137Thứ Ba, 07/03/2023, 15:57
1180 · Chấp Chặt Ở Trong Những Điều Giới Thì Không Phải Là Trì Giới

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Ba, ngày 07/03/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1180

“CHẤP CHẶT Ở TRONG GIỚI ĐIỀU THÌ KHÔNG PHẢI TRÌ GIỚI”

Chúng ta chấp chặt ở trong những điều răn của giới thì đó không phải là chúng ta trì giới. Hòa Thượng nói: “Giới” là hành vi của Phật. “Giáo” là ngôn ngữ của Phật. “Thiền” là tâm của Phật. Tinh thần của giới học là: “Đừng làm các việc ác, vâng làm các việc thiện”. Trong giới luật chúng ta linh hoạt để lợi ích chúng sanh. Nếu chúng ta linh hoạt để lợi ích cho mình thì đó là chúng ta đã phạm.

Khi một vị tỳ kheo nhìn thấy một con thỏ chạy sang phía bên tay trái, sau đó, có một người thợ săn đến hỏi ông, con thỏ chạy về hướng nào thì vị Tỳ kheo nói con thỏ chạy về hướng tay phải. Vị Tỳ kheo đó không phạm giới, ông khai giới để cứu chúng sanh chứ ông không làm phải vì bản thân ông. Khi chúng ta được giao làm một việc mà chúng ta gặp một việc cần làm ngay và việc này có thể lợi ích cho chúng sanh nhiều hơn nhưng chúng ta nhất định không chịu làm đó là chúng ta đã quá cứng ngắc. Điều này giống như, khi cô giáo nhắc một đứa nhỏ phải đóng quỹ lớp bằng một tờ 20.000đ thì đứa nhỏ sẽ nhất định không cầm hai tờ 10.000đ hay bốn tờ 5.000 để đưa cho cô.

Hòa Thượng nói: “Giới luật là để răn đe, rào đón, ngăn chính mình không tạo nghiệp. Chúng ta trì giới, chúng ta giữ giới là chúng ta tu Giới – Định – Huệ. Người khác trì giới hay không trì giới thì đó là việc của họ!”. Giới là để quản chính mình, không để quản người khác. Nhiều người đem giới để đi quản người khác mà không quản chính mình. Chúng ta học chuẩn mực của người xưa mà chúng ta chỉ nhìn thấy lỗi của người khác mà chúng ta không nhìn thấy lỗi của mình vậy thì chúng ta đã sai một cách nghiêm trọng.

Chúng ta là Thầy, trưởng bối hay thiện hữu tri thức của một người thì chúng ta nhất định phải chỉ bảo, nhắc nhở thậm chí quát mắng họ. Đối với người không liên quan đến chúng ta thì chúng ta không nhìn lỗi của họ mà chúng ta phải phản tỉnh xem mình đã giữ giới chưa. Chúng ta là công dân của một quốc gia thì chúng ta phải tuân theo luật pháp của quốc gia đó. Chúng ta là người học Phật thì chúng ta phải tuân theo những giới điều mà Phật đã chế định. Nếu tâm chúng ta thanh tịnh, chúng ta hạn chế dục vọng thì chúng ta sẽ dễ dàng tuân theo tất cả những giới luật. Những người tùy tiện, phóng túng thì sẽ cảm thấy khó khăn khi phải tuân theo giới luật. Thí dụ, nếu ngày nào chúng ta cũng sám hối, ăn chay thì chúng ta sẽ cảm thấy điều đó rất dễ thực hiện vì nó đã trở thành thói quen.

Giới là biệt giải thoát. Chúng ta giữ giới được điều gì thì chúng ta hoàn toàn giải thoát khỏi việc đó. Chúng ta thường cảm thấy như bị bó buộc, rất khó khăn khi phải tuân theo giới. Thí dụ, khi chúng ta còn đi học, quy định của nhà trường là 7 giờ phải có mặt nhưng chúng ta dậy muộn nên chúng ta luôn cảm thấy khó khăn khi phải đến trường đúng giờ. Nếu chúng ta dậy sớm chúng ta đến trường đúng giờ thì chúng ta sẽ cảm thấy rất tự tại. Ở Đà Lạt thời gian này rất lạnh nhưng tôi luôn dậy trước khi chuông đồng hồ reo, hàng ngày tôi làm được rất nhiều việc mà vẫn còn dư thời gian.

Hòa Thượng nói: “Giữ giới có thể được thiền định, thiền định có thể khai trí tuệ. Tác dụng của giới là giúp chúng ta hàng phục phiền não”. Nếu chúng ta không trì giới thì ngày ngày chúng ta tạo nghiệp. Hàng ngày, chúng ta tiếp xúc với “sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp”, “tài, sắc, danh, thực, thùy” những thứ này luôn cám dỗ chúng ta. Nếu chúng ta không có những chuẩn mực thì chúng ta sẽ tùy tiện tạo nghiệp.

Hòa Thượng nói: “Phật dạy chúng ta trì giới chính là dạy chúng ta tu sửa nghiệp ác của mình”. Nếu không có giới thì chúng ta sẽ không biết cách tu sửa nghiệp ác, hướng đến điều thiện. Nếu chúng ta ngày ngày tạo nghiệp thì chúng ta không thể phá mê, khai ngộ, lìa khổ, được vui. Nếu không có giới thì thân của chúng ta dễ phạm phải sát, đạo, dâm; ý của chúng ta dễ phạm phải tham, sân, si; miệng chúng ta dễ phạm phải nói dối, nói lưỡi đôi chiều, nói lời thêu dệt, nói lời hung ác. Chúng ta thường nói lời dễ nghe thậm chí chúng ta nói dối để được lợi cho mình. Nếu chúng ta tuân theo pháp luật của nhà nước, giới luật của nhà Phật, phong tục, tập quán của xóm làng thì tâm chúng ta sẽ định, chúng ta sẽ không gây phiền phức cho người khác. Năm trăm đầu khi Phật nhập Niết Bàn thì đệ tử của Phật chỉ cần giữ giới là có thể chứng quả. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta 113 điều nếu chúng ta gìn giữ được những điều này thì tâm chúng ta cũng sẽ định.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook