108Thứ Hai, 20/03/2023, 13:21
1193 · Tâm Nguyện Tương Ưng, Phật Nhất Định Sẽ Đến Tiếp Dẫn

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Hai, ngày 20/03/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1193

“TÂM NGUYỆN TƯƠNG ƯNG, PHẬT NHẤT ĐỊNH SẼ ĐẾN TIẾP DẪN”

Chúng sanh vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc có tâm nguyện giống như người con xa nhà, lâu ngày không được về thăm Cha Mẹ. Tổ Sư Thiện Đạo nói, chúng ta phải nhớ về thế giới Tây Phương Cực Lạc như người con đang ngày nhớ, đêm mong được trở về quê hương thăm Cha Mẹ. Chúng ta làm mọi việc ở thế gian đến mức tốt nhất nhưng chúng ta không lưu lại ở trong tâm.

Ngày trước, Ngài Bảo Chí Công được nhà vua mời đến xem cung nữ múa hát, sau khi xem xong nhà vua hỏi Ngài Bảo Chí Công: “Ngài nhìn thấy các cung nữ biểu diễn có hay không?”. Ngài Bảo Chí Công trả lời là Ngài không biết. Nhà vua ngạc nhiên không hiểu tại sao Ngài Bảo Chí Công ngồi cạnh nhà vua nhưng Ngài lại không xem các cung nữ biểu diễn. Ngài Bảo Chí Công tâu với nhà vua: “Ngày mai, Ngài hãy cho một tên tử tù đến xem cung nữ múa hát, trên đầu tên tử tù đội một thau nước đầy nếu tên tử tù không để một giọt nước nào bắn ra ngoài thì tên tử tù sẽ được thoát tội chết”. Ngày hôm sau, sau buổi diễn kết thúc, nhà vua hỏi thì tên tử tù thấy buổi biểu diễn có hay không thì tên tử tù nói: “Thần phải lo giữ thau nước để không bị mất mạng nên thần không có tâm trí để xem ca múa”. Khi đó nhà vua đã hiểu được tâm cảnh của Ngài Bảo Chí Công! Người có tâm mong cầu vượt thoát sinh tử phải giống như tên tử tù đội thau nước trên đầu.

Chúng ta phải toàn tâm, toàn lực, cẩn trọng trong mọi việc vì nếu chúng ta lơ là một chút thì chúng ta sẽ phải luân hồi sinh tử, chúng ta sẽ phụ lòng Phật Bồ Tát. Chúng ta tu hành có thành tựu thì chúng ta có thể tiếp nối huệ mạng của Phật Bồ Tát, thay Phật Bồ Tát tiếp độ chúng sanh. Chúng ta vẫn còn “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng” thì chúng sanh nhìn vào chúng ta họ sẽ không có niềm tin vào Phật pháp. Tâm chúng ta thanh tịnh, hạnh chúng ta thuần thiện thì chúng ta sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đối với chúng sanh.

Hòa Thượng nói: “Trong mười phương Chư Phật có vị Phật có thể độ một đại thiên thế giới, có vị Phật có thể độ đến hai, ba thậm chí mười, hai mươi đại thiên thế giới, phạm vi rộng độ chúng sanh của các Ngài vô cùng lớn. Phật A Di Đà có tâm nguyện độ chúng sanh tận hư không khắp pháp giới. Chúng sanh trong chín pháp giới trong tất cả cõi nước chư Phật chỉ cần có tín nguyện sâu dày, trì danh niệm Phật, phát nguyện vãng sanh thì Phật A Di Đà sẽ bình đẳng đến tiếp dẫn. Nguyện lực của Phật A Di Đà lớn hơn nguyện lực của tất cả các chư Phật”. Chúng ta muốn đồng tâm, đồng nguyện với Phật A Di Đà thì chúng ta phải mở rộng tâm đến tận hư không, khắp pháp giới. Đây chính là: “Từ bi khắp pháp giới. Thiện ý khắp nhân gian”. Hiện tại, tâm của chúng ta vẫn còn rất nhỏ hẹp, giữa các đoàn thể, giữa các gia đình, giữa người với người vẫn chưa thể hòa hợp. Chướng ngại chính là do chúng ta tự tạo ra. Nếu chúng ta còn một tập khí, phiền não thì tất cả những tập khí, phiền não khác cũng còn vì vậy chúng ta không được dung dưỡng bất cứ tập khí, phiền não nào!

Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải dụng tâm thanh tịnh niệm Phật. Trong một câu Phật hiệu có đầy đủ Tín- Nguyện- Hạnh. Chúng ta tin sâu, nguyện thiết, hành miên mật thì câu Phật hiệu của chúng ta sẽ tương ưng với Phật A Di Đà”. Chúng ta niệm Phật mà tâm chúng ta vẫn mong cầu thì chắc chắn chúng ta sẽ không tương ưng được với Phật A Di Đà. Hàng ngày, trong đối nhân xử thế tiếp vật chúng ta vẫn dùng tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Chúng ta dùng tâm chân thành, thanh tịnh để đối nhân xử thế tiếp vật thì chúng ta mới có thể dụng tâm chân thành, thanh tịnh để niệm Phật.

Có người nói, với người tốt thì họ khởi tâm chân thành, thanh tịnh, đối với người ác thì họ dùng tâm khác vậy thì họ đã có hai tâm. Chúng ta gặp chướng ngại đều là do cách chúng ta dụng tâm. Nhiều người học Phật không có thành tựu nên họ bỏ không học Phật nữa để học theo tà ma, ngoại đạo. Họ cho rằng từ khi họ học pháp này thì mọi việc trong cuộc sống của họ đều thuận ý vừa lòng. Chúng ta có tâm phàm phu, nếu dục vọng, thị hiếu của chúng ta được thỏa mãn thì chắc chắn chúng ta sẽ đi vào vòng sinh tử, luân hồi. Chúng ta thường không nhận thấy chướng ngại đến từ nơi tâm của chúng ta mà chúng ta cho rằng chướng ngại đến từ lời giáo huấn của Phật Bồ Tát.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook