125Chủ Nhật, 17/07/2022, 18:28
948 · Phải Chân Thật Hiểu Thấu Đạo Lý Cảm Ứng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng Chủ nhật, ngày 17/07/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 948

 “PHẢI CHÂN THẬT HIỂU THẤU ĐẠO LÝ CẢM ỨNG

Chúng ta tưởng chừng rất thông hiểu đạo lý cảm ứng nhưng không phải như vậy! Nếu chúng ta thật sự thông hiểu đạo lý cảm ứng thì hàng ngày chúng ta không làm ngược lại. Thí dụ khi chúng ta yêu thương, quan tâm đến mọi người đó là “cảm”, chúng ta được người yêu thương, quan tâm lại đó là “ứng”. Chúng ta tận tâm tận lực vì người thì người cũng sẽ tận tâm tận lực vì chúng ta. Hàng ngày, mọi khởi tâm động niệm của chúng ta thuận theo đạo lý cảm ứng thì mọi việc cũng sẽ thuận theo đạo lý cảm ứng.

Chúng ta học Phật, chúng ta có ước vọng được sinh về cõi lành, được vãng sanh về thế giới Tây Phương cực Lạc làm cư dân của đất Phật. Chúng ta quán sát xem trong một ngày chúng ta có bao nhiêu niệm thiện, bao nhiêu niệm ác? Nếu như chúng ta khởi niệm ác, niệm bất thiện nhiều thì hàng ngày chúng ta đang sống trong cõi ác, cõi bất thiện. Nếu khởi tâm động niệm thiện thì ngay trong khoảng thời gian đó chúng ta đang sống trong ba đường thiện. Cõi thiện hay cõi ác do chính chúng ta tạo tác. Chúng ta quán sát khởi tâm động niệm hàng ngày của mình thì sẽ biết rõ ràng.

Hòa Thượng nói: “Người chân thật giác ngộ sẽ hoàn toàn buông xả những ý niệm bất thiện lợi mình hại người. Nếu chúng ta vẫn còn những ý niệm bất thiện khởi lên thì chúng ta chưa chân thật giác ngộ. Chúng ta chân thật giác ngộ thì chúng ta sẽ thấy sinh tử luân hồi là đáng sợ. Chúng ta giống như người gỗ, không biết sợ sinh tử, không biết sợ luân hồi”. Nếu chúng ta chân thật giác ngộ đạo lý cảm ứng thì chúng ta biết ý niệm ác sẽ chiêu cảm cõi ác. Cõi ác vô cùng đáng sợ nên chúng ta không dám khởi ý niệm ác. Hàng ngày chúng ta vẫn khởi những ý niệm ác, ý niệm chiếm tiện nghi của người, ý niệm hại người lợi mình thì chúng ta vẫn xem “tài sắc danh thực thùy” là thật nên chúng ta chưa chân thật giác ngộ.

Ngày nay, có những người nói Phật pháp, nói đạo lý Thánh Hiền, nói Đệ Tử Quy cho người khác nghe nhưng bản thân họ vẫn tự tư ích kỷ, vẫn phạm trai phá giới, vẫn vọng ngữ, tà dâm. Vậy thì họ không tin nhân quả cũng không tin đạo lý cảm ứng. Người không tin nhân quả thì việc gì cũng dám làm, cho nên rất đáng sợ!

Khởi tâm động niệm của chúng ta vẫn có ý niệm xem thường nhân quả vì chúng ta vẫn làm những việc bất thiện, khởi tâm động niệm bất thiện. Người thế gian họ không học Phật, không biết đạo lý nhân quả, không biết đạo lý cảm ứng nhưng họ sống đúng nhân quả, sống đúng đạo lý cảm ứng. Họ không làm những việc cắn rứt lương tâm. Có những người học Phật, họ biết rõ đạo lý cảm ứng, đạo lý nhân quả nhưng vẫn làm những việc tổn người lợi mình. Đáng sợ là có những người nói cho người khác về đạo lý nhân quả, đạo lý cảm ứng nhưng họ vẫn chìm đắm trong “danh vọng lợi dưỡng”, “tài sắc danh thực thùy”.

Buổi sáng chúng ta chỉ cùng nhau học một giờ nhưng chúng ta học cũng không nghiêm túc, bữa có bữa không. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta đang làm biểu pháp cho người, cho Thiên Địa Quỷ Thần. Một lần tôi khuyên một vị Thầy mở đạo tràng thuyết pháp cho ma quỷ nghe không cần có người nghe. Một thời gian ngắn sau, ở chùa đó một tháng tổ chức được một lần niệm Phật, mỗi lần có 300 – 400 người đến nghe.

Trước khi mở Zoom, tôi cũng ngồi học nghiêm túc và mời tất cả chúng sanh ở tầng không gian khác có duyên cùng học. Vì có các chúng sanh tầng không gian khác cùng ngồi học nên tôi phải ngồi học nghiêm túc. Tôi biết là có chúng sanh ở tầng không gian khác nên chính mình không thể lơ là, chểnh mảng.

Hòa Thượng nói: “Mỗi khi chúng ta học Phật pháp mà chúng ta mời cửu huyền thất tổ, mời Cha Mẹ nhiều đời cùng học thì chúng ta có dám chểnh mảng không!”. Lúc nào chúng ta cũng nghĩ rằng chúng ta đang làm biểu pháp, làm chuẩn mực cho người khác thì thân tâm chúng ta luôn thúc liễm. Chúng ta không có ý niệm chúng ta đang làm biểu pháp cho người thì chúng ta sẽ rất tùy tiện.

Trong “Kinh Hoa Nghiêm”, Đức Phật dạy đã dạy: “Học vi nhân sư, hành vi thế phạm”. Học để làm Thầy người, làm để làm ra mô phạm cho người. Ngày trước, tôi có một người học trò luôn ngồi học nghiêm túc như tượng. Khi tôi giảng, người học trò đó thường ngồi phía trước. Thính chúng nhìn thấy chú học trò của tôi ngồi nghiêm túc như vậy thì họ nể phục và họ cũng bắt chước. Nhưng người học trò đó đã bị “tài sắc danh thực thùy” lôi kéo đi rồi. Chúng ta phải có hằng tâm trong việc học tập, trong việc trường trai giữ giới nếu không chúng ta sẽ bị “danh vọng lợi dưỡng” sẽ lôi kéo. Chúng ta tu hành để tiến bộ thì khó nhưng dễ dàng phạm lỗi vì những cám dỗ của thế gian giống như mật ngọt. Chúng ta muốn tu tiến thì phải cắt bỏ đi những tập khí của mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook