108Thứ Sáu, 25/11/2022, 13:35
1079 · Phật Dạy Chúng Ta Đoạn Vọng Tưởng, Trừ Chấp Chước Mà Thôi

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Sáu, ngày 25/11/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1079

“PHẬT DẠY CHÚNG TA ĐOẠN VỌNG TƯỞNG, TRỪ CHẤP CHƯỚC MÀ THÔI”

Người học Phật nếu không nhận biết mọi việc một cách rõ ràng, tường tận thì họ sẽ trở thành những người mê tín. Chúng ta làm mọi việc một cách tùy tiện không tuân theo nguyên tắc, đạo lý rõ ràng thì đó là chúng ta làm theo vọng tưởng, chấp trước. Những lời Phật dạy đều dựa trên nguyên lý, nguyên tắc rõ ràng, tường tận.

Chúng ta làm những việc trái nhân quả, trái pháp luật thì chúng ta đã làm sai. Chúng ta không nhận biết mọi sự, mọi việc một cách rõ ràng tường tận. Có những việc chúng ta làm đúng với nhân quả, với pháp luật nhưng chúng ta vẫn cảm thấy bất an. Ngược lại, có những việc trái với nhân quả, với pháp luật nhưng chúng ta vẫn tùy tiện làm. Hòa Thượng Tuyên Hóa nói: “Mơ mơ, hồ hồ thì nhất định sẽ về thế giới mơ mơ, hồ hồ. Minh minh, bạch bạch nhất định sẽ về thế giới minh minh, bạch bạch”. Chúng ta học Phật là để hồi phục lại tự tánh thanh tịnh. Tự tánh của chúng ta là: “Chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi”. Những việc phù hợp với tự tánh thì chúng ta nỗ lực làm. Những việc trái nghịch với tự tánh thì chúng ta nhất định không làm.

Trong nhà Phật, có nhiều điển tích về nhiều người không biết chữ, không có văn hóa nhưng họ thật nghe, thật làm nên họ có thành tựu. Người thợ vá nồi, học trò của Hòa Thượng Đế Nhàn là người không biết chữ. Ông nghe lời Hòa Thượng Đế Nhàn, ông về một ngôi chùa nhỏ, hàng ngày chuyên tâm niệm Phật. Sau 3 năm ông tự tại đứng vãng sanh. Pháp sư Cụ Hành là người nghèo khổ, ông đến chùa làm công quả. Hòa Thượng dặn ông vừa làm việc vừa niệm Phật. Ông làm những việc nặng nhọc nhất nhưng trong tâm luôn niệm “A Di Đà Phật”. Khi vãng sanh ông ông dùng sức định của nội tâm tự phát ra lửa tam muội để đốt thân tứ đại. Năng lực của tự tánh của chúng ta giống với chư Phật Bồ Tát. Chúng ta đang mê nhưng những năng lực của tự tánh bị che lấp.

Bệnh nặng nhất của chúng ta là lười biếng, giải đãi. Lười biếng, giải đãi làm chúng ta mất hết tất cả năng lực. Người có tinh thần phấn chấn thì mọi việc sẽ minh tường, sáng suốt. Từ sáng đến tối, tôi đi đến đâu, tôi cũng làm việc gì cũng chu đáo, gọn gàng. Chúng ta không được để sự lười biếng, nhếch nhác khống chế chúng ta. Chúng ta cho phép mình lười biếng, nhếch nhác một lần thì những lần sau chúng ta sẽ càng tệ hơn. Hàng ngày, chúng ta sống trong vọng tưởng, chúng ta cho rằng, hôm nay chúng ta không học thì ngày mai, năm sau, tháng sau chúng ta học. Khi tử thần đến thì chúng ta muốn học, muốn làm cũng không còn kịp. Chúng ta vọng tưởng thì chúng ta không thể có thành tựu. Chúng ta dũng mãnh, thật làm thì chúng ta sẽ có thành tựu. Có một câu chuyện kể về hai Cha con, họ nhìn thấy một quán ăn bên trên có treo biển: “Mai ăn không phải trả tiền”. Hai cha con liền đợi đến ngày mai đến ăn để không phải trả tiền. Hôm sau, khi ăn xong, hai cha con vẫn bị tính tiền, người chủ nói: “Mai ăn không phải trả tiền nhưng hôm nay ăn vẫn phải trả tiền”. Ngày mai sẽ không bao giờ đến!

Hòa Thượng nói: “Phật Bồ Tát không ngừng tinh tấn”. Chúng ta hướng theo Phật học tập thì chúng ta phải ngày ngày tinh tấn. Chúng ta nghĩ hôm nay chưa làm được thì để ngày mai, năm sau làm nhưng sẽ không bao giờ đến ngày đó. Tập khí sẽ lôi kéo chúng ta. Có người tập khí nặng đến mức không mở to được mắt để làm việc. Trong 5000, 6000 ngày qua tôi luôn dậy không trễ một phút. Chúng ta phải tinh tấn, chuyên cần trên mọi phương diện. Vọng tưởng rất đáng sợ. Nhiều người khi nghe thấy tiếng chuông báo thức thì muốn nằm thêm 5 phút, sau đó họ ngủ quên luôn. Rất nhiều tập khí, phiền não kết thành bè để lôi kéo chúng ta.

Căn tánh chúng sanh vô cùng khác biệt nên Phật phải nói rất nhiều pháp môn. Phật pháp là phương tiện để chúng sanh cải đổi, hồi phục trở về với tự tánh, đồng nhất với chư Phật. Có nhiều người chấp trước cho rằng pháp môn mà họ đang tu hành là đúng nhưng đó chỉ là họ chấp trước. Chúng sanh có nghiệp chướng nên Phật mới phải nói pháp. Pháp cũng giống như chiếc thuyền giúp chúng ta qua sông. Khi chúng ta qua sông rồi thì chúng ta để lại thuyền. Nếu chúng sanh không có nghiệp chướng thì Phật sẽ không phải nói pháp. Điều này giống như những người sống ở sa mạc, sống ở trên núi thì không cần dùng đến thuyền.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook