192Thứ Tư, 20/04/2022, 11:40
860 · Nếu Dùng Phương Pháp Chính Đáng Thì Tài Của Họ Vẫn Phát Đầy Đủ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư ngày 20/04/2022.

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 860

“NẾU DÙNG PHƯƠNG PHÁP CHÍNH ĐÁNG THÌ TÀI CỦA HỌ VẪN PHÁT ĐẦY ĐỦ”

Nếu dùng phương pháp chính đáng thì tiền tài, danh vọng, lợi dưỡng của họ vẫn đầy đủ, nhưng người thế gian đa phần dùng phương pháp không chính đáng. Hôm trước trên báo đăng một tin tức mà tôi đọc tựa đề cũng thấy mắc cười: “Đã giàu rồi mà còn bán chui!”. Họ đã giàu rồi mà vẫn còn làm những việc phi pháp, làm những việc lợi mình hại người, vẫn kết thành oan gia. Có nhiều người dùng những phương pháp không chính đáng để làm giàu.

Bài hôm nay Hòa Thượng nói: “Nếu dùng phương pháp chính đáng thì tiền tài của họ vẫn phát đầy đủ”. Dùng phương pháp không chính đáng để làm giàu, nhà Phật gọi việc này là “hoạnh tài”. Của hoạnh tài không mấy chốc sẽ ra đi, không mấy chốc sẽ khiến họ rước họa vào thân. Chúng ta chỉ cần bình lặng một chút nhìn xung quanh chúng ta, hoặc quán chiếu nội tâm của chính mình thì chúng ta cũng có thể nhìn ra: Đôi khi chúng ta vẫn dùng những phương pháp, những thủ đoạn không chính đáng. Đó là cưỡng cầu, đó là phan duyên chứ không phải là tùy duyên. Trong sự phan duyên đó chắc chắn có lỗi lầm, nếu có sự sai trái thì chúng ta phải gánh lấy nhân quả. Thậm chí chúng ta làm việc để lợi ích chúng sanh thì việc làm đó cũng phải chánh đáng chứ không bất chấp thủ đoạn để làm. Điều này tất cả mỗi chúng ta đều phải hết sức mà phản tỉnh. Chúng ta đừng cho rằng mình làm những việc lợi ích chúng sanh thì có thể làm những việc không chính đáng. Thật ra mỗi chúng ta đều đang sai phạm, đều làm những việc không chính đáng. Có sai phạm là có lỗi lầm, đã gây nhân lỗi lầm thì sẽ có kết quả lỗi lầm, chúng ta phải có một sự chuẩn bị để tiếp nhận.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta bất cứ làm việc gì thì phương pháp cũng phải đúng như pháp. Khi làm việc đúng như pháp thì chắc chắn sẽ tốt”. Chúng ta phát tâm lo nghĩ cho chúng sanh, tâm đủ lớn thì sẽ đủ duyên, năm nay không làm được thì năm tới làm. Nếu chúng ta cưỡng cầu để làm, mong làm cho được, cho nhanh thì trở thành phan duyên. Phan duyên thì chắc chắn tạo nghiệp.

Bài hôm nay Hòa Thượng nhắc chúng ta phải dùng phương pháp chính đáng. Dùng phương pháp chính đáng cũng chính là “dĩ thân tác tắc”, cũng chính là “y giáo phụng hành”. “Y giáo” là tuân theo giáo huấn của quốc gia, giáo huấn của Cha Mẹ, giáo huấn của Phật, giáo huấn của Thánh Hiền, giáo huấn của tất cả chúng sanh chứ không chỉ nói riêng đến giáo huấn của Phật. Nếu không phân tích chỗ này thì chúng ta tưởng chừng đã hiểu nhưng không hiểu, tưởng chừng đã làm đúng nhưng thực ra không đúng.

Hàng ngày chúng ta tưởng chừng những việc chúng ta làm, cách chúng ta làm, cách chúng ta đối đãi với tất cả mọi người là chính đáng nhưng thực ra đó đều là những việc làm phi lý, phi pháp. Vậy thì chúng ta không thể “dĩ thân tác tắc”, không thể làm ra mô phạm cho thế nhân.

Hòa Thượng nói: “Ngày trước Lão sư Lý thường nhắc nhở chúng tôi: “Học Phật không gì khác hơn là phải chuyển đổi tâm”. Trước khi học Phật thì chúng ta đều dùng “vọng tâm” để đối nhân xử thế tiếp vật, đều là hư tình giả ý. Sau khi học Phật thì chúng ta phải đổi “vọng tâm” thành “chân tâm”. Như vậy mới đúng!”.

Hàng ngày chúng ta quán chiếu nội tâm sẽ thấy một ý niệm vì bản thân mình đã là vọng tâm rồi. Ý niệm tất cả toàn tâm toàn lực vì chúng sanh mới là chân tâm. Ý niệm vì ta, vì cái của ta đều là vọng tâm. Ý niệm vì trường học của mình vẫn là vì cái của mình, vẫn là tư tâm. Tư tâm vẫn là vọng tâm. Trong tính đức của chúng ta không có tư tâm, không có vọng tâm. Tính đức của chúng ta là Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi.

Hòa Thượng nói: “Trước khi học Phật thì chúng ta đều dùng “vọng tâm” để đối nhân xử thế tiếp vật, đều là hư tình giả ý. Sau khi học Phật thì chúng ta phải đổi “vọng tâm” thành “chân tâm”. Lão sư Lý dạy chúng ta: Tu hành không gì khác hơn là phải chuyển đổi tâm. Chúng ta cũng chuyển đổi “vọng tâm” thành “chân tâm” nhưng sau đó lại tự động chuyển đổi về “vọng tâm”. Trạng thái chuyển đổi về “vọng tâm” thì lại tự động và rất nhạy, giá như nó tự động chuyển về “chân tâm” thì tốt. Phật làm được, Bồ Tát làm được, bao nhiều đời Tổ Sư Đại Đức làm được cho nên các Ngài đã siêu phàm nhập Thánh. Còn chúng ta vẫn là phàm phu y như cũ, không thể khác hơn.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook