135Thứ Bảy, 04/03/2023, 10:56
1177 · Người Biết Nói Lỗi Của Bạn Là Người Chân Thật Yêu Thương Bạn

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Bảy, ngày 04/03/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1177

“NGƯỜI BIẾT NÓI LỖI CỦA BẠN LÀ NGƯỜI CHÂN THẬT YÊU THƯƠNG BẠN”

Người nói lỗi của chúng ta là người trong tâm họ không có “tự tư tự lợi”. Nếu một người trong tâm họ có mưu tính được mất, hơn thua thì họ sẽ chỉ nói tốt cho chúng ta. Điều này chúng ta phải hết sức cảnh giác! Chúng ta quán sát xem ai là người đang nói lỗi và ai là người đang che dấu lỗi cho chúng ta? Chúng ta thường thích gần gũi những người nói tốt về mình và tránh mặt những người chỉ trích mình. Đây là việc làm sai lầm nghiêm trọng! Chúng ta quán chiếu xem chúng ta thẳng thắn chỉ ra lỗi lầm của người khác hay chúng ta thường che dấu lỗi lầm của người?

Hòa Thượng nói: “Người khác không muốn nói lỗi lầm của chúng ta vì họ không muốn đắc tội với chúng ta, chúng ta có lỗi cũng không liên quan đến họ”. Nếu chúng ta có tâm cảnh như vậy thì chúng ta không xứng đáng là học trò của Thánh Hiền, của Phật Bồ Tát. Thánh Hiền dạy chúng ta: “Thấy lợi không màng, thấy khó dấn thân” hay “Nhân phi nghĩa bất giao, vật phi nghĩa bất thụ”. Chúng ta không kết giao với người không có chuẩn mực, không có đạo lý. Người thế gian thường nói: “Chúng ta muốn biết người đó như thế nào thì hãy xem những người bạn của người đó”. Nếu những người bạn của họ chân thành, cần, kiệm, liêm chính thì chắc chắn họ cũng như vậy.

Nếu chúng ta nhìn thấy người khác mắc lỗi mà chúng ta không quan tâm thì chúng ta đã sai. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Lỗi không ngăn, đôi bên sai”. Chúng ta thấy một người sai thì chúng ta phải tận tâm tận lực giúp họ sửa sai. Nếu đó là một người có tầm ảnh hưởng thì chúng ta càng phải giúp họ sửa đổi. Chúng ta nói thẳng, nói thật, nói bằng tâm chân thành thì chúng ta sẽ không gieo thù, kết oán với họ. Tâm cảm tâm, chắc chắn họ sẽ cảm nhận được. Nếu chúng ta nói bằng tâm cống cao, ngã mạn, tự cho mình là hơn người thì chắc chắn sẽ gây thù, kết oán.

Chúng ta nhìn thấy những người xung quanh, thậm chí người bề trên của chúng ta sai thì chúng ta cũng phải khuyên. Trong “Đệ Tử Quy” dạy chúng ta: “Khuyên không nghe, vui can tiếp. Dùng khóc khuyên, đánh không giận”. Dù họ có đánh mắng chúng ta cũng phải khuyên. Nếu chúng ta bàng quan thì chúng ta không có tâm từ bi. Người thế gian nói: “Nhất quá tam”. Người thế gian cho rằng, chúng ta chỉ nên khuyên một người không quá ba lần nếu họ không thay đổi thì thôi. Hòa Thượng nói: “Chúng ta nói một lần họ không nghe thì chúng ta nói mười lần, nói một trăm lần, một nghìn lần. Chúng ta nói đến khi họ đuổi, không cho chúng ta nói thì thôi!”. Đây là tâm từ bi của nhà Phật. Chúng ta nhìn thấy một người sắp phạm phải lỗi lầm nghiêm trọng thì chúng ta phải mau giúp họ. Chúng ta giúp người phát khởi được thiện tâm đã là khó, chúng ta muốn độ được một chúng sanh thì càng khó hơn. Những người phạm phải sai lầm, tôi cũng khiển trách, trừng phạt họ nhưng tôi quan tâm, dõi theo họ còn nhiều hơn những người khác. Có những người học trò bị tôi đuổi nhưng tôi vẫn theo dõi họ, khi họ sửa đổi được thì tôi mừng rơi nước mắt.

Hòa Thượng nói: “Người nói lỗi lầm của chúng ta là người chân thật yêu thương chúng ta. Cha Mẹ bình đẳng quan tâm đến con cái, thậm chí những người con không nghe lời thì Cha Mẹ sẽ quan tâm nhiều hơn. Lão sư cũng luôn nói lỗi của học trò. Học trò có thể tiếp nhận mười phần thì Lão sư sẽ nói mười phần. Học trò không muốn nghe thì Lão sư sẽ không nói mà chờ đến khi họ chịu lắng nghe thì Lão sư sẽ nói”. Lão sư không có tâm thiên vị mà nếu học trò không thể tiếp nhận thì Lão sư sẽ không nói vì học trò không nghe lời thì Lão sư nói họ cũng không làm theo!

Hòa Thượng nói: “Trong xã hội hiện đại, bậc thiện hữu tri thức rất ít, ác tri thức rất nhiều hay thiện duyên rất ít nhưng ác duyên rất nhiều. Trong ác tri thức cũng có một số người chúng ta ưa thích, một số người chúng ta chán ghét. Những người đến cung phụng, bợ đỡ chúng ta sẽ làm chúng ta mê hoặc, điên đảo, làm chúng ta rơi vào tình chấp không còn trí tuệ”. Hiện tại, chúng ta muốn tiến thân, muốn làm một người hoàn thiện rất khó! Nếu chúng ta muốn thay đổi chính mình theo chiều hướng tốt thì chúng ta phải kiên trì trong hai mươi, ba mươi năm. Nhưng chỉ cần chúng ta có một ý niệm xấu thì chúng ta đã thay đổi chính mình theo chiều hướng xấu. Duyên xấu có rất nhiều, duyên xấu kết hợp với nhân xấu thì kết quả xấu sẽ liền hiện tiền. Chúng ta thường cảm tình dụng sự nên chúng ta có thể dạy được con của người khác nhưng chúng ta không thể dạy được con của mình.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook