/ 51
129

KINH ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN (Tập 26)

PHẨM THỨ BẢY

LỢI ÍCH CẢ KẺ CÒN NGƯỜI MẤT

Mời xem Kinh văn:

“NHĨ THỜI ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT MA HA TÁT BẠCH PHẬT NGÔN: THẾ TÔN! NGÃ QUÁN THỊ DIÊM PHÙ ĐỀ CHÚNG SANH, CỬ TÂM ĐỘNG NIỆM VÔ PHI THỊ TỘI, THOÁT HOẠCH THIỆN LỢI ĐA THOÁI SƠ TÂM, NHƯỢC NGỘ ÁC DUYÊN NIỆM NIỆM TĂNG ÍCH. THỊ ĐẲNG BỐI NHÂN, NHƯ LỮ NÊ ĐỒ, PHỤ Ư TRỌNG THẠCH, TIỆM KHỐN TIỆM TRỌNG, TÚC BỘ THÂM THÚY”

(Lúc đó Ngài Địa Tạng Bồ-tát bạch cùng đức Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Con xem xét chúng sanh trong cõi Diêm Phù Đề sanh tâm động niệm không chi là chẳng phải tội. Nếu gặp những việc về pháp sự lợi lành phần nhiều thối thất tâm tốt ban đầu. Còn hoặc khi gặp duyên sự bạo ác chẳng lành lại lần lần thêm lớn. Những hạng người trên đó như kẻ mang đá nặng đi trong bùn lầy càng nặng thêm lần, càng khốn đốn thêm lần, chân đạp lún lút sâu”).

Chúng ta xem đoạn này, đoạn này cũng là phần quan trọng trong bộ Kinh này. Đặc biệt hiện nay là tháng bảy, dân gian đều biết về những pháp sự siêu độ này. Pháp sự siêu độ là bắt nguồn từ đâu? Căn cứ vào lý luận nào? Ở trong đoạn Kinh văn này, cũng sẽ nói cho chúng ta biết rất rõ ràng. Vừa mở đầu bản Kinh là Bồ-tát Địa Tạng đã nói một đoạn với đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đây là những tình trạng sự thật mà Ngài nhìn thấy ở thế gian trong khi độ hóa chúng sanh. “Diêm Phù chúng sanh”, đây là chỉ địa cầu này của chúng ta. “Cử tâm động niệm” chính là khởi tâm động niệm. Khởi tâm động niệm “không chi là chẳng phải tội”. Bồ-tát Địa Tạng nói câu này có hơi quá không? Chúng ta hãy nghiêm túc bình tĩnh mà tư duy, khởi tâm động niệm có phải là tội hay không? Phật nói ra bộ Kinh này. Bộ Kinh này là nói ở trên hội Phương Đẳng. Vào thời đó, ba nghìn năm trước Bồ-tát nói câu nói này, thật sự sẽ khiến chúng ta hoài nghi. Nếu như nói câu này ở thế gian thời hiện đại thì chúng ta sẽ rất đồng ý, thật sự là khởi tâm động niệm không có chi là chẳng phải tội. Nhưng ý của Bồ-tát rất sâu. Tại sao vậy? Khởi tâm động niệm chính là tội, lời này nói ra rất khó hiểu. Ở trên quả địa Như-lai, ở Pháp Thân Đại Sĩ phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân, chúng ta gọi là Bồ-tát sơ trụ viên giáo, các Ngài có còn khởi tâm động niệm hay không? Không còn nữa. Ý nghĩa này nếu quý vị nghe hiểu, thì bạn sẽ hiểu được khởi tâm động niệm liền rơi vào trong Thập Pháp Giới. Cho nên tiêu chuẩn về tội đó Ngài đặt rất cao. Tiêu chuẩn đó là ranh giới giữa Nhất Chân Pháp Giới và Thập Pháp Giới. Nếu bạn rơi vào Thập Pháp Giới, như thế là bạn có tội. Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát và Phật, Phật Thông Giáo, Phật Tạng Giáo ở trong Thập Pháp Giới. Cho nên khởi tâm động niệm là gì? Là đã biến chân tâm, chân tánh của bạn thành thức rồi. Tiêu chuẩn tu hành ở trong tông Pháp Tướng là chuyển thức thành trí, chuyển tám thức thành bốn trí. Khởi tâm động niệm là chuyển bốn trí thành tám thức rồi, đây là tội, đây là nói từ trên tiêu chuẩn này.

