/ 4
183

MẤY ĐIỆU SEN THANH

QUYỂN 1

(Trọn bộ 4 quyển)

Dịch giả: Hòa Thượng Thích Thiền Tâm

 

LỜI ĐẦU

 

Quyển này bút giả tuyển dịch từ nguyên bản TỊNH ĐỘ THÁNH HIỀN LỤC của Phật giáo Trung Hoa. Bộ Tịnh Độ Thánh Hiền Lục do cư sĩ Bành Tế Thanh cùng cháu là Hy Tốc, người đời Càn Long nhà Thanh sưu tập những truyện niệm Phật được vãng sanh soạn thành. Đến cuối đời Đạo Quang, Thanh triều, Liên Quy cư sĩ Hồ Đỉnh góp nhặt các chuyện vãng sanh tục biên thêm. Sang đời Trung Hoa Dân Quốc, Đức Sum pháp sư lại sưu tập những sự tích tu Tịnh Độ có ứng nghiệm bổ túc vào. Trước sau có tất cả được gần một ngàn truyện.

Thật ra, người tu Tịnh Độ vãng sanh rất nhiều, không phải chỉ có ngần ấy mà thôi. Nguyên do bởi những cổ thư về Tịnh Độ thất lạc, phần ký lục kém thiếu, ngày xưa sự lưu thông chưa thuận tiện, nên các chuyện niệm Phật vãng sanh không được truyền rộng và ghi chép đầy đủ. Thử nghĩ quang cảnh lúc ngài Thiện Đạo ở Trường An, ngài Thiếu Khang ở Tân Định, tiếng niệm Phật vang khắp các nẻo đường, tất biết người sanh về Tịnh Độ số còn hơn muôn ức. Nhưng bao nhiêu truyện tích sưu tập trên, cũng tạm gọi là đủ để làm khuôn mẫu cho những người tu Tịnh Độ đời sau.

Trong thời gian trước, bút giả có ghi chép được hơn vài mươi chuyện niệm Phật vãng sanh ở Việt Nam, tiếc vì lúc chiến nạn bị thất lạc mất. Bởi thế, đành phải đem những chuyện vãng sanh ở Trung Hoa để làm gương khuyến tấn người tu Tịnh Độ. Nơi quyển này, chỉ tuyển dịch ra những sự tích có phần đặc sắc trong nguyên bản, vì e nhiều quá sẽ gây sự nhàm chán cho độc giả. Trước kia, thượng tọa Vạn Đức (Thích Trí Tịnh) có dịch được một phần ba, lấy tên là ĐƯỜNG VỀ CỰC LẠC, được nhiều người ưa thích. Một vài liên hữu yêu cầu tôi xin tiếp tục công việc ấy, và dịch những chuyện vãng sanh của hàng căn cơ thời gần đây, để người đời nay có thể theo dấu. Vì thế ở quyển này, bút giả lưu ý dịch các truyện vào thời Dân Quốc cận đại nhiều hơn.

Những lời và hạnh của thánh hiền tu Tịnh Độ khi xưa, là những điệu nhạc, những đài gương để khuyến khích, soi sáng cho các hàng liên hữu. Cổ nhơn đã có vị viết sách Tịnh Độ, nhan đề là LIÊN LẬU THANH ÂM. Liên Lậu là giờ khắc hoa sen, lấy sự tích đồng hồ sen nơi Bạch Liên Xã của ngài Huệ Viễn. Thanh Âm là những âm điệu thanh tao để khuyến hóa mọi người niệm Phật. Bút giả thể theo ý đó, đặt nhan đề quyển này là MẤY ĐIỆU SEN THANH.

Mỗi tông phái, ngoài lý thuyết còn có phần thật nghiệm hay thật hành. Thật hành vừa để chứng minh cho lý thuyết, vừa là tấm gương sáng nhắc nhở khuyến khích người tu. Quyển này là thiên sử liệu chứng minh cõi Cực Lạc có thật, công đức niệm Phật có lợi ích ngay lúc hiện tại cho đến khi mạng chung. Cõi Cực Lạc đã có thật, thì thiên cung, địa ngục, ba cõi sáu đường, việc tội phước nhân quả, thánh thần quỉ ma, suy ra cũng đều có thật không phải hư huyễn. Từ điểm này xét kỹ sâu rộng thêm, tất có thể dứt trừ những điều xấu ác, xu hướng về nẻo thiện lương vậy.

“Nương mình tựa án xem người cổ

Ẩn bóng trong gương ngẫm chuyện đời”.

Mong đọc giả khi xem quyển này, thức tỉnh cuộc đời là khổ lụy vô thường, sớm phát tâm tìm lối giải thoát, tu các phước lành ăn chay niệm Phật. Từ sự tự tu, khuyến hóa trong thân tộc cho đến mọi người đều tu hành, thì cõi này tuy chưa thành Cực Lạc, song trong một vùng, một xứ, cũng được nhiều phước lợi an vui.

Ngoài ra những tình tiết của nội dung toàn quyển, có thể dẫn đạo ý thâm trầm cho người xem. Như ăn mía nhai từ ngọn đến gốc, sẽ lần lần tiến vào giai cảnh vậy.

LIÊN DU

 

PHẦN MỘT

THÁNH NHÂN KHUYẾN HOÁ

 

 

MÃ MINH ĐẠI SĨ

Mã Minh Đại Sĩ, tiếng Phạn gọi là Asvaghosa, người dòng Bà la môn ở nước Tang Kỳ Đa, xứ Đông Thiên Trúc. Sau Phật diệt độ 600 năm, ngài ứng thế xiển dương Phật pháp, nổi danh là bậc đại thừa luận sư.

Các truyền thuyết về ngài có nhiều điểm không đồng. Theo truyện Phú Pháp Tạng, Mã Minh Đại Sĩ xuất gia ở xứ Trung Thiên Trúc, thông suốt các pháp ngoại đạo. Trí tuệ ngài sâu xa, tài biện luận như thác nước tuôn trào, người đương thời khó ai sánh kịp. Sau khi đắc pháp với Tôn giả Phú Na Dạ Xa, làm vị Tổ thứ mười hai bên Thiền tông, ngài du hóa ở thành Hoa Thị nước Ma Kiệt Đà. Đại sĩ có tạo khúc nhạc nhiệm mầu, tên Lại Tra Hòa La, âm điệu thanh nhã cảm thương, tuyên diễn về pháp khổ, không, vô thường, vô ngã. Bấy giờ, năm trăm vị vương tử trong thành nghe nhạc ấy, tỉnh ngộ việc đời, bỏ nhà đi tu. Vua trong xứ sợ nhân dân nghe nhạc rồi xuất gia quá nhiều, thế nước sẽ bị suy yếu, nên cấm chỉ không cho lưu hành nhạc khúc ấy. Tương truyền khi Đại Sĩ khảy đàn thuyết pháp, bầy ngựa lắng nghe đều rơi lệ, kêu lên giọng bi thương nên người đương thời mới tôn hiệu là Mã Minh.

/ 4