13015/02/2023, 08:25 22/02/2023, 08:43
1160 · Nhất Định Phải Tu Từ Tịnh Nghiệp Tam Phước

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng thứ Tư, ngày 15/02/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1160

“NHẤT ĐỊNH PHẢI TU TỪ TỊNH NGHIỆP TAM PHƯỚC”

Có người hỏi Hòa Thượng là họ nên bắt đầu tu từ “Tịnh Nghiệp Tam Phước” hay bắt đầu tu từ “Lục Độ”. “Lục độ” là sáu phép tu của Bồ Tát Đạo: “Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Thiền Định, Tinh Tấn, Trí Tuệ”. “Tịnh Nghiệp Tam Phước” là ba phước trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp. Thọ trì tam quy, cụ túc chúng giới, bất phạm oai nghi. Đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Hòa Thượng nói: “Chúng ta nhất định phải khởi tu từ “Tịnh Nghiệp Tam Phước”.

Chúng ta phát huy văn hóa truyền thống, chuẩn mực làm người thì có người cho rằng chúng ta xen tạp. Nhiều người không bắt đầu từ hiếu thân, tôn sư mà bắt đầu tu từ Lục Độ, phép tu của Bồ Tát Đạo. Hòa Thượng dạy chúng ta phải bắt đầu từ Nhân Đạo. Chúng ta chưa làm được Nhân Đạo thì chúng ta chưa thể làm được Bồ Tát Đạo. Chúng ta chưa làm được Bồ Tát Đạo thì chúng ta chưa thể làm được Phật Đạo. Điều này giống như chúng ta không học Mầm non mà chúng ta muốn học cấp 1, chúng ta không muốn học cấp 1 mà chúng ta bước vào học cấp 2, Đại học. Chúng ta học vượt cấp như vậy thì chúng ta chắc chắn không thể có thành tựu. Chúng ta chưa có chuẩn mực để làm người thì chúng ta chưa thể trở thành Bồ Tát. Có người nói với tôi, họ nhìn người khác lạy Cha Mẹ thì họ thấy giả tạo. Họ chưa từng lạy Cha Mẹ. Sau này, họ cũng bỏ nghe Hòa Thượng giảng, bỏ pháp tu niệm Phật vì họ không bắt đầu tu từ nền tảng.

Hòa Thượng nói: “Có người hỏi tôi nên bắt đầu tu từ “Lục Độ” hay “Tịnh Nghiệp Tam Phước”. Chúng ta phải làm theo trình tự, chúng ta nhất định phải khởi tu từ Tịnh Nghiệp Tam Phước”. Điều đầu tiên trong “Tịnh Nghiệp Tam Phước” là: “Hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự Sư trưởng”. Chúng ta thực tiễn hiếu thân tôn sư chính là chúng ta thực tiễn 113 điều của “Đệ Tử Quy”. Đây chính là nền tảng làm người. Hòa Thượng đã nhắc đến nội dung này nhiều lần khi Ngài giảng “Thập Thiện Nghiệp Đạo” và “Kinh Vô Lượng Thọ giảng giải”. Hòa Thượng nhắc chúng ta phải xây dựng nền tảng, phải bắt đầu từ “Tịnh Nghiệp Tam Phước”.

Trong Kinh nói, Đức Phật giảng về “Tịnh Nghiệp Tam Phước” cho hoàng hậu Di Đề Hy. Hoàng hậu đã nhàm chán thế giới Ta Bà vì con của bà đã giết Cha để soán ngôi. Bà muốn sinh về thế giới an lạc nên bà hướng đến Đức Phật mong được khai thị. Đức Phật đã nói pháp và cho bà nhìn thấy các cảnh giới. Bà đã lựa chọn thế giới của Phật A Di Đà là thế giới Tây Phương Cực Lạc. Bà hỏi Đức Phật điều kiện nào để đến thế giới này. Đức Phật đã nói ra tiêu chuẩn đầu tiên để vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc là hiếu thân tôn sư. Hòa Thượng nói: “Chúng ta phải bắt đầu học từ “Đệ Tử Quy”. Trong “Đệ Tử Quy” những câu đầu tiên đã dạy chúng ta: “Cha Mẹ gọi, trả lời ngay. Cha Mẹ trách, phải thừa nhận”.

Hòa Thượng nói: “Sau khi chúng ta học xong “Đệ Tử Quy” thì chúng ta học “Thập Thiện Nghiệp Đạo” không khó!”. Chúng ta chưa làm được những điều trong “Đệ Tử Quy” thì chúng ta thực tiễn “Thập Thiện Nghiệp Đạo” rất khó khăn. “Học xong” là chúng ta học thì chúng ta phải thực tiễn. Nếu chúng ta chỉ học mà không làm thì chúng ta không thể có được lợi ích.

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta chỉ nghe qua, đọc qua hay chỉ học thuộc thì chúng ta không có được lợi ích. Chúng ta nhất định phải làm được! Trong “Đệ Tử Quy” có 360 câu, có 113 sự việc. Chúng ta thực tiễn được 113 điều này thì chúng ta chân thật là thiện nam tử, thiện nữ nhân của thế gian. Chúng ta có nền tảng này thì chúng ta mới có thể học Phật”. Trong “Kinh A Di Đà” nói: “Người có thể vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc phải là bậc thượng thiện.

Có người cho rằng “Đệ Tử Quy” là ngoại đạo, không cần học. Nếu “Đệ Tử Quy” là ngoại đạo thì chúng ta thực tiễn hiếu thân, tôn sư bắt đầu từ đâu? Có người cho rằng hiếu thân, tôn sư là chúng ta kính trọng Phật, Pháp, Tăng. Tam Bảo là chí cao vô thượng. Trước khi phát được tâm chân thành kính trọng Tam Bảo thì chúng ta phải kính trọng Cha Mẹ, Lão sư. Chúng ta kính trọng Cha Mẹ, Lão sư thì chúng ta mới có thể chân thật kính trọng Tam Bảo. Chúng ta không kính trọng Cha Mẹ mà chúng ta muốn kính trọng được Tam Bảo thì chúng ta giống như xây nhà không có móng.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook