/ 22
30

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm

Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh Tinh Hoa

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: Giảng Đường Hoa Nghiêm Malaysia

Thời gian: Ngày 8 Tháng 1 Năm 2010

Tập 15

Kính thưa chư vị pháp sư, chư vị đồng tu, xin mời ngồi. Xin xem tiếp phần đức hạnh của Phổ Hiền Đại Sĩ.

- Nguyện thứ ba là “Rộng tu cúng dường”. Có nghĩa là nói, chư Phật Như Lai là phước điền thù thắng nhất, phải nên khởi chánh tín, dùng những “thượng diệu pháp tài” như là tràng hoa, hương hoa, tài vật, thù thắng nhất và cố gắng tu thiện căn Bồ Đề diệu pháp. Thảy đều vô lượng để dùng cúng dường, gọi là rộng tu cúng dường. Đối với Bồ Tát là cúng dường, còn đối với chúng sanh gọi là bố thí, bố thí có bố thí Tài, bố thí Pháp và bố thí Vô Úy. Chúng ta đối chư Phật Như Lai, đối với cha mẹ, sư trưởng, gọi là cúng dường. Bố thí và cúng dường, Sự là như nhau nhưng cái tâm đó thì khác nhau, nhất là tâm của Phổ Hiền Bồ Tát, trong phần trước đã có nói với quý vị. Quý vị phải nhớ kỹ hàm nghĩa đức hiệu của Phổ Hiền Bồ Tát, là Đức khắp pháp giới gọi là Phổ, Điều - Nhu - Thiện - Thuận là Hiền, dùng cái tâm này để rộng tu cúng dường, đây là hạnh Phổ Hiền. Hạnh Phổ Hiền là tâm bình đẳng, trên đối với chư Phật Như Lai, dưới đối với tất cả chúng sanh, không gọi là bố thí mà đều gọi là cúng dường. Do đây mới biết vì sao trong kinh Đại Thừa nói, Bồ Tát không tu hạnh Phổ Hiền sẽ chẳng thể viên thành Phật đạo, chúng ta đã hiểu rõ cái ý nghĩa này.

Bởi vì Bồ Tát còn có phân biệt, dùng bố thí và cúng dường, đó là phân biệt, mà hạnh Phổ Hiền thì chẳng có phân biệt. Vì sao phải tu bố thí, tu cúng dường? Trong Phật giáo có một câu nói là “Phước Huệ song tu”, cũng còn gọi là “Chưa chuyển pháp luân, trước chuyển thực luân”, Chúng ta hãy xem pháp thế gian rồi lại nghĩ đến pháp xuất thế gian, nếu như không có phước thì chẳng thể thành tựu, cho nên con người chẳng thể không có phước báo. Phước báo của chư Phật Như Lai là viên mãn, cho nên trong kinh gọi phước báo của chư Phật là phước điền thù thắng nhất. Chúng ta không có phước thì phải trồng phước, tu phước chính là trồng phước, giống như trồng ngũ cốc, lương thực vậy. Chúng ta gắng sức trồng trọt mới có thu hoạch, trồng trọt là nhân, thu hoạch là quả, chẳng những Phật tại trong kinh chỉ dạy cho chúng ta, mà thánh hiền thế gian cũng chỉ dạy cho chúng ta như vậy.

Nói đến phước báo, phước thứ nhất là tài phú, tài phú từ đâu mà có? Trong kinh Đại Thừa có nói, là từ trong tự tánh vốn có. Tánh là gì? Như đại sư Huệ Năng, lúc Ngài minh tâm kiến tánh đã có nói ra năm câu, câu thứ nhất là “Nào ngờ tự tánh, vốn tự thanh tịnh”, câu thứ hai là “Nào ngờ tự tánh, vốn không sanh diệt”, tự tánh không có sanh diệt, tự tánh là thanh tịnh, mãi mãi chẳng bao giờ bị nhiễm ô, vốn không sanh diệt. Câu thứ ba là “Nào ngờ tự tánh, vốn tự đầy đủ”, câu này chính là Phật tại trong kinh Hoa Nghiêm có nói: “Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng của Như Lai”, cho nên chúng sanh và Phật là bình đẳng, là trong tự tánh vốn có đầy đủ, đầy đủ đức năng, đầy đủ trí tuệ. Cái thứ nhất là trí tuệ, vô lượng trí tuệ, cái thứ hai là đức năng tức năng lực, nay chúng ta nói năng lực tức là đức năng, cái thứ ba là tướng hảo, trong tướng hảo là nói tài phú và thọ mạng. Thọ mạng cũng thuộc về đức năng, vô lượng thọ là đức năng, tướng hảo trang nghiêm là phước báo. Trong kinh hình dung báo thân của Như Lai, thân có vô lượng tướng, tướng có vô lượng hảo, chẳng phải chỉ có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp là người của địa cầu chúng ta, tướng mạo tốt nhất là ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Tuy chúng ta vốn có trí tuệ, đức năng, tướng hảo nhưng chúng ta đã mê mất tự tánh cho nên tánh đức vốn có của chúng ta, mà nay chúng ta chẳng hưởng thụ được.

Tự tánh vốn không sanh diệt nhưng nay thân thể này của chúng ta có sanh, già, bệnh, chết, thật sự có lục đạo luân hồi, có thập pháp giới y chánh trang nghiêm, đấy thảy đều chẳng phải tự tánh. Đến khi nào chúng ta kiến tánh có thể thoát khỏi lục đạo, thoát khỏi thập pháp giới, đến lúc đó chúng ta cùng với đại sư Huệ Năng là tương đồng, cũng tức là nói hoàn toàn như nhau. Đại sư Huệ Năng đã chứng được cảnh giới đó cùng với mười phương tất cả chư Phật là bình đẳng, minh tâm kiến tánh mới bình đẳng, mê mất tâm tánh là không bình đẳng. Tánh đức vốn có không thể khởi tác dụng, vậy phải làm sao đây? Vậy phải nhờ vào tu đức. Cũng như trong nhà quý vị có ức vạn tài sản, nếu quý vị ở trong nhà có thể hưởng thụ chẳng hết, nhưng nay quý vị đang lưu lạc ở phương khác, không nơi nương tựa, ba bữa cơm cũng thành vấn đề, phải làm sao đây? Thì quý vị phải đi làm công, quý vị không đi làm thì chẳng có cơm ăn, tức là quý vị đã rời khỏi quê hương, lưu lạc trong thập pháp giới, lưu lạc trong lục đạo, quý vị không đi làm không được, cho nên đi làm công tức là tu đức. Quý vị phải tu trí tuệ, phải tu tài phú, phải tu khỏe mạnh sống lâu, quý vị phải tu ba thứ này. Phật dạy cho quý vị tu, tu như thế nào? Phật dạy bố thí, cúng dường, quý vị phải học tu bố thí, cúng dường. Bố thí Tài thì được giàu có, cúng dường tài thì được càng giàu có, tại vì sao? Vì tâm của quý vị chân thành, quý vị được tài phú còn nhiều hơn bố thí. Bố thí Pháp thì được thông minh trí tuệ, bố thí Vô Úy thì được khỏe mạnh sống lâu, quý vị phải thật làm mới được, không làm thì không được. Cho nên Phật tại trong kinh có dạy, bất luận tu học pháp Đại Thừa hay Tiểu Thừa, có thể nói là thời thời khắc khắc nhắc nhở cho chúng ta, khuyên dạy chúng ta phải Phước Tuệ song tu.

/ 22