/ 10
77

PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN

PHẨM THỨ 6 KINH VÔ LƯỢNG THỌ

TẬP 1

Chủ giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Địa điểm: tại Nhật Bản.

Thời gian: ngày 05 tháng 5 năm 2015

(Tại Nhật Bản, Lão Pháp Sư Tịnh Không giảng phẩm thứ 6 này gồm có 10 tập.)

 

Trung Tây pháp sư tôn kính, chư vị pháp sư, chư vị đại đức, chư vị đồng học tôn kính. Xin chào mọi người!

Hôm nay, tôi đến Nhật Bản do được Cựu Thủ Tướng hai lần khởi thỉnh, một phần là do ông Hatoyama  hai lần mời tôi, một phần cũng là vì đồng học Tịnh Tông ở Tokyo, đặc biệt là Tịnh Tông học hội Thái Hoà, nên tôi đặc biệt dành chút thời gian đến bên này cùng các đồng học đàm luận Phật Pháp.

Phật pháp phải nói bắt đầu từ đâu đây? Về mặt thời gian lần này chúng ta có 20 giờ đồng hồ. Lúc nãy tôi có nhìn thấy tiêu đề được chạy trên màn hình ghi là “lần thứ 2”, lần thứ nhất chính là chúng ta ở Đài Loan giảng hết 10 giờ đồng hồ, lần này có 20 giờ, có thể nói càng tỉ mỉ hơn một chút. Phần giảng nghĩa này là do thuở đầu tôi giảng bên Mỹ, có lịch sử hẳn hoi, lần này được mời sang đây tôi suy nghĩ chúng ta sẽ nói gì đây? Vẫn là nói đến sự thù thắng bậc nhất trong Phật Pháp, bàn về bộ kinh mang lợi ích chân thật cho chúng ta. Những kinh điển khác bàn về Phật học, nói đến thường thức, muốn được lợi ích thật sự là điều rất khó. Lợi ích chân thật nghĩa là phải giúp chúng ta lìa cứu cánh khổ, đắc cứu cánh lạc, hy vọng đồng học hãy ghi nhớ câu nói này.

Nếu có người hỏi bạn Phật pháp là gì? Học Phật có lợi ích gì? Bạn có thể nói với họ lợi ích của việc học Phật là có thể dạy chúng ta lìa khổ được vui, lìa hết thảy khổ, đạt được niềm vui rốt ráo.

“Khổ”, nếu không thoát khỏi sáu nẻo luân hồi, khổ là điều không thể tránh khỏi, nhất định phải lìa sáu nẻo luân hồi, mới chân thật lìa khổ. Nếu như không đến thế giới Cực Lạc, niềm vui có được không phải vĩnh hằng, vãng sanh đến Thế Giới Cực Lạc, chữ “Lạc” này là mãi mãi, niềm vui vĩnh viễn không bao giờ có khổ, điều này mới chân thật gọi là lìa khổ được vui.

Phật năm đó ra đời ở Ấn Độ, theo như ghi chép của tổ sư đại đức Trung Quốc, đến năm nay là 3041 năm, người nước ngoài bảo là hơn 2500 năm. Như ghi chép của Trung Quốc vẫn có lý hơn, người Trung Quốc chú trọng lịch sử, theo như cách tính niên đại khi Phật Giáo vừa mới du nhập vào Trung Quốc là vào triều Hán. Lúc đó các vị pháp sư có suy luận ra, theo như cách ghi niên giáp của Trung Quốc, Phật xuất hiện tại thế gian là vào năm 24 Chu Chiêu Vương, (năm Giáp Dần), diệt độ vào thời Chu Mục Vương. Cho nên y theo niên đại được ghi chép chúng ta nhận thấy tương đối đáng tin. Chúng tôi tin tưởng cổ nhân Trung Quốc xem trọng lịch sử đã hơn ba ngàn năm rồi.

Phật giáo hiện nay, chúng ta thấy Trung Quốc đại lục các quan chức Bắc Kinh đã nói rõ : “Phật giáo không phải tôn giáo, không phải mê tín, đó là giáo dục”. Đây là chuyện tốt, khẳng định Phật giáo là giáo dục Phật Đà, giống như giáo dục Khổng Mạnh của Nho gia Trung Quốc. Theo đó người người đều nên phải học tập, bắt buộc phải học.

Phật giáo đối với chúng ta thật có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề, những vấn đề trước mắt của xã hội, từ sự tu dưỡng con người cho đến việc tề gia, gia đình hài hoà, công việc thuận lợi, xã hội an định, quốc gia giàu mạnh, thế giới hoà bình, đều có sự trợ giúp chân thật. Cho nên thứ này không thể không học. Người Trung Quốc gọi là Tôn giáo. Trong văn tự TrungQuốc, “Tôn giáo” ý nghĩa của hai chữ này vô cùng hay. Nếu chiếu theo ý nghĩa ngôn từ Trung Quốc để giảng giải vậy thì Nho, Thích, Đạo đều là tôn giáo.

Tôn có ba nghĩa: Thứ nhất là chủ yếu. Thứ hai là xem trọng. Thứ ba là tôn sùng. Đây là ba nghĩa.

Giáo cũng có ba nghĩa: là giáo dục, giáo học, với giáo hoá.

Hai chữ này khi liên kết với nhau sẽ là: chủ yếu là giáo dục, trọng yếu là giáo học, tôn sùng giáo hoá. Nếu chúng ta nói một cách rõ ràng minh bạch, phía trước thêm hai chữ nữa mọi người vừa nghe sẽ hiểu ngay:

-Tôn giáo là nền giáo dục chủ yếu của nhân loại.

-Tôn giáo là giáo học quan trọng của nhân loại.

-Tôn giáo là giáo hoá đáng được tôn sùng của nhân loại.

/ 10