/ 22
33

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 15 Tháng 1 Năm 2010

Tập 22

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời ngồi. Xin xem đoạn thứ nhất trong kinh Vô Lượng Thọ Tinh Hoa.

Kinh văn: “Tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức, cụ túc vô lượng hạnh nguyện, an trụ nhất thiết công đức pháp trung”.

“Vô lượng hạnh nguyện” chính là đức hạnh của Phổ Hiền Đại Sĩ, cũng tức là Phổ Hiền Thập Đại Nguyện Vương, chúng tôi đã giảng xong vô lượng hạnh nguyện rồi. Hôm nay chúng ta xem một câu sau cùng: “An trụ nhất thiết công đức pháp trung”, nhất thiết công đức pháp chính là Nam Mô A Di Đà Phật. Vào thời đại Tùy Đường, chư cổ đại đức đã từng đem tất cả pháp của đức Thế Tôn đã nói bốn mươi chín năm, làm một cuộc so sánh. Đức Phật đã nói tất cả pháp bốn mươi chín năm, vậy pháp môn nào là đệ nhất? Kết quả mọi người đều công nhận kinh Hoa Nghiêm là đệ nhất, cho nên gọi kinh Hoa Nghiêm là vua trong các kinh, là căn bản pháp luân. Kinh Hoa Nghiêm mà so sánh với kinh Vô Lượng Thọ thì kinh Vô Lượng Thọ là đệ nhất, tại vì sao? Vì kinh Hoa Nghiêm đến sau cùng, Phổ Hiền Bồ Tát dùng Thập Đại Nguyện Vương dẫn về Cực Lạc, thì kinh Hoa Nghiêm mới được viên mãn. Mà trong kinh Vô Lượng Thọ, từ đầu đến cuối đều là nói Tây Phương Cực Lạc thế giới, cho nên kinh Vô Lượng Thọ là nơi trở về của kinh Hoa Nghiêm, là tổng kết luận của tất cả kinh, là đệ nhất trong đệ nhất.

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư đem kinh Vô Lượng Thọ chia làm bốn mươi tám phẩm, vậy phẩm nào là đệ nhất trong bốn mươi tám phẩm? Chúng ta lại tiếp tục tìm xem, đương nhiên là phẩm thứ sáu; phẩm thứ sáu là nói bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật. Mà trong bản hội tập, thì chương là hai mươi bốn nguyện, còn mục là bốn mươi tám nguyện, đây là đem năm loại bản dịch gốc khác nhau hội tập thành một bản hoàn hảo. Bốn mươi tám nguyện là A Di Đà Phật tự mình phát nguyện, Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài vì chúng ta chuyển thuật, đây là một phẩm quan trọng nhất của toàn bộ kinh. Bốn mươi tám nguyện có bốn mươi tám điều, vậy điều nào là đệ nhất? Cổ nhân có nói, nguyện thứ mười tám là đệ nhất, vì sao nói nguyện thứ mười tám là đệ nhất? Trong nguyện thứ mười tám nói, người lúc sắp mạng chung, mười niệm vãng sanh; mười niệm này phù hợp với tiêu chuẩn tu học của Tịnh Tông, đó là Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy: “Điều nhiếp lục căn, tịnh niệm liên tục”, lúc lâm chung mà buông bỏ được vạn duyên, chính là “điều nhiếp lục căn”. Niệm câu Phật hiệu này, niệm bốn chữ cũng được, niệm sáu chữ cũng được; một câu tiếp một câu, niệm mười câu liên lục thì gọi là “tịnh niệm liên tục”. Lúc đó chẳng có hoài nghi, chẳng có xen tạp, mười niệm này phù hợp với tiêu chuẩn của Đại Thế Chí đã dạy, gọi là “thập niệm tất sanh”! Đây tức là nói rõ công đức danh hiệu chẳng thể nghĩ bàn, cho nên câu danh hiệu này chính là tất cả pháp công đức, chúng ta phải biết rõ câu này.

Một người sắp lâm chung muốn cầu vãng sanh, nhưng họ suốt đời không niệm A Di Đà Phật, lúc họ lâm chung gặp được thiện tri thức khuyên dạy họ niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Họ vừa nghe được thì tin liền, thì họ liền phát nguyện, thì họ thật sự niệm Phật, cho nên họ niệm mười niệm thì được vãng sanh, họ để lại thoại tướng rất tốt đẹp. Chúng ta thấy họ niệm Phật được vãng sanh, sao mà dễ dàng như vậy? Thế nhưng, chúng ta phải bình tỉnh mà suy nghĩ, chúng ta có đủ điều kiện như họ hay không? Vì họ đã hội đủ điều kiện. Thứ nhất là lúc lâm chung, thần trí của họ tỉnh táo, đây là điều kiện đầu tiên. Nếu lúc họ lâm chung mà mê man, cũng có nhiều người lúc lâm chung, chúng tôi cũng nhìn thấy, lúc họ lâm chung, thân nhân quyến thuộc của họ đến thăm, họ cũng chẳng nhận ra; bạn bè đến thăm, họ cũng chẳng biết là ai, họ lắc đầu, cho nên họ không được vãng sanh. Người già lúc sắp lâm chung, họ thường bị chứng bệnh mất trí, hễ mà có hiện tượng này thì không được vãng sanh, dù có hộ niệm cũng chẳng được vãng sanh, vậy có cần hộ niệm hay không? Có hộ niệm thì tốt hơn không hộ niệm. Tuy họ chẳng được vãng sanh nhưng cũng giúp cho họ giảm bớt sự đau khổ, cũng tránh khỏi đọa vào ác đạo, cho nên hộ niệm rất có lợi ích.

Phải nhớ kỹ, lúc bình thường chúng ta niệm Phật, một nguyện này rất là quan trọng. Tại trong hai phẩm Tam Bối Vãng Sanh và Vãng Sanh Chánh Nhân, Phật có nói rất rõ ràng: “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”. Trước câu “nhất hướng chuyên niệm” còn có một câu phải “phát Bồ Đề tâm”, nếu không phát Bồ Đề tâm thì không được vãng sanh. Chúng ta thấy có người lúc lâm chung, họ nghe được câu Phật hiệu này thì tin liền, thì họ phát nguyện vãng sanh, nhưng họ chẳng phát Bồ Đề tâm, mà tại sao họ cũng được vãng sanh? Thì đại sư Ngẫu Ích, tại trong kinh A Di Đà Yếu Giải có nói, Ngài vì chúng ta phá trừ cái nghi hoặc này, Ngài có nói, tin sâu, nguyện thiết chính là vô thượng Bồ Đề tâm. Từ xưa đến nay, chẳng có ai nói qua câu này, là người đầu tiên nói câu này là đại sư Ngẫu Ích. Cho nên đại sư Ấn Quang đọc trong kinh A Di Đà Yếu Giải, Ngài vô cùng tán thán, Ngài nói: “Cho dù là cổ Phật tái lai, có làm chú giải được kinh A Di Đà, cũng không thể hay hơn bộ yếu giải này”, đây là Ngài tán thán đến chỗ cùng tột.

/ 22