/ 149
63

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Thời gian: 16/03/2001

Giảng tại: Tịnh tông Học hội Singapore

Tập 126

 

Chư vị đồng học, chào mọi người! Mời mở Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo, trang mười sáu, hàng thứ hai từ dưới lên: “Giác chi trang nghiêm nên thường khéo giác ngộ tất cả các pháp.” Câu này là tổng thuyết, vô cùng quan trọng, chúng ta nhất định phải ghi nhớ kỹ. Phàm phu sở dĩ không thể làm thánh, then chốt chính là ở không giác. Pháp thế xuất thế gian, thực ra mà nói chính là giác và mê; giác ngộ rồi thì chính là pháp xuất thế gian, mê rồi thì chính là pháp thế gian. Cho nên, giác thì gọi là Phật, gọi là Bồ-tát, mê thì chính là phàm phu, then chốt chính là chỗ này. Ở đây dạy chúng ta, “thường” là thường hằng, là vĩnh hằng; “khéo giác ngộ”, chữ “khéo” này là then chốt, thực hiện được chữ “khéo” này chính là thất giác chi mà ở đây nói, nói ra bảy điều cương lĩnh cho chúng ta, chúng ta dùng nguyên tắc này để giác ngộ tất cả các pháp. Hôm nay, chúng ta xem điều thứ tư là “hỷ giác chi”, “khi tâm được pháp hỷ thì khéo có thể biết rõ, không theo các pháp điên đảo mà sinh ra vui mừng”.

Trong Phật pháp, pháp thế gian, các tôn giáo khác đều không ngoại lệ, đó chính là trong quá trình tu học không có được pháp hỷ. Hôm qua, tôi giảng kinh Mân Côi ở trường học của Thiên Chúa giáo, nữ tu nói với tôi, hiện tại tín đồ không có lòng nhẫn nại để nghe giảng đạo, nếu như giảng một khoa mục quá dài, mọi người sẽ chán ngán, không chịu đến nghe. Hôm qua tôi nói với cô: “Đoạn thứ mười lăm của kinh Mân Côi, nếu muốn giảng tỉ mỉ thì mỗi một đoạn phải giảng hai tiếng đồng hồ; hay nói cách khác, tốt nhất là có được mười lăm buổi giảng, mỗi buổi là hai tiếng đồng hồ thì sẽ giảng được rất có đạo vị.” Cô vừa nghe nói mười lăm buổi, cô nói: “Dài quá, e rằng không có người đến nghe.” Tôi liền nói với cô, chúng tôi hiện nay đang giảng kinh Hoa Nghiêm. Cô hỏi: “Phải dùng bao nhiêu thời gian?” “Đại khái phải 20 năm”, tôi nói: “Thính chúng đều muốn đến nghe, đều không muốn đi.” Vấn đề là ở chỗ nào? Bạn thật sự giúp người giác ngộ, họ hằng ngày nghe, nghe đến pháp hỷ sung mãn, vậy thì vấn đề này giải quyết rồi. Mỗi ngày đến nghe, nghe rồi đều không hoan hỷ thì họ làm sao mà đến cho được? Đương nhiên họ sẽ không đến.

Do đây có thể biết, làm thế nào có thể giảng kinh hay, giảng khiến mọi người sanh tâm hoan hỷ? Trước tiên, bạn chính mình phải khế nhập cảnh giới. Bạn không vào được cảnh giới, chính bạn không có pháp hỷ, vậy thì làm sao có thể chia sẻ pháp hỷ cho người khác được? Cho nên, chính mình nhất định phải vào được cảnh giới, việc này là quan trọng! Hơn nữa, tầm nhìn phải rộng, tâm lượng phải lớn, bạn mới được pháp hỷ; tâm lượng của bạn nhỏ, tầm nhìn ngắn cạn, vậy làm sao bạn có thể được pháp hỷ? Hằng ngày đang sanh phiền não! Cho nên, chúng ta không hạn cuộc ở một đạo tràng, không phải hạn cuộc ở Phật giáo, tất cả các tôn giáo khác nhau trên thế gian, chúng ta đều phải xem qua, tất cả văn hoá của các chủng tộc khác nhau, chúng ta phải hiểu được.

Như vậy đồng học sẽ hỏi: “Vậy có phải là tạp tu không?” Không phải, vẫn là nhất môn thâm nhập; nếu không thể nhất môn thâm nhập thì bạn không thể đắc định, bạn không có được tuệ. Cho nên, hiện tại mọi người cùng tôi tham dự rất nhiều hoạt động của các chủng tộc tôn giáo, các vị hãy tùy hỷ, đừng lãng phí quá nhiều thời gian và tinh lực vào việc này, như vậy thì bạn thật sự biến thành tạp tu rồi. Hãy tùy hỷ, xem nhiều, hiểu nhiều thì có chỗ tốt. Tốt chỗ nào? Mở rộng tâm lượng, mở rộng tầm mắt, có được chỗ tốt này. Đến khi nào mới dụng tâm học tập [thứ khác]? Khi chính mình có định, có tuệ, khai trí tuệ rồi, khi đó xem qua tất cả các kinh giáo khác, hoặc là kinh điển của Phật pháp thì đều không phí công phu. Trong truyện ký, chúng ta thấy Bồ-tát Long Thọ, ngài đem tất cả kinh của Đại tạng kinh mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói trong 49 năm, ngài đã dùng bao nhiêu thời gian để học vậy? Trong truyện ký nói với chúng ta là ngài dùng ba tháng để học tất cả kinh giáo mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói trong 49 năm, trong ba tháng thì ngài thông đạt hết.

Ngày hôm qua tôi chuẩn bị kinh Mân Côi, các vị thấy tôi đã viết ba tờ giảng nghĩa, tôi đã dùng sáu tiếng đồng hồ để viết ra, nếu tôi giảng cho họ thì có thể giảng ba mươi tiếng đồng hồ. Năng lực này từ đâu mà có? Năng lực này là do ngày trước tôi học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam mười năm ở Đài Trung, mười năm đó là nhất môn thâm nhập. Giáo học của nhất môn thâm nhập là hoàn thành tam học giới định tuệ trong một lần. Cho nên rễ phải sâu, rễ không sâu thì làm sao được? Nếu không từ chỗ này mà cắm rễ thì đạo đức, học vấn của chúng ta rất khó thành tựu, mọi người cùng nhau tu học đều là học ở ngoài da mà thôi. Ngoài da thì không hữu dụng, phải chân thật khai trí tuệ mới được; chân thật khai trí tuệ rồi, bạn vừa tiếp xúc liền thông đạt, không có bất kỳ chướng ngại nào. Tất cả pháp thế xuất thế gian trước giờ chưa từng tiếp xúc qua, khi vừa tiếp xúc liền thông đạt, vậy mới có thể giải quyết vấn đề. Thế nên, bạn mới có thể được pháp hỷ sung mãn, từ đây vĩnh viễn đoạn hết ưu bi khổ não.

/ 149