/ 51
77

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 45

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore.

 

Mời mở kinh, Khoa Chú, quyển hạ, trang 61, Khoa Chú, quyển hạ, trang 61, Mời xem kinh văn:

Phục thứ Quán Thế Âm! Nhược vị lai hiện tại chư thế giới trung lục đạo chúng sanh, lâm mạng chung thời, đắc văn Địa Tạng Bồ-tát danh, nhất thanh lịch nhĩ căn giả, thị chư chúng sanh vĩnh bất lịch tam ác đạo khổ, hà huống lâm mạng chung thời, phụ mẫu quyến thuộc, tương thị mạng chung nhân xá trạch, tài vật, bảo bối, y phục, tố họa Địa Tạng hình tượng, hoặc sử bệnh nhân vị chung chi thời, nhãn nhĩ kiến văn tri đạo quyến thuộc tương xá trạch bảo bối đẳng, vị kỳ tự thân tố họa Địa Tạng Bồ-tát hình tượng.

Trước tiên xem đoạn này, đây là việc chuyển ác nghiệp lúc lâm chung. Việc này có nhiều người chú ý tới. Lần này, tôi ở Úc Châu có đồng tu đến hỏi tôi, khi người thân lớn tuổi trong nhà lâm chung chúng ta phải làm sao xử trí, làm sao giúp đỡ họ. Những vị đồng tu này đối với Phật pháp chưa chắc đã có nhận thức sâu sắc, nhưng họ đều quan tâm tới đại sự lúc lâm chung. Nhà Phật thường nói “sanh tử đại sự”. Bởi vì con người lúc lâm chung không phải nói một người khi chết đi thì hết thảy đều chấm dứt, không cần phải lo lắng gì hết. Nhưng thế gian này có không ít người thông minh, không ít người có trí tuệ, càng khó được là tín đồ tôn giáo, mặc dù đối với đạo lý sanh tử đại sự họ không có hiểu rõ, nhưng sự tồn tại của sự thật này họ đều có thể tin sâu không nghi, đều có thể nghĩ tới sau khi chết sẽ đến cõi nào đầu thai, đến cõi nào thọ thân? Có thể giác ngộ tới mức này thì tương đối không dễ. Thông thường nói là nhân duyên quả báo, nếu họ có thể nhận thức đến mức độ này thì khởi tâm động niệm thường ngày, tất cả tạo tác đều sẽ có đôi chút dè dặt. Đây cũng là việc mà đại sư Ấn Quang muốn cứu vãn thế đạo nhân tâm, tiêu trừ kiếp nạn trên thế gian, thế nên đã đặc biệt đề xướng giáo dục nhân duyên quả báo, đạo lý là ở chỗ này. Nếu nói với họ về đại đạo lý của vũ trụ nhân sanh, chân thật người có thể hiểu, có thể lý giải sẽ không nhiều, nhưng nói về lý luận và sự thật của nhân quả báo ứng thì người bình thường cũng có thể hiểu được, đều thể hội được. Đối với việc thay đổi lòng người thế gian, khuyên mọi người đoạn ác tu thiện, tiêu trừ hết thảy tai nạn trong thế gian có thể thu được hiệu quả tốt đẹp. Đối với quan niệm lý luận này, giáo học này có thể nói kinh Địa Tạng có phân lượng rất lớn. Đây cũng là việc mà chúng ta đã nhắc tới trong phần trước, tại vì sao sau khi đức Phật Thích-ca Mâu-ni diệt độ lại giao phó nhiệm vụ giáo hóa chúng sanh cho Địa Tạng Bồ-tát, đạo lý là ở chỗ này. 

Kinh văn vừa mở đầu, đức Phật gọi Quán Thế Âm Bồ-tát, Quán Thế Âm ở đây đại biểu cho chúng sanh trong lục đạo, cho nên gọi Quán Thế Âm Bồ-tát cũng đồng nghĩa với việc gọi tên chúng ta vậy. Đoạn kinh sau khai thị, đối với chúng ta mà nói là vô cùng thân thiết, đặc biệt chúng ta thấy câu “trong các thế giới vị lai và hiện tại”, chữ “vị lai” được đặt đầu tiên, chữ “hiện tại” là chỉ đại chúng hiện diện trong pháp hội lúc đó được đặt thứ hai, “vị lai” đặt ở đầu tiên. Từ đó có thể thấy kinh này trên thực tế ý nghĩa của giảng kinh là giảng cho chúng ta. “Trong các thế giới” không phải chỉ là thế giới Ta-bà mà thôi, hiển thị ra pháp môn Địa Tạng là tận hư không, khắp pháp giới, cùng với kinh Tịnh độ, cùng với kinh Hoa Nghiêm không hai không khác. Từng chi tiết nhỏ đều hiển thị phạm vi của pháp Đại thừa là tận hư không, khắp pháp giới. Đối tượng của Đại thừa là hết thảy chúng sanh trong pháp giới, chúng ta hiểu được ý nghĩa này thì tâm lượng của chúng ta mới có thể mở rộng, đây là chân tâm, đây là tâm lượng vốn có của chúng ta, “tâm bao thái hư, lượng chu sa giới” là hết thảy chúng sanh vốn có, cùng với chư Phật Như Lai không hai không khác. Hiện nay tại sao tâm lượng nhỏ như vậy? Tâm lượng nhỏ nên mới bị những tà môn ngoại đạo này lừa gạt, nên mới có chuyện bị mắc lừa, bị thiệt thòi, tâm lượng mở rộng thì sẽ không như vậy. Không có gì hư không pháp giới không bao gồm, do đó mỗi chữ mỗi câu trong kinh đều có ý nghĩa sâu rộng vô hạn, chúng ta phải hiểu được, phải học tập từ trong đây. Cho nên “trong các thế giới”, không có ghi là thế giới Ta-bà.

Trong đoạn này đặc biệt nói tới “lục đạo chúng sanh”, các cõi nước chư Phật đều có lục đạo chúng sanh, cũng có cõi không có lục đạo chúng sanh, có nhưng không nhiều. Thí dụ như thế giới Tây Phương Cực Lạc không có lục đạo chúng sanh, đại đa số cõi nước chư Phật đều có lục đạo chúng sanh, họ đều rất khổ, mê hoặc rất sâu. “Lúc lâm chung được nghe danh hiệu Địa Tạng Bồ-tát”, chữ quan trọng là chữ văn (nghe), văn ở đây là “văn tuệ” trong tam tuệ của Bồ-tát, chứ không phải là tùy tiện “nghe” mà hiểu được, thông thường người thế gian chúng ta đều hiểu sai ý trong câu này. Đây là kinh Đại thừa, hết thảy đều phải dùng tiêu chuẩn của Bồ-tát Đại thừa để đo lường. Tam tuệ của Bồ-tát là xây dựng trên nền tảng tam học của Thanh văn. Hiện nay có nhiều người nói họ tụng kinh Địa Tạng, cũng y theo những gì dạy trong kinh Địa Tạng mà tu hành nhưng không đạt được hiệu quả, do đó họ báng Phật, báng pháp và nói kinh Địa Tạng không linh. Họ không nghĩ rằng chính họ đã giải sai Như Lai chân thật nghĩa, không phải kinh không linh. Trong kinh nói “thiện nam tử, thiện nữ nhân”, bạn đã đạt tới tiêu chuẩn của thiện này chưa? Không có ai nghĩ tới. Tiêu chuẩn của thiện là gì? Là Tam phước, chúng ta đã giảng rất rõ ràng, tiêu chuẩn “người thiện” của thế gian là “hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm không giết, tu thập thiện nghiệp”, bạn đã làm được hay chưa? Nếu bạn đã làm được thì bạn là người thiện trong thế gian. Phật pháp là xây dựng trên nền tảng của “thiện” thế gian, ngay cả tiêu chuẩn này bạn cũng không làm được thì bạn học Phật chỉ là học Phật ngoài cửa mà thôi, chưa có nhập môn, tu như thế nào cũng là ở ngoài cửa, chưa vào trong, nhất định phải hiểu được đạo lý này. 

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51