/ 51
94

ĐỊA TẠNG BỒ-TÁT BỔN NGUYỆN KINH

Tập 35

Chủ giảng: Pháp sư Tịnh Không

Thời gian: Tháng 5 năm 1998

Địa điểm: Tịnh tông Học hội Singapore

 

Mời mở kinh văn, Khoa Chú quyển trung, trang 151, mời xem kinh văn:

Hà huống chúng sanh tự xưng tự niệm, hoạch phước vô lượng diệt vô lượng tội.

Kinh văn giảng tới chỗ này là nói đến việc niệm Phật diệt tội, sự việc này chúng ta phải hiểu cặn kẽ lời đức Phật dạy trong kinh, tuyệt đối không thể sơ ý qua loa, y văn giải nghĩa, vậy thì sai rồi. Thật ra trong phần đầu của kinh này, Thế Tôn đã nêu ra hai thí dụ rất hay cho chúng ta, chuyện cô Bà-la-môn và cô Quang Mục, mẹ của hai vị này đều là tạo tác tội nghiệp cực nặng đọa vào địa ngục, may nhờ có con gái hiếu thảo giúp đỡ họ. Dùng phương pháp gì để giúp đỡ? Đức Phật đều dạy họ dùng pháp môn niệm Phật. Có phải niệm như chúng ta thường ngày niệm Phật liền có thể diệt tội hay không? Liền có thể giúp họ từ trong địa ngục siêu sanh hay không? Không thể được, đây là việc nhất định không thể được. Phải niệm Phật như thế nào mới thật sự có hiệu quả? Phải giống như cô Bà-la-môn và cô Quang Mục, niệm Phật như vậy mới có hiệu quả.

Cho nên khi chúng ta trợ niệm, nếu trợ niệm chỉ là hữu khẩu vô tâm thì không có hiệu quả! Nếu trong lúc trợ niệm mà người trợ niệm có thể đạt được công phu thành phiến, có thể đạt được nhất tâm bất loạn, thì người đó sẽ được siêu độ, đạo lý là ở chỗ này, chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội. Nếu như người này không tạo nghiệp, không đọa lạc thì tâm người niệm Phật giúp họ sẽ không thành khẩn như vậy, bởi vì nhìn thấy họ tạo tội nghiệp, nhìn thấy họ đọa lạc nên dùng tâm hết sức thành kính để niệm Phật hồi hướng cho họ, giúp đỡ họ, nhờ vậy mà chính mình nâng cao cảnh giới của mình, mình vốn dĩ là một phàm phu mà hiện nay đã trở thành Bồ-tát. Bạn làm sao trở thành Bồ-tát? Là do người tạo tội nghiệp giúp bạn, tạo tăng thượng duyên cho bạn; bạn nghĩ thử xem nếu mẹ của cô Bà-la-môn và cô Quang Mục không tạo tội nghiệp, không đọa lạc thì hai cô ấy làm sao thành tựu đây? Họ không thể nào thành tựu. Thế nên, cơ duyên làm cho họ thành tựu là do người tạo tội nghiệp giúp họ, giúp họ siêu phàm nhập thánh, bạn nói xem công đức này lớn biết bao!

Đại Từ Bồ-tát nói [công đức] khi bạn khuyên hai người niệm Phật vãng sanh còn lớn hơn so với công phu tu hành của chính bạn. Vì sao hai người đó có thể vãng sanh, vì sao có thể thành Phật? Là do bạn khuyên họ. Nếu bạn khuyên mười ngàn người, một trăm ngàn người nhưng những người đó niệm Phật đều không thể vãng sanh thì bạn cũng không có cách gì, bạn sẽ không đạt được lợi ích. Họ thật sự vãng sanh thành Phật, tại sao họ thành Phật? Là vì bạn giúp họ nên họ mới thành Phật, họ thật sự thành Phật thì công đức của bạn mới lớn, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Tuyệt đối không phải nói bạn khuyên bao nhiêu người niệm Phật, hiệu quả của việc này không lớn, [khi nào] người được bạn khuyên thật sự niệm Phật, thật sự vãng sanh, nếu bạn khuyên được mười mấy người vãng sanh, Đại Từ Bồ-tát nói phước đức của bạn sẽ là vô lượng vô biên. Nếu bạn khuyên được một trăm người, một ngàn người thì bạn chân thật là Bồ-tát tái lai. Cho nên, trong việc này chúng ta phải phân biệt rõ ràng, tuyệt đối không phải chúng ta xây đạo tràng, trong đây có mấy ngàn người, mấy vạn người niệm Phật, con số đó không tính. Phải thật sự đạt được nhất tâm, thật sự đạt được công phu thành phiến, thật sự được vãng sanh, phải lấy cái này làm tiêu chuẩn. Đoạn này ở trong kinh cũng nói về tiêu chuẩn này, nếu bạn lấy tiêu chuẩn này thì chúng ta sẽ không nghi ngờ công đức lợi ích nói trong kinh, sẽ biết được đây là sự thật.

Cô Bà-la-môn, cô Quang Mục là vì mẹ của mình, thành tâm thành ý như vậy mà niệm Phật hồi hướng giúp đỡ mẹ. Cùng một đạo lý ấy, nếu như chúng ta cùng với người lâm chung rất xa lạ, không quen biết họ, khi gặp cơ duyên này, khi chúng ta trợ niệm giúp họ thì tâm thái trợ niệm cũng phải xem họ như là người thân của mình vậy, dùng tâm hết sức chân thành để niệm thì kẻ còn người mất đều được lợi ích, chính chúng ta được lợi ích, họ cũng được lợi ích. Nếu như chỉ làm qua loa cho xong chuyện thì cả hai bên đều không được lợi ích, lợi ích đó cũng như việc đã nói với mọi người ở đoạn trước “một phen lọt vào tai thì vĩnh viễn thành hạt giống đạo”. Nghiệp báo hiện tiền không thể chuyển trở lại, đây là việc chúng ta được khai thị từ trong kinh Địa Tạng. Biết được dụng ý trong lời dạy của đức Phật, hiểu rõ chân tướng sự thật, cho nên thông thường những Phật sự siêu độ này có hiệu quả hay không thì phải xem người chủ trì việc siêu độ này có tâm chân thành, cung kính hay không; quả nhiên có tâm chân thành, xem người mất như cha mẹ của mình, xem như người thân nhất của mình, dùng tâm thái này để siêu độ thì mới có lợi ích. Nếu như coi họ như người xa lạ, không có liên quan gì với mình, vậy thì lợi ích rất nhỏ, đạo lý là ở chỗ này. Cùng làm một chuyện giống nhau nhưng hiệu quả hoàn toàn không giống nhau, đây là việc chúng ta nhất định phải biết.

Ban biên dịch: Pháp Âm Tuyên Lưu

/ 51