/ 1
392

LÀM SAO ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI VỢ CHUẨN MỰC

Trích từ “Phụ nữ 5 tốt trong thời đại mới”

Kì thứ 3

Ngày 19-22 tháng 5 năm 2010

Chủ giảng: Cô giáo Dương Thục Phân

Địa điểm: Trường Huấn luyện giáo dục dưỡng chánh Bắc Kinh

 

Tiếp theo chúng ta suy nghĩ một chút, làm sao để trở thành một người vợ chuẩn mực. Các bạn ngồi đây bạn nào vẫn chưa làm vợ, vẫn chưa kết hôn, có nhiều không, mời giơ tay lên! Chưa kết hôn, chưa kết hôn nhé! Ồ, rất ít bạn chưa kết hôn. Đã kết hôn? Ồ, đa phần đều đã kết hôn. Ở đây chúng tôi cũng khích lệ mọi người, những bạn chưa kết hôn thì hy vọng sau này sẽ trở thành một người vợ tốt, làm sao để trở thành một người vợ tốt, trước hết chúng ta cùng xem bài thơ đầu tiên trong “Kinh thi” tên là “Quan thư”, trong “Kinh thi” bài “Quan thư” này được đặt trong phần đầu tiên

“Quan quan thư cưu, tại hà chi châu,

yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu,

sâm si hạnh thái, tả hữu lưu chi,

yểu điệu thục nữ, ngụ mị cầu chi”.

Bài này tôi trích ra hai câu đầu tiên,

“Quan quan thư cưu, tại hà chi châu,

yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu”.

Có phải chúng ta thường hay nghe câu “yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” không? Đúng, đều đã nghe rồi. Vậy sự lý giải của chúng ta về “yểu điệu thục nữ” có phải là những cô gái trẻ trung có vóc dáng thon thả dung mạo xinh đẹp hay không? Có phải vậy không? Đúng. Nhưng trong thời cổ đại, “yểu điệu thục nữ” không phải được giải thích như vậy, “yểu điệu thục nữ” tức là người nữ xinh đẹp, nho nhã và lương thiện, chúng ta gọi đó là “yểu điệu thục nữ”, chứ không phải sự “lả lướt yểu điệu” mà hiện nay chúng ta thường nói, “lả lướt”“yểu điệu” khác nhau rất lớn, mọi người đừng hiểu lầm. “Quân tử hảo cầu”, “cầu” ở đây không phải là sự theo đuổi, mà là sự ngưỡng vọng, kính mến, trong tâm rất ngưỡng vọng mong muốn một người con gái tốt như vậy sẽ trở thành người bạn đời của họ. “Quan quan thư cưu”, người xưa rất thú vị, tại sao họ lại nhắc đến chim thư cưu, “tại hà chi châu”, bởi vì loài chim này bản tánh của chúng là tình cảm vô cùng chung thủy, trong suốt một đời chúng chỉ chung thủy với một người, trong suốt một đời chúng chỉ có một người bạn đời, nếu người bạn đời đó qua đời chúng vẫn luôn giữ mãi tình nghĩa đó. Cho nên “Quan thư” đã dùng loài chim thư cưu để khích lệ mọi người phải nên như loài chim này, không nên tùy tiện như loài cầm thú. Bởi vậy ở đây đã nêu lên một nét đặc trưng của chim thư cưu để mở đầu cho bài thơ “Quan thư” trong “Kinh thi”. Vậy nên ngay cả loài chim cũng có tình cảm như vậy, đối với vợ chồng cũng có đạo nghĩa như vậy, huống chi con người. Tình cảm chung thủy của chúng đối với người bạn đời của mình đã khiến tôi nghĩ đến, có một thời gian tôi đã từng sống ở Australia, nơi tôi sống có rất nhiều loại chim, một hôm tôi ngồi bên cửa sổ đọc sách, nhìn qua thì thấy có hai con chim, một con đã nằm ra đó, con còn lại thì cứ đi tới đi lui bên cạnh con kia, sau đó tôi bước đến xem, thì ra con chim kia đã chết rồi, con chim còn lại cứ quấn quýt bên cạnh nó, không đành lòng bỏ đi, nó cứ như vậy suốt ba ngày. Khi nhìn thấy cảnh tượng này thì tôi vô cùng cảm động, tình cảm của loài chim cũng thủy chung như vậy, cũng trung trinh như vậy, đưa tiễn xong vẫn ở bên cạnh bạn đời của mình suốt ba ngày. Cho nên từ giới động vật chúng ta có thể quan sát được cái tình, cái nghĩa của loài vật rất đáng để chúng ta cảm phục.

Vì vậy, muốn làm một người vợ chuẩn mực thì ở đây chúng ta phải suy nghĩ xem mình có phải là một người con gái lương thiện hay không, mình có phải là một người con gái nho nhã hay không, về dung mạo xinh đẹp thì cũng phải tự tin về chính mình, bởi vì cái đẹp khó có một tiêu chuẩn nhất định, nó hết sức chủ quan, cho nên tôi thường khích lệ bản thân mình là mình thật sự cũng khá lắm, buổi sáng thức dậy đã phải cho mình một khái niệm là hôm nay mình rất vui vẻ, mình vui vẻ cho nên mình xinh đẹp. Chúng ta đừng xem cái đẹp đó là một cảm giác về hình thể ngũ quan, mà cái đẹp là một khí chất được toát lên từ một trái tim lương thiện, chúng ta gọi đó là đẹp, đây là sự lý giải của cá nhân tôi về cái đẹp, chứ không phải ngũ quan xinh đẹp mới là vẻ đẹp thật sự. Đức hạnh toát lên từ một nội tâm lương thiện, chúng ta gọi đó là cái đẹp. Cho nên trong cuộc sống chúng ta nhìn thấy rất nhiều người dung mạo thật sự là không xinh đẹp gì, nhưng họ lại được rất nhiều người quý mến, bởi vì khí chất toát lên từ nội tâm lương thiện của họ là một sự thu hút rất lớn, do đó vẻ đẹp này mọi người đều phải nên học tập. Về người nam thì chúng ta gọi đó là anh tuấn oai hùng, có khí thế anh hùng như vậy, muốn được như thế thì từ nhỏ chúng ta đã phải bồi dưỡng các em có một tinh thần chính nghĩa, như vậy mới có thể toát lên được.

/ 1