Tiêu chuẩn của thế gian chúng ta ngày nay thì thấp hơn nữa rồi. Tiêu chuẩn của thế gian ngày nay là gì? Là tiêu chuẩn của ba đường ác. Khi khởi tâm động niệm đều là tội nghiệp của ba đường ác. Đương nhiên ý này của Bồ-tát Địa Tạng thật sự là chỉ tiêu chuẩn của ba đường ác, thật sự là chỉ cho điều này, là phân biệt, chấp trước nghiêm trọng. Phân biệt, chấp trước ở trong Thập Pháp Giới rất mỏng, rất thưa thớt, còn phân biệt, chấp trước ở trong lục đạo là nghiêm trọng, nhất là chúng sanh trong đường ác. Đức Phật ở trong Kinh Đại Thừa nói cho chúng ta biết nghiệp nhân của Thập Pháp Giới, đây là điều mà người thật sự muốn học Phật nhất định phải hiểu cho thật rõ ràng, thật minh bạch. Thường xuyên dùng những lời giáo huấn này của Phật Đà để trắc nghiệm mình, xem công phu của chúng ta có đắc lực hay không? Chúng ta tu học có gì lệch lạc không, có gì sai lầm không? Dùng những lời giáo huấn này để kiểm điểm, để khảo sát. Giống như đọc sách vậy, phải thường xuyên kiểm tra xem thành tích của mình.

Phật nói cho chúng ta biết nghiệp nhân của Thập Pháp Giới. Đương nhiên nghiệp nhân này vô cùng phức tạp, ở trong phức tạp luôn luôn có một nhân tố quan trọng nhất, chúng ta gọi là nhân tố đứng đầu. Đức Phật nói cho chúng ta biết nhân tố đứng đầu ở trong Thập Pháp Giới này. Nhân tố đứng đầu để đức Phật thành Phật là bình đẳng. Phật là tâm bình đẳng, nhìn chúng sanh bình đẳng. Nếu như có phân biệt là không bình đẳng rồi. Cho nên Phật nhìn tận hư không khắp pháp giới tuyệt đối không có phân biệt, đó là nhất thể. Tâm bình đẳng là nhân tố đứng đầu của thành Phật. Tâm Bồ-tát là tâm lục độ. Khởi tâm động niệm có thể tương ưng với lục độ, thì người này là Bồ-tát. Tâm Duyên Giác là mười hai nhân duyên, niệm niệm tương ưng với mười hai nhân duyên đây là Phật Bích Chi. Niệm niệm tương ưng với Tứ Đế là Thanh Văn. Đây đều là nói nhân tố đứng đầu. Niệm niệm tương ưng với thập thiện, tứ vô lượng tâm (tứ vô lượng tâm là từ, bi, hỷ, xả), đây là thiên đạo ở trong lục đạo. Tại sao được sanh thiên? Thập thiện thượng phẩm, và phải có đầy đủ tứ vô lượng tâm, hạng người này sanh thiên. Vào trong cõi người được thân người là tương ưng với Ngũ Giới. Chúng ta ngày nay được thân người là do trong đời quá khứ tu hành tương ưng với ngũ giới, vậy là được thân người. Ba ác đạo, nếu tương ưng với tâm tham, thì đây là cõi ngạ quỷ, tương ưng với sân hận là cõi địa ngục, tương ưng với ngu si là cõi súc sanh. Ở trong Thập Pháp Giới, còn có một cõi A-tu-la. Tu-la tương đối đặc thù. Tu-la là tu thiện, cũng tu thập thiện thượng phẩm, không có tứ vô lượng tâm, mà là cống cao ngã mạn, tâm đố kỵ rất nặng, tâm háo thắng rất mạnh, họ cũng tu thập thiện thượng phẩm. Loại người này là nhân tu-la, đều là tội, không gì không phải là tội.

/ 51