107Chủ Nhật, 05/02/2023, 16:05
1150 · Nếu Bạn Vọng Tưởng Mà Có Được Thì Phật Bồ Tát Không Cần Giáo Hóa Chúng Sanh

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’, sáng Chủ nhật, ngày 05/02/2023

****************************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1150

“NẾU BẠN VỌNG TƯỞNG MÀ CÓ ĐƯỢC THÌ PHẬT BỒ TÁT KHÔNG CẦN GIÁO HÓA CHÚNG SANH”

Chúng sanh vọng tưởng triền miên, nếu chúng sanh chỉ cần vọng tưởng mà có được những điều họ muốn thì Phật Bồ Tát đã không cần phải giáo hóa chúng sanh. Ngày nay, người niệm Phật nhiều nhưng người vãng sanh rất ít vì chúng ta không thật làm. Chúng ta cho rằng chúng ta không còn phiền não, chấp trước nhưng đó chỉ là chúng ta vọng tưởng, khi chúng ta gặp cảnh thì phiền não, chấp trước liền khởi. Hòa Thượng nói đó là chúng ta: “Tự dĩ vi thị”. Tự cho mình là đúng, tự cho mình là biết. Chúng ta muốn có thành tựu chúng ta phải thật làm, thật có công phu.

Tôi đã dịch đĩa của Hoà Thượng hơn 30.000 giờ, chúng ta cũng đã học được gần 1200 đề tài, chúng ta học nhưng chúng ta không thật làm thì chúng ta sẽ không có thành tựu. Chúng ta cho rằng mình niệm Phật, tu hành tốt nhưng khi gặp việc tâm chúng ta vẫn động vậy thì công phu của chúng ta chưa có lực.

Có một vị cư sĩ, hàng ngày ông dẫn chúng niệm Phật, ông niệm Phật tưởng chừng rất tinh tấn nhưng khi ông bị bệnh nặng, đại chúng đến niệm Phật cho ông thì ông đuổi họ về. Ông nói: “Mọi người niệm Phật cho tôi để tôi chết à!”. Ông sợ cái chết đến với mình nên không cho mọi người trợ niệm. Ông chỉ vọng tưởng là mình có công phu còn thực sự ông chưa có công phu gì!

Hòa Thượng nói: “Nếu chúng ta nghe, hiểu được Kinh điển nhưng chúng ta không thật làm thì chúng ta không thể có lợi ích”. Chúng ta nghe hiểu rồi thì chúng ta phải chân thật dụng công. Chúng ta chuyển thành hành động thì chúng ta có thể hàng phục được tập khí, phiền não. Chúng ta vẫn khởi phiền não, vẫn thích hưởng thụ “tài, sắc, danh, thực, thùy” thì chứng tỏ chúng ta chỉ nghe chứ chúng ta chưa thật làm.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta không thật sự dụng công thì chúng ta không thể siêu vượt sáu cõi luân hồi”. Lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam nói: “Chúng ta đáng sanh tử như thế nào thì chúng ta vẫn phải sinh tử như thế đó! Chúng ta đáng đọa lạc như thế nào thì chúng ta vẫn phải đọa lạc như thế đó!”. Chúng ta càng học, càng thẩm thấu thì chúng ta nhận thấy công phu của chúng ta vẫn ở trạng thái “mong manh, dễ vỡ”. Nhiều người tu hành không có thành tựu nên họ đã bỏ cuộc. Hòa Thượng nói: “Chúng ta tu hành chưa có thành tựu thì chúng ta càng phải dũng mãnh tinh tấn một cách đặc biệt!”.

Các bậc Tổ Sư Đại Đức, các bậc tu hành có công phu đều tìm đến chốn tịch tình, tránh những nơi nhiều cám dỗ. Chúng ta “mong manh, dễ vỡ” nhưng chúng ta vẫn đến thích đến nơi dễ dàng làm chúng ta bị ô nhiễm. Hòa Thượng bôn ba khắp nơi, sau khi giảng Kinh thuyết pháp xong thì Ngài quay trở về nơi ở. Ngài đã làm ra biểu pháp cho chúng ta. Công phu của chúng ta chưa có lực mà chúng ta không cẩn trọng thì chúng ta sẽ dễ bị ô nhiễm.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta muốn vượt thoát sinh tử, ra khỏi sáu cõi luân hồi thì chúng ta phải nỗ lực làm. Tâm được mất của chúng ta rất nặng nên trước tiên, chúng ta phải lìa xa tâm được mất”. Tâm được mất bao gồm tâm được mất, tốt xấu, thành bại, hơn thua, lời lỗ. Chúng ta tưởng chừng như đã buông bỏ “danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần” nhưng thực chất chúng ta vẫn muốn nắm giữ những thứ này, điều này diễn ra rất vi tế. Chúng ta làm việc gì tâm chúng ta cũng luôn ở trạng thái sợ được, sợ mất. Chúng ta làm một việc vì chúng ta muốn có công đức, phước báu chứ chúng ta không làm bằng tâm chân thành, thanh tịnh, từ bi. Chúng ta tưởng rằng mình đã tu hành tốt nhưng đó chỉ là vọng tưởng.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta không nên cho rằng chúng ta không có “danh vọng lợi dưỡng”, chúng ta không liều mạng để kiếm tiền thì đời sống của chúng ta sẽ gặp khó khăn. Chúng ta thường khởi vọng tưởng rằng, chúng ta liều mạng để kiếm tiền thì chúng ta sẽ kiếm được tiền”. Chúng ta liều mạng để kiếm tiền thì chúng ta cũng không giữ được tiền. Người xưa nói: “Trong mạng có nhất định có, trong mạng không thì nhất định không”. Phước ở trong mạng chúng ta có thì chúng ta sẽ có.

Hòa Thượng nói: “Phật nói, trong mạng chúng ta không có tài phú đó là do quả báo trong đời quá khứ. Chúng ta khởi vọng tưởng thì chúng ta cũng không thể có kết quả. Nếu chúng ta vọng tưởng mà có được thì Phật Bồ Tát không cần đến giáo hóa chúng sanh”. Trong mọi việc chúng ta đều phải thật làm, chúng ta vọng tưởng thì chúng ta không thể có được. Chúng ta cho rằng mình sẽ bình an, khỏe mạnh, sống lâu thì đó là chúng ta đang vọng tưởng. Chúng ta muốn bình an, khỏe mạnh, sống lâu thì chúng ta phải làm đúng nguyên lý, nguyên tắc. Chúng ta muốn bình an thì chúng ta phải làm theo đạo lý nhân quả, chúng ta muốn khỏe mạnh thì chúng ta làm đúng với nguyên tắc dưỡng sinh.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook