/ 51
100

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 41)

Mời mở bản Kinh ra, phần khoa chú quyển hạ, trang ba mươi chín, Kinh văn:

“THẾ TÔN! VỊ LAI THẾ TRUNG CẬP HIỆN TẠI CHÚNG SANH, NHƯỢC NĂNG Ư SỞ TRỤ XỨ PHƯƠNG DIỆN, TÁC NHƯ THỊ CÚNG DƯỜNG, ĐẮC NHƯ THỊ LỢI ÍCH”.

(Bạch đức Thế-Tôn! Chúng sanh trong đời sau cùng hiện tại nay, nếu ở nơi phần đất của mình cư trụ mà có thể làm ra sự cúng dường Ngài Địa Tạng như thế, thời được sự lợi ích như vậy).

Hôm qua giảng đến chỗ này. Đây là nói người dựa theo lời chỉ dạy trong Kinh điển tu cúng dường thì họ có thể được chư Phật, thiện thần gia trì và họ thu được lợi ích. Giống như mười loại lợi ích mà phía trước đã nói. Trong mười loại lợi ích thì chín loại phía trước đều là lợi ích thế gian. Loại sau cùng là: “Đa ngộ Thánh nhân” (thường gặp các bậc Thánh). Đây là được lợi ích xuất thế gian, và lợi ích này là thù thắng vô cùng. Đây chính là nói phương pháp tu hành thoát khỏi thế gian. Giống như trong Kinh luận thường nói, nghe pháp, khai ngộ, tu hành, bố thí, phần trước nói với chúng ta tu phước ở trong Tam Bảo, ở trong Kinh đức Phật nói cho chúng ta biết đa ngộ Thánh nhân chính là thường gặp thiện tri thức, thường hay gặp được hóa thân của những bậc Thánh Hiền như Phật, Bồ Tát, La-Hán. Những vị bạn lành này, họ có thể giúp chúng ta xa lìa pháp ác, tăng trưởng pháp thiện, có thể giúp chúng ta khôi phục giới, định, tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đây là trong Kinh gọi là “Ngũ phần pháp thân”, đây là nhân duyên của Thánh Hiền. Nếu như chúng ta thường hay gặp được thì đây là sự việc tốt, là dịp may mắn vô cùng trong thế gian và xuất thế gian. Ở chỗ này đức Phật dạy cho chúng ta biết thường hay cúng dường, ở trong cúng dường quan trọng nhất là cúng dường y giáo tu hành. Cúng dường Bồ Tát Địa Tạng, được oai thần của Bồ Tát Địa Tạng gia trì, thì mới có thể có được sự gặp gỡ thù thắng này. “Tác như thị cúng dường, đắc như thị lợi ích” (Làm ra sự cúng dường Ngài Địa Tạng như thế, thời được sự lợi ích như vậy).

Xem tiếp dưới đây, đoạn thứ hai là lợi ích của việc đọc Kinh, cúng tượng. Mời xem Kinh văn:

“PHỤC BẠCH PHẬT NGÔN: THẾ TÔN! VỊ LAI THẾ TRUNG, NHƯỢC HỮU THIỆN NAM TỬ THIỆN NỮ NHÂN”

(Vị Kiên Lao Địa Thần lại bạch với đức Phật rằng: “Bạch đức Thế-Tôn! Trong đời sau này, như có người thiện nam kẻ thiện nữ nào”)

Đây là người hay tu, đặc biệt chú ý đến chữ “thiện” ở trong Kinh văn nói, đây là chữ mấu chốt.

“Ư SỞ TRỤ XỨ, HỮU THỬ KINH ĐIỂN CẬP BỒ TÁT TƯỢNG”

(Ở trong chỗ của mình cư trụ mà có Kinh điển này cùng hình tượng của Ngài Địa Tạng Bồ Tát)

“Hữu thử Kinh điển” (có Kinh điển này) chính là chỉ bộ Kinh này, là "Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện". Trong nhà bạn có bộ Kinh điển này, và có cúng dường hình tượng Bồ Tát Địa Tạng, đây là nhân duyên được phước.

“THỊ NHÂN CÁNH NĂNG CHUYỂN ĐỘC KINH ĐIỂN, CÚNG DƯỜNG BỒ TÁT, NGÃ THƯỜNG NHẬT DẠ DĨ BỔN THẦN LỰC VỆ HỘ THỊ NHÂN, NÃI CHÍ THỦY HỎA ĐẠO TẶC, ĐẠI HOẠNH TIỂU HOẠNH, NHẤT THIẾT ÁC SỰ TẤT GIAI TIÊU DIỆT”.

(Người đó lại có thể đọc tụng Kinh điển này và cúng dường hình tượng của Bồ Tát. Thời con dùng thần lực của con thường hộ vệ người đó, cho đến tất cả sự tai họa như nước, lửa, trộm, cướp, nạn lớn, nạn nhỏ v.v... thảy đều tiêu sạch).

Đây là lời báo cáo của Kiên Lao Địa Thần lên đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài phát tâm hộ pháp. Kiên Lao Địa Thần dùng cách nói hiện nay của chúng ta mà nói là vị thần đất lớn nhất ở trên địa cầu chúng ta, địa vị của Ngài còn cao hơn cả vua Diêm La. Vua Diêm La giống như vị vua của một nước, còn Ngài là vị vua của toàn thế giới, vua Diêm La cũng phải nghe lời Ngài, Ngài là vị thần đất của cõi Diêm Phù Đề. Giống như chúng ta ngày nay gọi là lãnh tụ của toàn thế giới. Phước báo của Ngài rất lớn, quyền lực cũng lớn, uy thế hơn người. Đoạn sau cùng này ở trong Kinh văn là đoạn mấu chốt: “Thị nhân cánh năng chuyển độc Kinh điển, cúng dường Bồ Tát” (Người đó lại có thể đọc tụng Kinh điển này và cúng dường hình tượng của Bồ Tát)

Tám chữ này rất quan trọng. Ngài không có nói là: “Thị nhân năng độc Kinh điển” (Người đó có thể đọc Kinh điển), Ngài nói là “Thị nhân chuyển độc Kinh điển” (Người đó có thể chuyển đọc Kinh điển). Ý nghĩa của chữ chuyển là gì? Mỗi ngày bạn đọc tụng Kinh điển, mỗi ngày đọc một trăm lần cũng không có tác dụng. Thiên Lao Địa Thần có phù hộ cho bạn không? Không thể. Nếu như bạn chuyển đọc Kinh điển thì sẽ tương ưng với nguyện của Ngài. Quý vị thử nghĩ xem ý nghĩa của chữ chuyển này là gì? Cổ đức thường nói: “Tùy văn nhập quán” đó chính là chuyển. Đọc thấy lời giáo huấn trong Kinh văn thì tâm niệm liền chuyển. Cho nên chuyển là y giáo phụng hành, bạn mỗi ngày đọc, mỗi ngày nhớ nghĩ, mỗi ngày làm theo. Chuyển là đem suy nghĩ của chúng ta chuyển trở lại, đem hành vi của chúng ta chuyển trở lại, dựa theo lý luận và giáo huấn của Kinh điển. Cho nên chuyển đọc Kinh điển chính là cúng dường tu hành đúng như đã dạy, vậy gọi là chuyển, dùng công đức đó cúng dường Bồ Tát. Cho nên cúng dường Bồ Tát không phải ở trên hình thức như; mỗi ngày thắp hương, cúng nước, cúng trái cây cho Ngài, không phải ở những thứ này. Mà là phải dùng tâm thành kính tu hành, tu hành nghiêm túc để cúng dường, điểm này rất quan trọng. Bạn có tấm lòng thành này thì đương nhiên ở trên hình thức cũng sẽ làm được. Không có thành ý, dù trên hình thức làm được cũng không có tác dụng. Quan trọng nhất là bạn phải có thành ý. Mấu chốt là ở chữ “Chuyển”. Chuyển chính là chuyển phàm thành Thánh, chuyển phiền não thành Bồ-đề, chuyển mê thành ngộ, chuyển nhiễm thành tịnh, đều ở chỗ chuyển biến, nên chữ này là chữ mấu chốt. Thật sự có thể dựa theo lời chỉ dạy trong Kinh điển chuyển trở lại.

/ 51