/ 10
37

PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN

PHẨM THỨ 6 KINH VÔ LƯỢNG THỌ

TẬP 10

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: tại Nhật Bản.

Thời gian: ngày 17 tháng 5 năm 2015

(Tại Nhật Bản, Lão Pháp Sư Tịnh Không giảng phẩm thứ 6 này gồm có 10 tập.)

 

Chư vị Pháp sư, các vị đồng học!

Mời xem hàng thứ hai, trang 65 của bổn kinh. Đây là Chương 23 trong hai mươi bốn chương Lúc con thành Phật, các hàng Bồ Tát trong các cõi nước mười phương nghe danh hiệu con ắt đều đạt được thanh tịnh, giải thoát, phổ đẳng tam muội, các tổng trì sâu, trụ tam ma địa, cho đến thành Phật. Trong định thường cúng dường vô lượng vô biên hết thảy chư Phật, mà vẫn không mất định ý. Nếu chẳng được như vậy, thề không thành Chánh Giác. Đây là nguyện 44 “Phổ đẳng tam muội” và nguyện 45 “Trong định cúng Phật”.

Chúng ta xem chú giải: “Ở chỗ này nói là “các hàng Bồ Tát”, cứ lấy Bồ Tát của Viên giáo mà luận, từ Sơ tín đến địa vị Đẳng giác, có 51 cấp bậc, tất cả đều hàm chứa trong câu này. Bốn chữ: “Chư chúng Bồ Tát”, ý là nói đến địa vị Bồ Tát, từ Sơ tín cho đến Đẳng giác trong Kinh Hoa Nghiêm, cả thảy 51 vị thứ đều ở trong này. Các Ngài có duyên nghe được danh hiệu A Di Đà Phật, nghe được danh hiệu liền được A Di Đà Phật gia trì. Gia trì ở những mảng nào? Chỗ này nói ra 6 loại: thứ nhất là thanh tịnh; thứ hai là giải thoát; thứ ba là phổ đẳng tam muội; thứ tư là các tổng trì sâu; thứ năm là trụ tam ma địa; thứ sáu là thành Phật. Ở đây một lần nữa lại hiển thị, công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn. Cái danh hiệu này, chính là bốn chữ “A Di Đà Phật”.

Trước đó đã có giới thiệu qua với các vị, 48 nguyện này, chính là để nói rõ công đức của câu Phật hiệu. Còn để nói tỉ mỉ hơn thì chính là bộ Kinh, đầy đủ của nó là “Phật thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”. Nếu nói cho cặn kẽ hơn nữa, thì chính là bộ “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”. Có thể nói “Hoa Nghiêm” là nói cặn kẽ cho Kinh Vô Lượng Thọ, giải thích một cách tỉ mỉ chi tiết, nói rộng hơn nữa thì chính là tất cả kinh điển mà Thích Ca Mâu Ni Phật, khi đó còn tại thế đã giảng suốt 49 năm. Chúng ta có thể có cách nhìn như vậy, mới dần dần có được một khái niệm đối với công đức câu Phật hiệu này. Quả thật công đức, dù có nói mãi nói cũng không hết. Đến cả chư Phật Bồ Tát cũng không nói trọn nổi, huống hồ là kẻ phàm phu như chúng ta. Quan trọng nhất là phải tin, chân thật tin tưởng.

Số Bồ Tát này, họ có duyên nghe được danh hiệu A Di Đà Phật “ắt đều đạt được”, tức là “lập tức có được thanh tịnh”. Thanh tịnh như thế nào vậy? Nghĩa là họ đã minh bạch, đã giác ngộ, đã nhìn thấu mọi việc cả rồi. Liễu giải được thật tướng các pháp của vũ trụ - đó là nhìn thấu; “giải thoát”- đây là buông xả, đắc được tự tại, khi đó họ có thể có được sự thọ dụng của hết thảy pháp thế xuất thế gian - nhưng không được để nó vào trong tâm. Sai lầm của chúng ta, chính ngay chỗ chúng ta lại đem mọi thứ để vào trong tâm. Sở dĩ Phật Bồ Tát cao minh, ở chỗ các Ngài không để trong tâm. Nên thọ dụng mà các Ngài có được rất tự tại, thọ dụng của chúng ta thì không được thoải mái tự tại như các Ngài.

“Phổ đẳng tam muội”, chính là bình đẳng giác. Chữ “đẳng” trong kinh Phật, hơn một nửa đều mang ý nghĩa là bình đẳng. Phổ đẳng tức là tất cả đều bình đẳng. Chúng ta bình đẳng với tất cả mọi người; bình đẳng với tất cả mọi động vật; với tất cả thực vật; bình đẳng với sơn hà đại địa, cây cối hoa cỏ. Thảy đều ngang hàng nhau, đó gọi là phổ đẳng. Tại sao lại bình đẳng vậy? Bởi vì các pháp này, toàn là do tự tánh biến hiện ra. Chúng ta đọc qua “Lục Tổ Đàn Kinh”, khi Lục Tổ Đại Sư khai ngộ, câu sau cùng nói rằng: “Nào ngờ tự tánh, năng sanh vạn pháp”. Nào ngờ nghĩa là không hề nghĩ đến, tự tánh là chân tâm của chúng ta. Toàn thể vũ trụ do đâu mà hình thành vậy? Là do chân tâm chúng ta sinh ra, từ chân tâm biến hiện ra. Vì thế, chân tâm mới là chủ sáng tạo thật sự.

Trong các tôn giáo thông thường khác, đều nói do Thần thánh tạo nên cái vũ trụ này, đó là người tạo nên tất cả vạn vật. Trong Phật Pháp thì nói là tự tánh, tự tánh có thể sanh hết thảy vạn pháp. Vậy thì tất cả vạn pháp chính là tự tánh, tự tánh chính là hết thảy vạn pháp, nên là một thể. Toàn bộ vũ trụ với chúng ta là một thể, một thể thì làm sao có chuyện không tôn kính được?! Đã là một thể, đương nhiên là bình đẳng rồi, không có cao thấp. Bởi vậy trong Phật Pháp, chữ “đẳng” này được sử dụng rất nhiều; đều là từ đây mà ra. Thật sự là bình đẳng.

/ 10