/ 4
88

MẤY ĐIỆU SEN THANH

QUYỂN 4

(Trọn bộ 4 quyển)

Dịch giả: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

 

 

PHẦN BA

TỨ CHÚNG VÃNG SANH

(tiếp theo)

 

TẠ XUÂN HOA

Cư sĩ Tạ Xuân Hoa, người ở Tiền Đường tại Hàng Châu. Ông bẩm tánh hòa nhã chân thật, không ưa tranh chấp với người, thờ cha mẹ rất có hiếu, chưa từng làm cho song thân phật ý. Đối với những việc lành, ông cũng thường hết sức giúp đỡ, song chưa biết ăn chay niệm Phật.

Năm Quang Chữ thứ 10, Xuân Hoa bỗng mang bịnh cổ trướng, thuốc thang cầu đảo đều vô hiệu, chỉ nằm rên rỉ chờ mãn phần. Người em họ là cư sĩ Châu Kim Bá tu hành đã lâu, hiểu biết Phật pháp, một hôm nhân đến thăm, thấy thế bảo rằng: "Căn bịnh của anh, xét kỹ lại chính là túc nghiệp. Nếu không phát nguyện lớn, làm lành và sám hối niệm Phật, e khó tiêu trừ!". Xuân Hoa nghe nói chấp nhận, liền lập thệ trọn đời giới sát, phóng sanh và chí tâm niệm Phật. Châu cư sĩ hết lòng tán trợ, đến nhà dạy bảo cho cách thức tu hành, lại định hạn kỳ cùng với ông niệm Phật 49 ngày. Đêm hoàn mãn, Xuân Hoa mộng thấy một vị tăng đem trao cho hoàn thuốc bảo uống. Tỉnh giấc ông cảm thấy trong bụng sôi động, đi ngoài vài lần, thân liền an ổn, ba hôm sau bịnh lành hẳn.

Từ đó Xuân Hoa phát lòng tin sâu, khẩn thiết niệm Phật không xen hở. Những kỳ pháp hội, cư sĩ đều có dự vào. Đầu mùa hạ năm Quang Chữ thứ 15, Xuân Hoa cảm bịnh nhẹ, ăn uống kém dần, song niệm Phật càng tha thiết. Đến ngày 26 tháng 4, cư sĩ mộng thấy Tây Phương Tam Thánh, tỉnh giấc biết đó là triệu chứng vãng sanh. Lúc ấy, bịnh cũng đã thuyên giảm, ông đi từ giã khắp các bạn thân, bảo mình sắp sanh về Tịnh Độ. Xuân Hoa lại nói với cư sĩ Diêu Minh Trai rằng: "Ngày 28 tới đây tôi sẽ về Tây Phương, xin nhờ liên hữu đến trợ niệm!". Minh Trai bảo: "Ngày đó tôi có việc cần". Ông lại dời sang ngày 29, song Minh Trai cũng đáp chưa rảnh. Xuân Hoa lại nói: "Thế thì tôi nhất định ngày mùng 1 tháng 5 sẽ đi, anh có đến được chăng?". Minh Trai bảo: "Hôm ấy việc đã xong, tôi xin tới trợ niệm!".

Đến kỳ hạn, cư sĩ tắm gội thay y phục, ngồi ngay thẳng hướng về Tây, gọi con cái lại dặn rằng: "Các con nếu có hiếu tâm, hãy niệm Phật giúp cha, đừng nên thương khóc. Sau khi cha mãn phần, phải gắng làm người hoàn thiện, tinh tấn tu hành!". Kế tiếp các liên hữu đều hội lại, cùng nhau xưng hồng danh trợ niệm. Ước chừng nửa cây hương, Xuân Hoa chấp tay đưa lên cao tỏ dấu từ biệt, rồi để hai tay xuống ngang ngực, ngước mắt lên như nhìn thấy cảnh tượng chi. Giây phút, cư sĩ mỉm cười nhắm mắt mà đi thẳng. Lúc ấy mùi hương lạ bay khắp nhà, vài ngày sau vẫn chưa tan.

 

DIỆP TRÚC AM

Cư sĩ Diệp Trúc Am, người đời Thanh, quê ở huyện Dư Dao tỉnh Triết Giang. Thuở còn bé ông đã có bẩm tánh khác với trẻ thường, chưa từng nói lời thô ác và đùa cợt. Đến lúc vào trường học, hạnh kiểm lại đoan trang nghiêm cẩn còn hơn bậc thánh nhơn.

Lúc 18 tuổi, lên đại học đường, Trúc Am không thích tập nghề khoa cử, chỉ chuyên tâm nghiên cứu phần lý học, tìm hiểu thêm các kinh sách Phật giáo. Hiểu đến đâu ông cố gắng thực hành tới đó, chẳng ưa nói điều phù phiếm cao xa, cùng viết sách trứ thuật.

Đến khi cuộc loạn giặc tóc dài của nhóm Hồng Tú Toàn, Dương Tú Thanh nổi lên, khắp nơi biến diễn lắm cảnh thảm mắt đau lòng. Trúc Am mục kích hiện tượng ấy, bỗng suy nghĩ: "Kiếp vận giặc giã cướp phá, sự giết hại đói khổ tràn lan, không phải sức một người có thể cứu vãn. Tuy nhiên quyền sanh sát loài vật chỉ do nơi ta. Nếu ta biết giữ giới tu phước, tất sẽ nhờ biệt nghiệp của công đức lành, tránh khỏi ảnh hưởng cộng nghiệp!". Từ đó ông lập nguyện: ăn chay, giới sát, bố thí, phóng sanh, và hết sức làm các điều lành. Mặc cho bọn hủ nho dùng thuyết: tế lễ phải có rượu thịt để bài bác, và trong họ hàng người làng xóm chấp nê theo thông tục mà giải khuyên, ông vẫn không đổi ý chí. Tất cả cuộc tế lễ đãi khách, ông đều dùng toàn đồ chay, và lấy đó làm hiệu lịnh trong nhà.

Hơn 50 tuổi, Trúc Am mới biết quy hướng về Tịnh Độ. Mỗi buổi sáng, ông đều hướng về Tây đảnh lễ tụng trì, dù trải thời tiết nóng lạnh vẫn chuyên niệm Phật không trễ bỏ. Năm Mậu Tuất niên hiệu Quang Chữ, lúc được 69 tuổi, vào ngày mùng 1 tháng 3, Trúc Am bỗng vương bịnh. Tới nửa đêm ngày mùng 4, ông gọi con trai lớn là Diệp Bỉnh Quân lại bảo: "Nếu bịnh thế của cha không thuyên giảm, con nên đốc suất trong gia thuộc chí tâm niệm Phật để tống chung, chẳng nên lộ vẻ buồn rầu thương khóc. Điều này rất thiết yếu, con hãy ghi nhớ kỹ, nhược bằng trái lời tức là phạm lỗi không hiếu thuận!". Từ đó khi mê lúc tỉnh, ông thường niệm Phật rành rẽ rõ ràng. Vài hôm sau, tuy hơi sức kém yếu, tiếng niệm nhỏ lần, lời nói cũng đứt đoạn khó khăn, song câu Phật hiệu vẫn thông suốt. Bịnh kéo dài tới giờ Tuất ngày 13, ông mới quy Tây.

/ 4