166Thứ Tư, 22/03/2023, 16:30
1195 · Niệm Phật, Cách Niệm Như Thế Nào Cho Đúng

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 23/03/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1195

“NIỆM PHẬT, CÁCH NIỆM NHƯ THẾ NÀO CHO ĐÚNG”

Nhiều người niệm Phật nhưng không có thành tựu, họ khiến cho người khác không còn tin vào pháp môn Tịnh Độ. Sứ mạng của chúng ta là chúng ta phải niệm Phật đúng cách, niệm Phật có thành tựu để pháp môn Tịnh Độ được tiếp nối, chúng sanh đời sau có thể nương nhờ vào pháp môn Tịnh Độ. Nhiều người tự niệm Phật theo cách riêng của mình, họ không học hỏi, không tiếp nhận lời dạy của Tổ Sư vậy thì họ chỉ đang làm cho dễ coi, họ chỉ “tinh tướng” chứ không phải “tinh tấn”. Khi tôi đến nơi khác, mọi người niệm Phật như thế nào thì tôi niệm theo như thế đó, tôi làm đúng như người thế gian nói: “Nhập gia tùy tục”.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta niệm Phật thì trong tâm chúng ta phải có Phật”. Chữ “Niệm” ở phía trên là bộ “Kim”, ở phía dưới là bộ “Tâm”. “Kim” là hiện tại. Hiện tại tâm có Phật thì đó mới gọi là niệm Phật. Chúng ta niệm Phật mà trong tâm chúng ta không có Phật thì chúng ta không thể tương ưng được với Phật. Chúng ta tâm nghĩ, miệng niệm, tai lắng nghe tiếng niệm thì chúng ta mới có thể có công phu. Nếu chúng ta chỉ niệm Phật ở trên miệng thì giống Tổ Sư Đại Đức đã nói: “đau mồm rát họng cũng uổng công”. Thông thường chúng ta chỉ niệm ở trên miệng đây gọi là “hữu khẩu vô tâm”.

Nếu chúng ta làm việc cần tư duy thì chúng ta ngừng niệm Phật để tập trung vào công việc. Nếu chúng ta làm công việc chỉ cần sức lực thì thân chúng ta làm việc nhưng tâm chúng ta vẫn niệm Phật. Khi chúng ta làm việc mà tâm chúng ta vẫn có Phật thì chúng ta sẽ làm việc đó với thái độ hoàn toàn khác. Nếu khi chúng ta làm việc mà chúng ta chỉ nghĩ đến “cái ta” thì việc làm đó không thể tốt, chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi.

Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật trong đối nhân xử thế, tiếp vật phải có Phật. Chúng ta dùng câu “A Di Đà Phật” khắc chế, không để tập khí, phiền não khởi tác dụng, sáu căn của chúng ta tiếp xúc với cảnh giới sáu trần thì chúng ta không khởi tâm động niệm. Đây chính là công phu niệm Phật”. Chúng ta phải dùng tâm Phật chứ không dùng tâm tư lợi để đối nhân xử thế. Khi chúng ta niệm Phật thì trong tâm chúng ta có Phật, khi chúng ta làm việc, đối nhân xử thế trong tâm chúng ta cũng phải có Phật.

Nhiều người đã dùng câu “A Di Đà Phật” khắc chế được tập khí, phiền não. Chúng ta khắc chế tập khí, phiền não bằng cách chúng ta thay đổi thói quen. Hòa Thượng từng nói: “Tu hành chẳng qua là thay đổi thói quen xấu thành thói quen tốt”. Tâm chúng ta đã quen động loạn ở trong tạp niệm thì chúng ta thay đổi tâm từ tạp niệm thành chánh niệm. Chúng ta chuyển tâm từ tạp niệm thành chánh niệm rất khó. Khi tâm của chúng ta đã đạt được chánh niệm thì tâm sẽ rất khó quay trở lại trạng thái tạp niệm. Điều này giống như, một người đang lười biếng mà trở thành một người siêng năng thì sẽ rất khó nhưng khi họ đã trở thành người siêng năng rồi thì họ không thể trở lại thành người lười biếng. Khi tôi đi đến nơi nào, tôi cũng quan sát xung quanh để tìm việc để làm, tôi không ngại khó, ngại khổ. Tất cả là do thói quen.

Hòa Thượng nói: “Phiền não, vọng tưởng đã ăn sâu vào trong tiềm thức chúng ta, chúng ta phải thay đổi chúng bằng cách chúng ta niệm câu “A Di Đà Phật”. Chúng ta phải niệm câu “A Di Đà Phật” đến khi câu Phật hiệu ăn sâu vào trong tiềm thức của chúng ta”. Chúng ta thường khởi niệm buồn vui, thương ghét, giận hờn, “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”. Chúng ta phải thay đổi thói quen này.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta vừa niệm Phật vừa khởi vọng tưởng vậy thì chúng ta không thể có được lợi ích”. Có người vừa niệm Phật vừa cầu vãng sanh vậy thì họ đã vừa niệm Phật vừa vọng tưởng. Chúng ta niệm Phật là chúng ta cầu vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta chỉ cần chuyên niệm là được, chúng ta niệm đến khi nào tâm thuần tịnh, hạnh thuần thiện thì chúng ta tương ưng với Phật ở trong tự tánh của chúng ta. Có người hỏi Hòa Thượng khi nào họ có thể vãng sanh. Hòa Thượng nói: “Chúng ta có vãng sanh được hay không thì chúng ta là người rõ ràng nhất”. Nếu tâm chúng ta đã tương ưng được với tự tánh A Di Đà của mình thì chúng ta biết rõ khi nào vãng sanh chúng ta sẽ biết rõ ràng. Chúng ta niệm Phật phải tương ưng với lời hướng dẫn của Tổ Sư Đại Đức ở trên Kinh, theo các chú giải của các Ngài. Chúng ta niệm Phật theo cách của mình, theo vọng tưởng của mình thì chúng ta không thể có thành tựu.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook