ta “cách vật trí tri”, “cách vật” chính là buông xả, buông xả lòng ham muốn; biện tài vô tận chính là “trí tri”, trí tuệ bèn hiện tiền. Cho nên chướng ngại lớn nhất chính là chấp trước, đối lập với người khác, nếu tất cả đều không chấp trước thì chẳng có việc gì cả.

Thứ hai là “biện tài vô tận”, thứ ba là “biện tài tương tục”, thứ tư là “biện tài bất đoạn”, thứ năm là “biện tài không khiếp nhược”, thứ sáu là “biện tài không sợ hãi”, thứ bảy là “biện tài bất cộng”, thứ tám là “biện tài vô biên”, thứ chín là “biện tài được trời người kính trọng”.

/ 100