121Thứ Tư, 09/11/2022, 10:26
1063 · Phải Chân Thật Vì Đời Sau Mà Lo Nghĩ

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Tư, ngày 09/11/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1063

“PHẢI CHÂN THẬT VÌ ĐỜI SAU MÀ LO NGHĨ”

Người thế gian thưởng chỉ lo nghĩ cho đời hiện tại, họ không biết rằng đời sau sanh về đâu là điều vô cùng quan trọng. Hòa Thượng nói: “Con người không chỉ có một đời mà còn có đời sau nên chúng ta phải cẩn trọng trong khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm. Đó là chúng ta vì đời sau mà lo nghĩ!”. Hành động tạo tác của chúng ta sẽ kết thành nhân. Chúng ta gieo nhân nào thì chúng ta sẽ gặt quả đó. Chúng ta cẩn trọng chính là chúng ta vì đời sau mà lo nghĩ.

Hòa Thượng nói: “Bồ Tát biết quả báo là đáng sợ, quả báo đời này chưa đến thì đời sau sẽ đến nên các Ngài hết sức cẩn trọng trong lời nói, việc làm”. Người xưa nói: “Lưới trời lồng lộng nhưng không sót một mảy trần”. Nếu chúng ta tạo ác mà chúng ta chưa phải nhận quả báo thì đó chỉ là do thời gian chưa đến. Chúng ta chỉ cần khởi tâm động niệm thì ý niệm đó cũng đã kết thành nhân. Một ý niệm thiện, một ý niệm ác khởi lên thì đã trùm khắp pháp giới.

Hòa Thượng nói: “Những đãi ngộ trong đời này đều là quả báo. Đời sau chúng ta muốn có những đãi ngộ tốt thì chúng ta phải hết sức cẩn trọng mà lo nghĩ!”. Chúng ta muốn vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc thì chúng ta phải đáp ứng đủ những yêu cầu cần thiết. Một số người cho rằng họ quy y Phật, trở thành đệ tử Phật rồi thì họ sẽ được Phật đến đón. Có người cho rằng thọ giới Bồ Tát thì sẽ trở thành Bồ Tát. Đó là những quan niệm sai lầm nghiêm trọng!

Trên Kinh nói: “Bồ Tát có một pháp, ngày đêm thượng niệm thiện pháp, tư duy thiện pháp, quán sát thiện pháp, không để một chút ý niệm bất thiện xen tạp”. “Thiện pháp” là giới luật, là chuẩn mực của Cổ Thánh Tiên Hiền, là luật pháp, là phong tục tập quán. Hàng ngày, Bồ Tát hành Bồ Tát Hạnh là: “Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ”.

Thích Ca Mâu Ni Phật dù đã chứng quả thành Phật nhưng vẫn phải gánh lấy nhân quả, cộng nghiệp. Thích Ca Mâu Ni Phật đã thị hiện cho chúng ta, Ngài cũng phải chứng kiến cảnh dòng họ Thích bị tàn sát. Lần đầu tiên khi vua Tỳ-Lưu-Ly kéo quân đến thành Ca-Tỳ-La-Vệ, Phật ngồi dưới gốc cây thưa thớt lá trên địa phận của thành Ca-Tỳ-La-Vệ để chờ đoàn quân đi qua. Khi vua Tỳ-Lưu-Ly hỏi vì sao Phật ngồi ở đó thì Ngài nói: “Thưa đại vương, cứ để mặc ta! Bóng cây của thân tộc khiến cho ta mát mẻ!”. Nhưng cuối cùng sau đó Phật cũng không thể ngăn cản được đoàn quân của vua Tỳ-Lưu-Ly tàn sát dòng họ Thích. Chúng ta là phàm phu, khởi tâm động niệm của chúng ta trong vô tình đã tạo vô số tội nghiệp. Đề tài hôm trước Hòa Thượng giảng là: “Sống lâu thì tạo nghiệp, đoản mạng thì vào ba đường ác”. Chúng ta không biết giáo huấn của Phật, chuẩn mực của Thánh Hiền thì hàng ngày, chúng ta đều tạo nghiệp.

Đời này, nếu chúng ta không được tiếp nhận Phật pháp, tiếp nhận giáo huấn Thánh Hiền thì chúng ta đều “tự tư tự lợi”. Người thế gian đều tích cực hưởng phước thậm chí họ dùng trước phước trong mạng vậy thì đời sau họ sẽ phải gánh hậu quả. Người chân thật vì đời sau lo nghĩ thì họ sẽ tích cực tu phước, tích phước, tiếc phước. Thầy và trò ở Tây Ninh trồng rau sạch, mọi người nhặt lá rau vàng để ăn còn rau tươi ngon thì mang đi tặng người. Đó là họ biết tu phước, tích phước và tiếc phước. Trước đây, khi tôi làm ở nhà sách, có một người dùng vải vụn cotton để lau bàn sau đó vứt luôn miếng vải đó đi. Họ cho rằng công ty rất nhiều vải vụn nên không cần phải tiếc. Tôi nói, họ làm như vậy thì công ty không nghèo đi nhưng họ đã bị tổn phước. Sau này họ lập gia đình, nếu họ có thói quen hoang phí như vậy thì họ sẽ không thể quản lý được gia đình.

Trong Kinh nói: “Chúng ta phải đồng cảm với tất cả chúng sanh khổ nạn”. Chúng ta đồng cảm bằng cách chúng ta cẩn trọng, không hoang phí. Hôm qua, tôi đi uống cà-phê cùng mọi người, khi về tôi cầm theo hai chiếc bánh ngọt còn thừa. Khi đi ra ngoài, tôi bóp vụn bánh, rắc vào bụi cây để các chú kiến có đồ ăn. Những việc làm này nếu chúng ta không chú ý thì chúng ta sẽ không thể làm được. Tôi thường cho sóc, khỉ, động vật hoang dã ở sau nhà ăn, nếu tôi không mang đồ ăn ra thì chúng sẽ kêu để nhắc. Một lần tôi ra Hồ Định Công, tôi thả rất nhiều vụn bánh mì cho cá ăn, người lái taxi tưởng tôi là chủ hồ.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook