100Thứ Sáu, 17/02/2023, 20:32
1162 · Giữ Được Tâm Bình, Khí Hòa Mới Có Thể Tích Được Công Đức

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Sáu, ngày 17/02/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1162

“GIỮ ĐƯỢC TÂM BÌNH, KHÍ HÒA MỚI CÓ THỂ TÍCH ĐƯỢC CÔNG ĐỨC”

Trong nhà Phật nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, hỏa thiêu công đức lâm”. Một niệm tức giận khởi lên thì thiêu đốt cả rừng công đức. Hay chúng ta thường nghe: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”. Một ý niệm sân khởi lên thì trăm ngàn nghiệp chướng sinh khởi. Khi chúng ta khởi tức giận, trong cơn tức giận việc gì chúng ta cũng có thể làm để hả cơn giận. Nếu tâm chúng ta không bình, khí không hòa thì tâm chúng ta không thể thanh tịnh. Tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta mới có công đức.

Công đức và phước đức hoàn toàn khác nhau. Chúng ta làm việc thiện thì chúng ta có phước đức nhưng khi nào tâm chúng ta thanh tịnh thì chúng ta mới có công đức. Trong công đức có phước đức nhưng trong phước đức không có công đức. Tâm chúng ta thanh tịnh, chúng ta làm mọi việc vô tư, vô cầu thì chúng ta mới có công đức. Người có phước đức vẫn luôn hồi trong sáu cõi, họ vẫn có thể đọa vào cõi Ngạ quỷ, Súc sanh. Chúng sanh trong cõi Ngạ quỷ, cõi Súc sanh thì chúng ta vẫn có thể hưởng phước. Chúng ta ở trong cõi Ngạ Quỷ nếu chúng ta có phước chúng ta vẫn có thể làm Quỷ Thần. Chúng ta ở trong cõi Súc sanh, chúng ta vẫn có thể hưởng phước. Có những con chim, con lạc đà có giá hàng triệu đô, chúng được chăm sóc một cách rất đặc biệt, được đeo đồ trang sức.

Chúng ta có công đức thì chúng ta mới có thể vượt thoát sinh tử, vượt ra khỏi ba đường ác thậm chí chúng ta vượt ra khỏi ba đường thiện. Chúng ta có phước đức thì chúng ta vẫn phải trở lại sáu cõi luân hồi để hưởng phước. Công đức rất khó để tạo, để tích nhưng rất dễ mất, chúng ta chỉ cần sân hận, tâm không bình, khí không hòa thì chúng ta đã mất hết công đức. Tâm chúng ta không thanh tịnh thì công đức không còn. Chúng ta chỉ cần làm những việc thiện lành, những việc lợi ích chúng sanh thì chúng ta có phước báu.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta giữ được tâm bình khí hòa thì chúng ta mới có thể tích được công đức”. Chúng ta tích được chút công đức nhưng nếu chúng ta nổi sân hận thì tất cả công đức đều tan biến. Chính chúng ta làm công đức tan biến. Tâm thanh tịnh mới có công đức, tâm chưa thanh tịnh thì chỉ có phước đức không có công đức. Trong công đức có phước đức nhưng trong phước đức không có công đức. Nhiều người học Phật tu hành lâu năm vẫn nhầm lẫn giữa công đức và phước đức. Bao giờ tâm chúng ta thanh tịnh thì những việc chúng ta làm mới là công đức. Chúng ta làm vì cái ta, cái của ta, vì “danh vọng lợi dưỡng” mà làm thì chúng ta có thể có được phước đức.

Trong tâm thanh tịnh không có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Hòa Thượng nói: “Việc tốt cần làm, nên làm, không công, không đức”. Chúng ta làm việc không phải vì để có công đức. Đến lúc nào tâm chúng ta thanh tịnh, không còn làm bởi “tự tư tự lợi”, “danh vọng lợi dưỡng”, hưởng thụ “năm dục sáu trần”, thậm chí không vì tham sân si mà làm thì tâm chúng ta mới thanh tịnh. Chúng ta quán chiếu, hàng ngày chúng ta đang làm vì tham hay chúng ta làm vì tâm từ bi, vô điều kiện? Có những người làm vì sân, họ tức giận nên họ làm. Có những người làm vì si, họ làm mà không phân biệt tốt, xấu, phải, trái. Có những người làm vì ngạo mạn.

Chúng ta làm bất cứ việc thiện lành lợi ích chúng sanh, lợi ích xã hội thì chúng ta đều có phước đức. Người xưa nói: “Lưới trời lồng lộng nhưng không sót một mảy may”. Nhiều người cho rằng họ đã có rất nhiều công đức, phước báu. Hàng ngày, họ tạo phước nhưng họ hưởng phước còn nhiều hơn họ tạo phước. Vừa rồi hệ thống Khai Minh Đức tổ chức lễ cưới cho 11 cặp đôi, nhưng có người tổ chức lễ cưới xong thì nghỉ, họ cho rằng họ có phước nên họ đáng được hưởng như vậy, họ không hồi đáp lại ơn đức của người khác. Người xưa nói: “Việc gì chúng ta làm mà chúng ta không nhận bằng tiền thì chúng ta sẽ nhận bằng phước báu. Điều gì chúng ta nhận mà chúng ta không phải trả bằng tiền thì chúng ta phải trả bằng phước báu trong chính sinh mệnh của mình”. Thí dụ, chúng ta làm ra chúng ta xứng đáng được hưởng năm đồng nhưng chúng ta chỉ hưởng hai đồng thì ba đồng đó sẽ chuyển thành phước báu.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook