193Thứ Sáu, 03/09/2021, 19:50

CHIA SẺ NỘI DUNG HỌC TẬP

ĐỀ TÀI 510

KHÔNG ĐỂ NGHIỆP LỰC LÀM CHỦ MÀ NGUYỆN LỰC LÀM CHỦ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 5h50’ sáng thứ Hai ngày 03/05/2021.

****************************

Chúng sanh ở thế gian này đa phần bị nghiệp lực làm chủ, không ai để nguyện lực làm chủ. Nghiệp lực làm chủ là khi ta bị sai khiến bởi những tập khí thói quen của mình. Chúng ta lười biếng, nhếch nhác, buông lung, phóng túng. Đến khi rời khỏi thế gian này, ta vẫn bị nghiệp lực làm chủ, nghiệp lực dẫn ta đến những nơi ta không muốn đến. Câu chuyện Chư Bát Giới tuy chỉ là hư cấu nhưng cũng mang thông điệp này. Chư Bát Giới rớt xuống trần gian, bị đầu thai vào bụng heo cho nên thân tướng, mặt mũi trông giống heo.

Người xưa nói: “Người sống ở thế gian này sai sống mộng chết”. Họ sống như những người sai, họ chết như ở trong mộng, không làm chủ được chính mình. Cả một đời họ sống trong sự sai khiến của nghiệp lực, bị nghiệp lực chi phối. Khi chết đi, họ lại tiếp tục bị nghiệp lực lôi kéo. Kinh Phật nói: “Kẻ đáng thương!”. Chúng ta tự hào vì mình là ai đó, mình có địa vị rất cao, tiền của rất nhiều nhưng những thứ đó chỉ là phiền toái lôi kéo chúng ta nếu chúng ta không biết sử dụng nó. Cả một đời chúng ta bị nghiệp lực chi phối, rồi đến khi chết đi, lúc rời khỏi thế gian này cũng vẫn bị nghiệp lực chi phối. Chúng ta mơ mơ hồ hồ mà đến, rồi mơ mơ hồ hồ mà đi, sai sống mộng chết. Vậy mà chúng ta cứ tự hào, tự đắc!

Phật Bồ Tát đến thế gian này là do nguyện lực. Các Ngài hoàn toàn làm chủ được chính mình, làm chủ sự đi và đến của mình. Các Ngài muốn sanh vào quốc vương thì tự tại đến quốc vương, muốn sanh vào nhà của thường dân thì tự tại làm thường dân. Chúng ta phải học tập chư Phật Bồ Tát. Chúng ta hiểu nhầm rằng Phật là đấng quyền năng, ban phước báu. Chúng ta mơ mơ hồ hồ đến và đi. Chúng ta tối ngày lo những thứ không cần thiết, lo địa vị không bằng ai, lo tiền tài không bằng ai. Những thứ này đều là do phước mà có.

Trước đây do chưa biết nên ta để cho nghiệp lực chi phối. Ta biết rồi thì phải tích cực, nỗ lực không để nghiệp lực chi phối nữa. Đó mới là người giác ngộ. Những thói quen, những ham thích của ta chính là nghiệp lực. Ham ăn, ham ngủ, ham tiền, ham danh, ham lợi, đều là nghiệp lực. Chúng ta đổi lại tâm, điều tiết những thứ này. Những thứ này cần thiết đối với đời sống thì chỉ cần vừa đủ là được. Vừa đủ theo tiêu chuẩn của người học Phật chứ không phải vừa đủ theo tiêu chuẩn của người thế gian.

Chúng ta đã nhiều đời nhiều kiếp bị nghiệp lực chi phối cho nên mới thành ra như thế này. Nếu tiếp tục để nghiệp lực chi phối thì lại tiếp tục bị luân chuyển, nhưng luân chuyển ngày càng xấu đi. Bài học hôm nay, Hòa thượng dạy chúng ta: “Phải để nguyện lực làm chủ, không để nghiệp lực làm chủ!”. Phật Bồ Tát dùng nguyện lực để sống, làm việc, tận lực vì chúng sanh. Họ rời xa thân xác của họ, làm việc bằng ý chí, bằng nguyện lực nên làm việc rất mạnh mẽ. Các Ngài tự tại vãng sanh vì các Ngài làm chủ được nghiệp lực cho nên ra đi tự tại, muốn đi lúc nào thì đi, nhanh một chút, chậm một chút đều tự tại. Khi ta làm chủ nguyện lực của mình, làm chủ chính mình thì khi ra đi, ta muốn đến nơi nào, ta muốn đi lúc nào cũng đều được.

Hòa thượng nói: “Trên “Đại Kinh”, có người hỏi Phật: “Thưa Phật, con người vì sao đến thế gian này và đến để làm gì?”. Phật trả lời một câu: “Nhân sanh thù nghiệp”. Con người đến thế gian này để trả nghiệp, trả ân oán lẫn nhau mà thôi. Đây là chân tướng sự thật của đến thế gian này”.

Có nghĩa là con người đến thế gian này để trả nghiệp báo mà mình đã gây tạo. Họ tạo nghiệp thiện thì đến để hưởng phước, tạo nghiệp ác thì đến để trả nghiệp báo. Tất cả mọi sự kết hợp trên thế gian này đều là đòi nợ, trả nợ, ân oán, tình thù. Có một câu chuyện về một gia đình có hai vợ chồng và 3 người con. Người vợ tên là Tiền Thái Thái. Một đứa con tên là Nghiệp Lực. Một đứa con tên là Ác Nghiệp. Một đứa con tên là Thiện Nghiệp. Trước khi chết, người Cha nói: “Bây giờ Cha sắp chết rồi, con có đồng ý đi theo Cha không?”. Đứa con Nghiệp Lực nói: “Cha đi đi, lúc nào con đi thì con sẽ đi!”. Tiền Thái Thái nói: “Ông chết là việc của ông, tại sao tôi phải chết cùng ông!”. Đứa con Ác Nghiệp cũng không muốn đi cùng ông. Duy chỉ có đứa con Thiện Nghiệp đồng ý đi cùng ông.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook