93Thứ Năm, 09/03/2023, 13:34

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Năm, ngày 09/03/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1182

“CÓ THÀNH TỰU HAY KHÔNG PHẢI NHỜ VÀO TINH TẤN”

Hòa Thượng nói: “Học Phật quan trọng nhất là phải tinh tấn! Chúng ta tinh tấn thì đạo nghiệp của chúng ta mới có thành tựu”. “Tinh” là thuần mà không tạp. “Tấn” là tiến mà không lùi. “Tinh tấn” là chỉ có tiến mà không có lùi. Chúng ta tu hành phần nhiều là “ba ngày lạnh một ngày nóng”, một ngày chúng ta tinh tấn thì ba ngày chúng ta thoái lui. Ở thế gian, một người muốn đạt đến đỉnh cao trong nghề nghiệp của mình thì họ phải chuyên nghề đó.

Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao họ không thể chuyển đổi được tập khí. Chúng ta đã bỏ thuốc lá 20 ngày mà chúng ta hút lại một điếu vậy thì coi như 20 ngày trước đó đã uổng phí. Tổ Sư Đại Đức nói rõ: “Đối với tập khí của mình thì phải đuổi cùng, diệt tận”. Chúng ta phải trừ bỏ tận gốc thói hư, tập khí chứ chúng ta không dung dưỡng chúng. Nếu chúng ta dung dưỡng thói hư, tật xấu một lần thì thói hư, tập khí sẽ trở lại như cũ. Chúng ta tưởng đã khắc chế được tập khí nhiều năm nhưng chỉ cần chúng ta để nó dấy khởi một lần thì nó sẽ hồi phục lại nguyên trạng. Chúng ta để tập khí dấy khởi lại một lần thì chúng ta giống như con dã tràng se cát.

Hòa Thượng nói: “Trong Kinh Phật nói: “Đời người là khổ”. Chúng ta phải tinh tấn, phải chuyển đổi ý niệm xen tạp của mình thành một câu “A Di Đà Phật”. Nếu chúng ta không niệm câu “A Di Đà Phật” thì chúng ta sẽ niệm ăn, ngủ, niệm tham, sân, si, mạn. Chúng ta phải đem cuộc đời nhiều đau khổ, ít niềm vui chuyển đổi thành một đời sống cứu cánh viên mãn. “Tinh tấn niệm Phật” là chúng ta niệm câu Phật hiệu nối tiếp nhau, không để một vọng niệm nào xen tạp. Chúng ta nhất tâm niệm Phật, vĩnh viễn không thoái chuyển đây gọi là tinh tấn ba la mật”.

Chúng ta đang ở thời kỳ Mạt Pháp, căn tánh của chúng ta rất “hạ liệt”. Căn tánh “hạ liệt” nghĩa là người khác một nghe ngàn ngộ hoặc một nghe một ngộ còn chúng ta ngàn nghe thì chỉ ngộ một. Tập khí phiền não của chúng ta rất sâu dày. Chúng ta có tập khí dùng cảm tình làm việc nên chúng ta luôn vướng vào cái ta, cái của ta.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn có thành tựu thì chúng ta phải thân cận thiện hữu tri thức”. Thiện hữu tri thức chính là những lời giáo huấn của Phật, những lời dạy của Cổ Thánh Tiên Hiền, những tấm gương đức hạnh. Chúng ta ngày ngày học tập thì các tư tưởng của các Ngài sẽ dẫn đạo hành vi của chúng ta. Nếu chúng ta rời xa lời giáo huấn của các Ngài thì chúng ta sẽ bị tập khí, phiền não dẫn đi. Trong “Tứ y pháp” Phật dạy: “Y pháp bất y nhân”. Người có thể nói ra pháp nhưng pháp không phải là người. Chúng ta thường thắc mắc một người ngày trước rất tốt nhưng tại sao bây giờ lại như vậy đó là vì chỉ cần họ khởi một niệm “danh vọng lợi dưỡng” thì họ đã thoái lui trên con đường tu tập. Chúng ta muốn khắc chế tập khí, phiền não thì chúng ta cần 10 năm, 20 năm thậm chí 30 năm nhưng chỉ cần một niệm thì tập khí, phiền não của chúng ta đã dấy khởi.

Người xưa, khi ngủ, nếu trong giấc mơ họ có hành động bất chính thì họ sẽ cảm thấy hổ thẹn. Họ sẽ phản tỉnh hàng ngày chắc chắn họ đã có những ý niệm bất chính nên trong giấc ngủ họ mới có những ý niệm này. Hàng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm, đối nhân xử thế tiếp vật, hành động tạo tác bất chính nhưng chúng ta không nhận ra. Ý niệm tư lợi, ý niệm chiếm hữu chính là ý niệm là bất chính.

Khi tôi gặp Sư bà, cuộc sống của tôi rất khó khăn, Sư bà nói: “Con mời Thầy dạy nhưng con không có tiền trả cho Thầy đâu nha!”. Tôi trả lời: “Sư bà yên tâm! Có tiền hay không có tiền con cũng dạy y như vậy!”. Tôi đi xe máy từ thành phố Hồ Chí Minh đến Vũng Tàu, mỗi lần đi tốn 100.000đ tiền xăng. Nhờ cơ duyên này mà tôi đã gặp được pháp của Hòa Thượng. Chúng ta chân thành, hy sinh phụng hiến vì người thì chúng ta mới gặp được thiện hữu tri thức.

Hòa Thượng: “Thiện hữu tri thức khả ngộ bất khả cầu” vì vậy chúng ta gặp được thiện hữu tri thức thì chúng ta phải tinh tấn, nỗ lực, không giải đãi”. “Thiện hữu tri thức khả ngộ bất khả cầu” nghĩa là thiện hữu tri thức chỉ có thể gặp chứ không thể cầu. Chúng ta chân thành, chúng ta hy sinh phụng hiến thì chúng ta sẽ gặp được thiện hữu tri thức. Từ khi tôi dịch đĩa của Hòa Thượng thì tôi không dịch bất cứ đĩa nào của người khác. Tôi đã dùng hơn 30.000 giờ để dịch đĩa của Hòa Thượng. Chúng ta sắp học xong 1200 đề tài, dù phải di chuyển nhiều nơi nhưng tôi chưa từng lên lớp trễ một phút nào!

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook