/ 22
32

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 11 Tháng 1 Năm 2010

Tập 18

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời ngồi. Hôm nay chúng ta tiếp tục xem điều sau cùng trong năm điều sám hối: “Tin sâu nhân quả, biết Phật bất diệt, sở tác là nhân, cảm báo là quả. Nếu tin nhân quả có thật thì không tạo tác tội nghiệp, nếu biết Pháp Thân thường trụ, thì không có ý kiến đoạn diệt, đây tức là sám hối”. Trong đoạn kinh văn này nói được rất hay. Đạo lý của nhân quả rất sâu, sự tướng của nhân quả cũng rất rõ rệt, chỉ cần chúng ta chú tâm mà quan sát thì quý vị có thể hiểu rõ thiện nhân, thiện quả và ác nhân, ác báo. Câu “biết Phật bất diệt” là Phật nói tự tánh, ở Trung Hoa, vào đời nhà Đường, đại sư lục tổ Huệ Năng của Thiền Tông, lúc Ngài minh tâm kiến tánh, Ngài nói ra chỗ ngộ với ngũ tổ Hoằng Nhẫn, Ngài nói rõ sự kiến tánh của mình. Tánh là bổn tánh, trong Phật pháp thì gọi là Phật tánh, cũng gọi là Pháp tánh, như Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài nói việc này, đã dùng mấy chục cái danh từ, hàm nghĩa bên trong rất sâu. Nói tóm lại, Ngài dạy cho chúng ta không nên chấp vào tướng danh tự, khi đã biết rõ việc này thì được rồi, nếu mà còn phân biệt, chấp trước, thì sai rồi.

Tự tánh cũng là chân tâm, tức là trong Thiền Tông có nói: “Bổn lai diện mục khi cha mẹ chưa sanh”, bổn lai diện mục là thật sự của mình, Phật pháp nói kiến tánh, là tự trong tự tánh hiện ra Tứ Tịnh Đức. Tứ Tịnh Đức là trong tự tánh vốn có đủ, chính là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Bốn chữ này là chân thật, chẳng hư dối, nhưng nếu chưa kiến tánh, chẳng những trong lục đạo, cho dù trong thập pháp giới thì bốn chữ này là hữu danh vô thực. Nhưng khi đã kiến tánh thì có đủ Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Thường là gì? Thường là vĩnh hằng, bất diệt, tức là chỗ này nói “biết Phật bất diệt”, còn đại sư Huệ Năng thì nói “hà kỳ tự tánh”, tức là không ngờ tự tánh vốn không sanh diệt, vốn không có sanh diệt. Lục đạo chúng sanh, người nào mà chẳng sợ chết? Khi nói đến chết, chẳng ai mà không sợ chết, còn người đã kiến tánh, họ biết không có sanh diệt. Sanh diệt là gì? Sanh diệt là cái hình tướng này, thân thể là cái hình tướng này, cái hình tướng này không phải ta. Trong kinh Kim Cang, Phật nói rất hay “phàm có hình tướng, giai thị hư vọng”, đây là thật, chẳng phải giả. Người thế gian chúng ta thường nói thân thể có sanh diệt, nhưng linh hồn không diệt, người thế gian nói linh hồn, thế nhưng Khổng lão phu tử không nói linh hồn. Khổng lão phu tử cao minh hơn người thế gian, tại vì sao? Vì hồn đó không linh, nếu hồn mà linh thì tốt, nhưng nó chẳng linh, nó hồ đồ, cho nên nó mới ở trong lục đạo đọa vào súc sanh, đọa vào ngạ quỷ. Nếu nó linh thì nó làm sao lại biến thành súc sanh, làm sao lại biến thành ngạ quỷ? Nếu là linh, khi đến nhân gian nhất định chọn nhà giàu sang mà đầu thai, chẳng bao giờ chọn nhà nghèo nàn, vì nó chẳng linh, nó hồ đồ.

Cho nên Khổng lão phu tử nói rất hay, Ngài nói du hồn, Du là gì? Du là tốc độ của nó rất nhanh, nó không đứng yên, đó là sự thật, Ngài đã nói rõ hình tướng của nó. Trong Dịch Kinh Hệ Từ Truyện, Khổng lão phu tử có viết hai câu: “Du hồn vi biến, tinh khí vi vật”, vật chất từ đâu mà có, Ngài cũng nói ra, nói được rất có lý, tinh khí vi vật. Tinh khí tức là ngày nay chúng ta nói năng lượng, năng lượng biến thành vật chất; vật chất có thể biến thành năng lượng. Các nhà khoa học hiện nay mới phát hiện, mà Khổng lão phu tử cũng đã từng nói như vậy, chúng ta không nên coi thường ngài Khổng Tử. Trong tâm của người học Phật chúng ta, ngài Khổng Tử nhất định cũng là Phật, Bồ Tát ứng hóa, nếu không thì Ngài làm sao nói ra những lời này? Ngài Khổng Tử xuất hiện ở Trung Hoa, đây là Phật, Bồ Tát, trong giáo pháp Đại Thừa thường nói, nên dùng thân gì được độ thoát thì hiện thân đó. Người dân trong nước này, thiện căn rất sâu dày, biết tôn trọng thánh hiền, biết tôn trọng cha mẹ, cho nên Phật, Bồ Tát dùng thân thánh hiền xuất hiện trong nước này để giáo hóa người dân, rất là có lý, cũng giống như trong phẩm Phổ Môn có nói, rất tương ứng với ba mươi hai ứng thân.

Trong giáo pháp Đại Thừa không nói linh hồn, cũng không nói du hồn mà gọi là linh tánh, linh tánh không diệt, linh hồn thì có diệt. Trong kinh Phật nói, sanh tử có hai thứ, một là “sanh đoạn sanh tử”, đây là nói vật chất; vật chất có sanh diệt, từng đoạn từng đoạn một, nói được rất đúng. Cái gì là từng đoạn một? Một niệm tức là từng đoạn một. Quý vị chú tâm mà xem, như chúng ta xem điện ảnh, như cuộn phim của điện ảnh, trong cuộn phim có hình ảnh, từng ô từng ô một, mỗi một ô cũng khác nhau, chẳng có hai tấm hình giống nhau. Ống kính vừa mở ra thì chiếu một tấm, đây là sanh, ống kính vừa đóng lại, đổi tấm khác thì nó diệt, mỗi tấm đều có sanh diệt. Chỉ là tốc độ của nó quá mau, trong một giây ống kính mở đóng hai mươi bốn lần, cũng tức là đã chiếu hai mươi bốn tấm phim ảnh. Chúng ta xem trên màn bạc, hình như là liên tục, thật ra không phải, là từng tấm từng tấm một. Đặc biệt rõ ràng nhất là hiện nay chúng ta xem phim hoạt họa, quý vị vừa xem thì hiểu được, thì ra là họa từng tấm từng tấm một, chẳng có hai tấm giống nhau, đây gọi là gì? Là phân đoạn sanh diệt. Nói sanh diệt thì mọi người dễ hiểu, thật ra sanh diệt và sanh tử là một ý nghĩa, đây là phân đoạn sanh diệt.

/ 22