151Thứ Năm, 22/09/2022, 10:48
1013 · Công Phu Phải Được Bồi Dưỡng Trong Hoàn Cảnh Thực Tế

Kính thưa Thầy và các Thầy Cô!

Chúng con xin phép chia sẻ một số nội dung chính mà chúng con ghi chép trong bài Thầy Vọng Tây giảng từ 4h50’ đến 6h00’ sáng thứ Ba, ngày 20/09/2022.

***********************

NỘI DUNG HỌC TẬP ĐỀ TÀI 1013

“CÔNG PHU PHẢI ĐƯỢC BỒI DƯỠNG TRONG HOÀN CẢNH THỰC TẾ”

Trong thế duyên hay trong Phật duyên chúng ta đều phải giữ tâm mình không bị nhiễu loạn. Chúng ta tham tiền tài, danh lợi thì chúng ta đã làm tâm mình nhiễu động. Chúng ta tham Phật pháp, chúng ta tu hành nhiều pháp môn, tham dự nhiều đạo tràng thì chúng ta cũng làm tâm mình loạn động. Chúng ta tham trong thế duyên hay trong Phật pháp thì chúng ta cũng đều sai.

Phật dạy: “Cần tu Giới – Định – Tuệ. Diệt trừ Tham – Sân – Si”. Chúng ta phải diệt trừ tận gốc tham chứ không phải chúng ta đổi đối tượng tham. Hàng ngày, chúng ta thường chỉ thay đổi đối tượng tham, điều này diễn ra rất vi tế. Trong thế pháp hay trong Phật pháp, những điều làm chướng ngại tâm thanh tịnh của chúng ta thì đều dẫn chúng ta vào sinh tử luân hồi. Chúng ta phải ở trong môi trường thực tế để bồi dưỡng, rèn luyện công phu. Chúng ta quán sát, khi chúng ta ăn một chiếc bánh, uống một ly nước, nói chuyện với mọi người chúng ta có còn phân biệt, chấp trước không?

Nhà Phật nói: “Cảnh tùy tâm chuyển”. Tâm chúng ta xoay chuyển được hoàn cảnh xung quanh. Nếu chúng ta để cảnh duyên xoay chuyển tâm thì chúng ta chưa có công phu. Chúng ta ở trong bốn bức tường, trong môi trường an toàn chúng ta tưởng tâm mình đang rất thanh tịnh nhưng khi chúng ta gặp danh lợi hay được người khác khen thì tâm chúng ta liền bị nhiễu động. Nhiều người tưởng rằng mình đã tu hành tinh tấn nhưng khi họ có cơ hội tiếp xúc “tài, sắc, danh, thực, thùy” thì tâm họ vẫn bị những thứ này lôi kéo.

Nếu chúng ta không đạt được sự nhất tâm thì khi vô thường đến “Chúng ta đáng sanh tử như thế nào thì chúng ta vẫn phải sinh tử như thế đó. Chúng ta đáng đọa lạc như thế nào thì chúng ta vẫn phải đọa lạc như thế đó”. Nhiều người đi vào trong núi sâu tu hành nhưng nội tâm họ vẫn chưa đủ sức đối trị sự cám dỗ của “danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần”.

Hòa Thượng nói: “Người niệm Phật chúng ta không hiểu rõ đạo lý, không tường tận được cảnh giới thì chúng ta khó đạt được sự nhất tâm. Chúng ta muốn đạt được nhất tâm thì chúng ta không được để thế duyên ràng buộc”. Thế duyên” là “danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần”. Chúng ta không bị thế duyên lôi kéo thì chúng ta đạt được nhất tâm bất loạn. Chúng ta phải tập để tan nhạt dần với thế duyên. Hàng ngày, chúng ta vẫn như một con gấu bông bị đứa nhỏ buộc đầu lôi đi.

Hòa Thượng nhắc: “Trong Phật pháp Đại Thừa, Tiểu Thừa có nhiều đạo lý, phương pháp khác nhau. Khi chúng ta tiếp xúc với những đạo lý, phương pháp này, chúng ta không được để tâm mình dao động”. Trong thế pháp, chúng ta không bị “danh vọng lợi dưỡng”, “năm dục sáu trần” nhiễu động. Trong Phật pháp, có rất nhiều phương pháp nhưng chúng ta cũng không được để chúng xoay chuyển. Phương pháp tốt với người khác nhưng chưa chắc đã tốt với chúng ta. Nhiều người bị cuốn theo những phương pháp tu hành khác nhau. Khoảng gần 10 năm trước, phương pháp tu hành, cách thức tu hành xuất hiện nhiều vô số làm mọi người bị nhiễu loạn, động tâm. Nếu chúng ta để những phương pháp này xoay chuyển thì tâm chúng ta sẽ bị loạn động.

Hòa Thượng nói: “Chúng ta nhìn vào tấm gương của Ngài Thiện Tài Đồng Tử, Ngài tham vấn 53 vị thiện tri thức trong tất cả các ngành nghề trong xã hội nhưng Ngài chỉ theo pháp môn niệm Phật”. Ngài Thiện Tài Đồng Tử đã làm ra biểu pháp cho chúng ta, Ngài đã ở trong môi trường thực tế để bồi dưỡng, tôi luyện. Chúng ta phải quán sát, chúng ta đang làm chủ hoàn cảnh hay bị hoàn cảnh làm chủ mình. Ở trong thế gian chúng ta đã bị động loạn, trong tu hành tâm chúng ta vẫn động loạn thì chúng ta không có chút công phu nào!

Hòa Thượng nói: “Ngài Thiện Tài tham vấn 53 thiện tri thức ở các ngành nghề khác nhau, điều này cũng biểu thị cho nhiều pháp môn khác nhau”. Ban đâu, Ngài Thiện Tài tham học pháp môn niệm Phật với Ngài Văn Thù Bồ Tát. Sau khi tham học các thiện tri thức, Ngài vẫn theo pháp niệm Phật.

Hòa Thượng nói: “Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói Bồ Tát Văn Thù niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ vậy thì môn sinh đắc ý, truyền nhân đắc ý của Ngài phải là người niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ”. Người xưa nói: “Tiên nhập vi chủ”. Điều gì vào trước thì điều đó sẽ là chủ, làm chủ đạo. Lựa chọn đầu tiên rất quan trọng. Nhiều người ban đầu chọn sai nên họ phải chọn lại nhiều lần.

Xem hình tóm tắt các bài viết trên facebook