/ 100
119

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 05/12/2020

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 30

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kinh văn tiếp theo:

Pháp Tạng bạch ngôn: Tư nghĩa hoằng thâm, phi ngã cảnh giới.

Pháp Tạng bạch rằng: nghĩa ấy sâu rộng, không phải cảnh giới của con.

Đây là Bồ-tát Pháp Tạng trả lời khai thị của Phật, là Bồ-tát Pháp Tạng từ bi nói thay cho chúng ta. Ba chữ “tự” mà Phật giảng, “ông tự tư duy”, “ông nên tự biết”, “ông nên tự quyết”, nghĩa lý quá rộng lớn, quá thâm sâu, “phi ngã cảnh giới”, không phải cảnh giới của con.

“Cảnh” là nơi mà tâm phan duyên ngao du tới, đó không phải là nơi mà đôi chân bước qua, mà là nơi tâm bạn có thể đạt đến được. Nơi ngao du của tâm, nơi phan duyên của tâm, gọi là cảnh. Ví dụ như mắt nhìn thấy sắc, nếu nhìn thấy màu sắc thì màu sắc này là nơi mà nhãn thức ngao du, gọi là sắc cảnh. Pháp là nơi mà ý thức ngao du tới, gọi là pháp cảnh.

“Cảnh giới” chỉ cho nơi mà tâm có thể đi tới, nơi mà ý có thể phan duyên tới, và kết quả mà chính mình tu trì đạt được.

“Phi ngã cảnh giới” biểu thị đó không phải cảnh giới mà trình độ của con, tâm của con có thể đạt được, có thể nghĩ tới được, con không thể hiểu được cảnh giới này.

“Lại nữa, lý của thật tướng là nơi ngao du của diệu trí”, cũng gọi là cảnh, thuộc về pháp cảnh. Lý của thật tướng chính là tự tánh. Đây là cảnh giới gì? Minh tâm kiến tánh thì họ hiểu được ba chữ “tự” này. Nên một câu nói của đại sư Huệ Năng đã đánh thức Huệ Minh, Huệ Minh liền khai ngộ. Tại sao ngài lại khai ngộ nhanh như vậy? Vì ngài dùng chân tâm. Chúng ta thật sự muốn học Phật thì phải dùng chân tâm, không dùng vọng tâm. Nơi chân tâm ngộ nhập là trí tuệ, cảnh giới của trí tuệ vô lượng vô biên, cảnh giới của tri thức rất có giới hạn.

Có người nói, xã hội hiện nay dùng chân tâm sẽ thiệt thòi, bạn dùng chân tâm, người khác sẽ cười bạn khờ dại. Kinh nghiệm đời sống hơn 70 năm của tôi nói với chính mình, dùng chân tâm không thiệt thòi. Người bình thường nghĩ thế này, họ giả dối với tôi, dựa vào đâu mà tôi phải dùng chân tâm đối với họ? Nhưng lại không biết rằng, họ dùng sự giả dối đối xử với ta, họ là phàm phu; ta dùng chân tâm đối xử với họ, ta là Phật Bồ-tát. Không như nhau, không bị thiệt thòi.

Chân tâm là gì? Chân tâm trong sạch chẳng có một thứ gì. Ba vị Thánh ở chùa Lai Phật đã làm ra tấm gương cho chúng ta thấy. Ngài Hải Hiền dùng chân tâm, ngài Hải Khánh dùng chân tâm, hòa thượng Lão Đức cũng dùng chân tâm. Người khác lừa ngài, trêu đùa ngài, ức hiếp ngài, người khác dùng vọng tâm, ngài hoàn toàn dùng chân tâm, ngài đạt được lợi ích chân thật. Người khác chà đạp ngài, nhục mạ ngài như vậy, ngài đều tiếp nhận. Ngài thấy Phật thì lạy, người ta nói trong phân trâu có Phật, ngài liền lạy phân trâu. Người bình thường xem ngài là kẻ ngốc, thực ra ngài không ngốc chút nào. Mọi người trêu chọc ngài, ngài đạt được lợi ích chân thật, đây chính là sự hiển hiện diệu trí của ngài.

Có hai câu nói thế này: một câu là “nội trọng kỷ linh”, một câu là “ngoại mộ chư Thánh”. Có nghĩa gì vậy? Ba chữ “tự” của Thế Gian Tự Tại Vương Phật chính là chỉ dạy hành nhân trọng linh tánh vốn có của chính mình, trong Giáo gọi là “nội trọng kỷ linh”. Bồ-tát Pháp Tạng nói, “chẳng phải cảnh giới của con”, tiếp tục thỉnh Phật khai thị, đây gọi là “ngoại mộ chư Thánh”. “Ngoại mộ chư Thánh” là gia phong mà chỉ Tịnh độ tông mới có, gọi là pháp môn tha lực. Ngoại Thánh chính là tha Phật. Phàm phu thời Mạt pháp chỉ cần có thể tin “có thế giới tên là Cực Lạc, cõi ấy có Phật hiệu là A-di-đà”. Tha thiết phát nguyện vãng sanh, nhất hướng trì danh thì có thể vãng sanh. Đây đều nhờ lực gia trì từ biển đại nguyện Nhất thừa của A-di-đà Phật và công đức vô biên của câu danh hiệu, đây là tha lực.

Hai chữ “có” ở trên thật quá quan trọng, ngữ khí khẳng định, không cho phép nghi ngờ chút nào, kiên định tín niệm cầu sanh Tây Phương của chúng sanh. Vào cuối đời, đại sư Ngẫu Ích buông xuống vạn duyên, nhất tâm niệm Phật, tự đặt cho mình một biệt hiệu là “Tây Hữu đạo nhân”. Tây là Tây Phương, Hữu là có thế giới Cực Lạc, có A-di-đà Phật, lấy hai chữ “có” này thành biệt hiệu của mình, niệm niệm không quên hai chữ này.

/ 100