/ 51
154

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 6)

“DUY NGUYỆN THẾ TÔN QUẢNG THUYẾT ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT MA-HA-TÁT, NHÂN ĐỊA TÁC HÀ HẠNH, LẬP HÀ NGUYỆN NHI NĂNG THÀNH TỰU BẤT TƯ NGHỊ SỰ” (Cúi mong đức Thế-Tôn nói rõ nhơn địa của Ngài Ðịa Tạng Bồ-tát; Ngài tu hạnh gì, lập nguyện gì mà thành tựu được sự không thể nghĩ bàn như thế) .

Đây là Bồ-tát Văn Thù nhìn thấy đại chúng đông đảo hiếm có trong pháp hội lần này, và đương nhiên Ngài biết rất rõ ràng, rất minh bạch. Nhưng phàm phu cõi trời người, Nhị Thừa, cho đến Bồ-tát Quyền Giáo, nhìn thấy sự đông đảo này đều không thể tránh khỏi có nghi hoặc, thậm chí là còn có ý niệm phỉ báng. Tổ sư đại đức căn cứ theo Kinh Luận nói cho chúng ta biết, nghi hoặc, phỉ báng pháp nhất định đọa địa ngục A-tỳ. Những lời nghi hoặc, phỉ báng như vậy bình thường chúng ta đều không dám nói. Tại sao vậy? Nói ra rồi thì người ta sẽ càng nghi hoặc, càng phỉ báng. Sau khi họ nghe xong sẽ nói: “Anh lấy chuyện này để hù dọa người ta, chứ làm gì có tội nặng như vậy? Làm gì có địa ngục?”. Họ tuyệt đối không thể tiếp nhận, không thể tin. Cho nên những lời này, người tin như chúng ta phải có sự cảnh giác cao độ đối với đại chúng, trừ khi là họ đọc đến đoạn Kinh văn này thì ta không thể không nói, không đọc đến đoạn Kinh văn này thì chúng ta dứt khoát không nói. Phải biết tại sao không nói? Nói không những không có lợi ích, mà còn giúp người ta tạo tội nghiệp, thì việc gì phải nói? Họ đã bị đọa rất thê thảm rồi, không nên khiến cho họ đọa nặng hơn nữa. Đây chính là đại từ đại bi. Cho nên ở đời trược ác, Phật, Bồ-tát không dùng thân tướng của Phật xuất hiện ở thế gian là để giảm bớt sự nghi hoặc, phỉ báng của chúng sanh. Bồ-tát Văn Thù vô cùng từ bi, giúp Thế Tôn ra giáo hóa chúng sanh, giống như hai Ngài đang biểu diễn trên sân khấu vậy, một người hỏi, một người đáp.

Tại sao Bồ-tát Địa Tạng có phước đức, nhân duyên lớn như vậy? Triệu tập được tất cả chư Phật, Bồ-tát và chúng sanh có duyên trong lục đạo tận hư không khắp pháp giới đến tham dự đại hội lần này? Đây là việc không thể nghĩ bàn.

Mời xem Kinh văn dưới đây:

“PHẬT CÁO VĂN THÙ SƯ LỢI: THÍ NHƯ TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI SỞ HỮU THẢO MỘC TÒNG LÂM, ĐẠO, MA, TRÚC, VI, SƠN THẠCH, VI TRẦN, NHẤT VẬT NHẤT SỐ, TÁC NHẤT HẰNG HÀ, NHẤT HẰNG HÀ SA, NHẤT SA NHẤT GIỚI, NHẤT GIỚI CHI NỘI, NHẤT TRẦN NHẤT KIẾP, NHẤT KIẾP CHI NỘI SỞ TÍCH TRẦN SỐ TẬN SUNG VI KIẾP” (Ðức Phật bảo Ngài Văn-Thù Sư-Lợi rằng: 'Ví như bao nhiêu cỏ, cây, lùm, rừng, lúa, mè, tre, lau, đá, núi, bụi bặm trong cõi tam thiên đại thiên, cứ một vật làm một sông Hằng, rồi cứ số cát trong mỗi sông Hằng, một hột cát làm một cõi nước, rồi trong một cõi nước cứ một hột bụi nhỏ làm một kiếp, rồi bao nhiêu số bụi nhỏ chứa trong một kiếp đều đem làm kiếp cả.)

Đoạn Kinh văn này là Thế Tôn nói ra cho Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi biết sự tích nhân duyên độ hóa chúng sanh của Bồ-tát Địa Tạng trước đây. Nói với Văn Thù Sư Lợi chính là nói với chúng ta. Văn Thù Sư Lợi ở đây là đại biểu cho mọi người chúng ta. Đoạn này trước tiên từ trong ví dụ, số lượng ví dụ không thể nghĩ bàn. Ví dụ này chúng ta không cần giải thích từng câu. Pháp sư Thánh Nhất có nói rõ ở trong Giảng Ký rồi, chúng ta ở đây lược bỏ bớt. Con số này không có cách gì tính được. Người thế gian không thể tính nổi, hiện nay khoa học kỹ thuật phát triển, máy tính cao cấp nhất cũng không thể tính nổi.

“ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT CHỨNG THẬP ĐỊA QUẢ VỊ DĨ LAI THIÊN BỘI ĐA Ư THƯỢNG DỤ” (Từ lúc Ngài Ðịa Tạng Bồ-tát chứng quả vị thập địa Bồ-tát đến nay nghìn lần lâu hơn số kiếp tỉ dụ ở trên).

Giống như con số ví dụ phía trước, chỗ này là nói Bồ-tát Địa Tạng chứng quả vị thập địa. Từ lúc chứng sơ địa đến thập địa, hay nói cách khác, trước thập địa đó đều không tính, nếu tính thêm số đó nữa thì sẽ nhiều hơn nữa, đếm không nổi.

“HÀ HUỐNG ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT TẠI THANH VĂN, BÍCH CHI PHẬT ĐỊA” (huống là những thuở Ngài Ðịa Tạng Bồ-tát còn ở bực Thanh-Văn và Bích-Chi-Phật).

Đây là nói thời gian trước kia không tính, chỉ tính từ lúc chứng được Bồ-tát địa thượng cho đến nay, dùng con số hằng hà sa kiếp cũng không thể tính được thời gian này. Ví dụ này nói thực ra cũng chỉ có Phật mới có thể nói ra được. Nếu chúng ta dùng ngôn ngữ văn tự để hình dung con số này, thì chúng ta cũng không thể hình dung nổi.

“VĂN THÙ SƯ LỢI, THỬ BỒ-TÁT UY THẦN THỆ NGUYỆN BẤT KHẢ TƯ NGHỊ” (Này Văn-Thù Sư-Lợi! Oai thần thệ nguyện của Bồ-tát đó không thể nghĩ bàn đến được).

/ 51